05/01/2010 - 20:34

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO PHỤ NỮ

Để rành nghề, thạo việc, đảm bảo thu nhập...

Trang bị tay nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, mỗi năm, thành phố có hàng ngàn người lao động được học nghề miễn phí, có việc làm, trong đó, nhiều lao động nữ được quan tâm dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với trình độ, tay nghề và điều kiện kinh tế gia đình…

Đào tạo nhiều ngành nghề

Được sự hỗ trợ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, năm 2009, Trung tâm Dạy nghề Phụ nữ TP Cần Thơ đồng loạt khai giảng 7 lớp dạy nghề sơ cấp miễn phí cho trên 200 phụ nữ các phường ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn và Cái Răng. Đa số chị em đều trong độ tuổi lao động, chưa có việc làm ổn định, có nhu cầu học nghề và việc làm. Được tạo điều kiện học nghề miễn phí với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chị em rất phấn khởi, vui mừng, vì nếu muốn học nghề ở các cơ sở tư nhân, chị em phải có khoản tiền lớn so với thu nhập của gia đình. Qua kết quả thi tay nghề sau 4 tháng đào tạo, hầu hết học viên đều đạt yêu cầu, đa số đạt loại giỏi, khá. Bạn Thanh Hà, học viên lớp nghề may gia dụng ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, vui mừng với kết quả tốt nghiệp cuối khóa đạt loại giỏi, cho biết: “Em phải phụ tiếp cha mẹ việc vườn tược, buôn bán, nên không đi làm mà chỉ muốn trau dồi thêm tay nghề để mở tiệm may tại nhà. Em đã may được quần áo cho người thân và lối xóm”. Vừa được học may miễn phí, được cấp chứng chỉ nghề và trang bị máy may, là những yếu tố thu hút chị em thích học nghề may gia dụng.

 Học viên lớp dạy nghề nấu ăn ở quận Ninh Kiều trong giờ thực hành tỉa rau củ.

Trở lại thăm chị em lớp đan đát ở khu dân cư vượt lũ xã Trường Xuân, huyện Thới Lai lần này, chúng tôi được biết tin UBND xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Phú Thọ chuyên gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ với 65 thành viên. Hiện nay, chị em đang gia công sản phẩm thùng bằng dây lác cho Hợp tác xã Kim Hưng, với giá 2.000 đồng/sản phẩm. Mỗi ngày, thu nhập bình quân 10.000 đồng/ngày/người. Bà Trần Thị Liên, thành viên Hợp tác xã Phú Thọ, nói: “Bước đầu, chưa rành nghề, ít thành phẩm nên thu nhập chưa nhiều, hy vọng sau này sẽ khá hơn. Chúng tôi cũng mong được xem xét nâng thêm giá gia công phù hợp hơn với giá thị trường”. Ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: Khi HTX Phú Thọ được Ngân hàng Chính sách Xã hội duyệt xét cho vay vốn, Ban chủ nhiệm HTX sẽ trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp ở các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang để tạo điều kiện nâng cao giá gia công sản phẩm cho chị em. Ngoài ra, đến nay, trên 10 học viên lớp dạy nghề may gia dụng miễn phí cho người nghèo ở xã đã có hàng may gia công thường xuyên, tiền gia công từ 700 đồng -2.000 đồng/cái. Đầu năm 2010, xã Trường Xuân tiếp tục mở 1 lớp dạy nghề may gia dụng cho phụ nữ nghèo, phát triển tổ hợp may gia công, tạo việc làm thêm cho chị em.

Ông Đào Minh Lợi, Quyền Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thới Lai, cho biết: Năm 2009, trong tổng số 17 lớp dạy nghề sơ cấp miễn phí ở huyện Thới Lai đã có 6 lớp dạy nghề may gia dụng, trang điểm (chưa kể 5 lớp dạy nghề cho phụ nữ nghèo) cho chị em. Sau khi bế giảng, trường kết hợp ngành chức năng ở huyện, xã mở tổ hợp may và đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ gia công, giới thiệu vào làm việc ở các cơ sở làm đẹp, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn...

Chuyển nhận thức, vững việc làm

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, khi triển khai công tác dạy nghề hàng năm, phụ nữ luôn là đối tượng được chính quyền đoàn thể các địa phương đặc biệt quan tâm chọn để tạo điều kiện để chị em được trang bị tay nghề cơ bản, chí ít cũng biết được một nghề, bên cạnh việc đồng áng, vườn tược hay buôn bán... Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong tổng số 117 lớp dạy nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ TP Cần Thơ” (gọi tắt là Đề án ĐTN) năm 2009, có trên 40 lớp nghề dành cho phụ nữ. Đồng thời, 21 lớp dạy nghề miễn phí cho phụ nữ nghèo theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo của thành phố cũng ưu tiên trang bị nghề may gia dụng và đan đát cho chị em.

Theo ngành chức năng, từ khi triển khai các Đề án ĐTN ở thành phố đến nay, phụ nữ luôn là đối tượng được địa phương quan tâm, tạo điều kiện theo học nghề. Chị em thuộc nhiều độ tuổi, có gia cảnh khó khăn, muốn được học nghề và có việc làm để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Trên cơ sở khảo sát trình độ, nguyện vọng, sở thích của chị em, ngành nghề đăng ký đào tạo khá đa dạng, như: May gia dụng, may công nghiệp, đan đát, đan thảm vải, trang điểm, uốn tóc, nấu ăn... thu hút nhiều chị em ở các quận, huyện đăng ký học nghề. Trên thực tế, chị em thường theo học các nghề có thể tự tạo việc làm tại nhà. Trước khi đăng ký ngành nghề đào tạo với quận, huyện, Hội Phụ nữ xã, phường đều triển khai trong các cuộc họp nhóm, tổ, gợi ý cho chị em có nhu cầu đăng ký học nghề để có việc làm, tăng thu nhập. Sau khi học nghề, tùy theo sự năng động của chính quyền đoàn thể địa phương, chị em được tạo việc làm tại chỗ hay giới thiệu vào làm việc ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Theo nhận định của Hội Phụ nữ các phường, xã: “Hầu hết chị em sau khi học nghề đều thạo nghề và muốn có thu nhập từ nghề đã học. Mặc dù, Hội Phụ nữ phường đã vận động chị em vào làm việc ở các doanh nghiệp nhưng đa số đều ngán ngại do chưa quen về giờ giấc, kỷ luật cũng như cho rằng thu nhập không đủ sống. Riêng việc mở tiệm may tại nhà rất khó do điều kiện kinh tế và tay nghề của chị em chưa đáp ứng được. Chị em chỉ có thể tự may quần áo cho người thân...”. Các lớp may gia dụng ở phường Trường Lạc (quận Ô Môn), phường Thới An Đông, phường An Thới (quận Bình Thủy), phường Tân Phú (quận Cái Răng), xã Định Môn, Trường Thành (huyện Thới Lai), xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ)... đều gặp những hạn chế tương tự. Theo ông Đào Minh Lợi, thêm một hạn chế hiện nay ở các địa phương là sau khi giới thiệu việc làm hay hướng dẫn học viên sản xuất, kinh doanh tại địa phương, các ngành, đơn vị chức năng chưa có kế hoạch theo dõi số học viên có việc làm và thu nhập từ nghề đã học để có thể tư vấn, hỗ trợ thêm.

Cần nhìn nhận rằng, nỗ lực của Hội Phụ nữ các xã, phường, thị trấn tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng thành phố tổ chức dạy nghề để giúp chị em có việc làm đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở các địa phương. Hầu hết chị em đều rất phấn khởi khi được học và biết nghề, có thể tự tạo việc làm, có thu nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số chị em có việc làm sau đào tạo nghề không nhiều, chỉ dừng lại ở mức độ biết nghề và tạo việc làm tại chỗ. Theo kiến nghị chung của ngành chức năng, đoàn thể và người lao động ở quận, huyện, muốn phụ nữ thạo nghề, bám việc, đảm bảo thu nhập thường xuyên, cần tạo điều kiện cho chị em được học thêm để nâng cao tay nghề, giới thiệu cho địa phương các đầu mối gia công sản phẩm với giá cả hợp lý...

Theo Phòng Quản lý – Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong năm 2010, các quận, huyện đã đăng ký mở 112 lớp dạy nghề sơ cấp miễn phí cho trên 3.300 lao động. Những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều Đề án ĐTN, như: Đề án dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng quy hoạch, mất đất sản xuất; Dạy nghề cho người nghèo; Đề án ĐTN cho lao động nông thôn đến năm 2020... với nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, chị em sẽ có thêm nhiều cơ hội học nghề, có việc làm, tăng thu nhập, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Muốn công tác dạy nghề cho phụ nữ đạt hiệu quả, những người có trách nhiệm, đặc biệt là cán bộ Hội Phụ nữ các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp chị em chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của việc học nghề, có việc làm, tăng thu nhập, nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, vươn lên khấm khá. Từ đó, giúp chị em nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình, thực hiện quyền bình đẳng giới trong các hoạt động và quan hệ xã hội.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết