18/04/2008 - 09:52

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức:

Đề nghị Chính phủ xem xét, xử lý nghiêm những địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng không đúng kế hoạch

 

Hôm qua, 17-4-2008, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Ngô Thịnh Đức đã có buổi làm việc với lãnh đạo và đại diện các sở, ngành TP Cần Thơ để kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình do Bộ quản lý trên địa bàn Cần Thơ. So với cách nay gần 7 tháng, tiến độ giải phóng mặt bằng ở các công trình lớn: cầu Cần Thơ, đường Nam sông Hậu, cầu Cái Răng, cầu Đầu Sấu vẫn chưa được cải thiện. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cho biết:

- Ngày 24-9-2007, Bộ GTVT đã có cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng tại TP Cần Thơ. Nhưng cho tới giờ, công tác giải phóng mặt bằng ở các công trình trọng điểm này không có tiến triển đáng kể, hiện vẫn còn 309 hộ chưa giao mặt bằng. Nếu từ nay đến tháng 7-2008 không giao được mặt bằng, thì các dự án này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là 2 dự án vốn vay nước ngoài: cầu Đầu Sấu, cầu Cái Răng. Bởi theo quy định, vốn vay sẽ có thời gian “đóng” dự án và khoảng thời gian này hiện không còn nhiều nữa. Không riêng TP Cần Thơ, Bộ GTVT sẽ khuyến cáo với các địa phương phải khẩn trương giải phóng mặt bằng ở các dự án này. Trong trường hợp, từ nay đến hết năm 2008 không giải tỏa xong mặt bằng, Bộ GTVT vẫn phải triển khai thi công những đoạn có mặt bằng trước, đoạn nào chưa có mặt bằng thì chừa lại. Nhưng thi công như thế sẽ dẫn tới tình trạng “da beo”, làm xong cầu mà không có đường dẫn thì không phát huy hiệu quả! Do đó, chúng tôi trông cậy hoàn toàn vào địa phương...

* Thưa Thứ trưởng, hiện vẫn còn nhiều công trình “rùa” do không có mặt bằng tại nhiều nơi ở ĐBSCL. Nhưng theo kế hoạch Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai nhiều công trình nữa, liệu như thế có dàn trải, làm chậm phát huy hiệu quả đầu tư?

 Cầu Đầu Sấu đang xuống cấp nhưng vẫn chưa được khởi công xây dựng mới, do chưa được bàn giao mặt bằng thi công. Ảnh: TRUNG DÂN 
- Chính vì thế Bộ GTVT mới kiểm tra đôn đốc. Tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đã đi một vòng ở các tỉnh ĐBSCL rồi mà tới giờ này vẫn không thấy tiến triển. Lần này, chúng tôi sẽ đi hết các địa phương để yêu cầu lãnh đạo phải cam kết thời gian, tiến độ giải phóng mặt bằng. Nếu không khắc phục được tình trạng “da beo” trong giải phóng mặt bằng, làm phát sinh công trình “rùa”, thì Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, xử lý những địa phương đó. Tất nhiên, thực tế vấn đề đất đai là hết sức phức tạp và không phải nơi nào cũng dễ làm. Gần đây, Chính phủ giao cho các Bộ đề xuất trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT đã đề xuất rất nhiều giải pháp, nếu không có gì thay đổi, tới đây Chính phủ sẽ điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách về lĩnh vực này góp phần khắc phục nhanh những vướng mắc hiện nay...

* Gần đây dư luận rất quan tâm về dự án đường cao tốc Cần Thơ – Phnom Penh. Vậy công trình này bao giờ khởi động thưa Thứ trưởng?

- Đường cao tốc Cần Thơ – Phnom Penh được Bộ GTVT đề nghị trong chiến lược quy hoạch phát triển dài hạn đường cao tốc Việt Nam từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050. Nhưng đó mới chỉ là tầm nhìn, dạng ý tưởng chưa thể bàn sâu vào thời điểm này. Tuy nhiên, việc đầu tư đường cao tốc phải tính toán nhiều yếu tố. Việt Nam đang đầu tư đường cao tốc theo 2 dạng: Dạng thứ nhất là vay ưu đãi một phần và vay thương mại một phần (Nhà nước bảo lãnh); dạng thứ hai là BOT. Hiện nay, mới triển khai được dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Còn dự án Cần Thơ – Phnom Penh do chưa tính được tổng mức đầu tư, nên chưa tính đến cách đầu tư ra sao. Tuy nhiên, đầu tư dự án BOT mà lưu lượng xe thấp nhà đầu tư rất khó hoàn vốn từ tiền thu được của người tham gia giao thông. Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung vào các dự án trọng điểm: đường cao tốc Cần Thơ – Trung Lương, Sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ, luồng Quan Chánh Bố, đường Nam sông Hậu và khởi động dự án WB5 (hệ thống giao thông thủy, bộ các tỉnh ĐBSCL, từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới). Bộ GTVT tập trung để các công trình này hoàn thành thì lúc đó hệ thống giao thông cả vùng ĐBSCL mới được cải thiện, kiện toàn...

* Công trình đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và Trung Lương - Cần Thơ hiện đang vướng gì và bao giờ khởi công, thưa Thứ trưởng?

- Công trình này hiện nay cũng bị vướng giải phóng mặt bằng, còn vài hộ ở TP Hồ Chí Minh và vài hộ ở Tiền Giang. Nếu công trình này giao mặt bằng 100%, thì Bộ GTVT cam kết trong 6 tháng sẽ cơ bản hoàn thành. Còn đoạn từ Cần Thơ - Trung Lương, Bộ GTVT đã duyệt suất đầu tư rồi, đang tiến hành thành lập công ty đầu tư, lập dự án, nhưng cũng chưa bàn giao mốc mặt bằng, nên cũng chưa xác định được thời điểm khởi công.

* Quốc lộ 91 đang xuống cấp, trong đó có nhiều cầu như cầu Trà Nóc quá yếu, có nhận định sắp sập, Bộ GTVT sẽ xử lý ra sao, thưa Thứ trưởng?

- Đường Cần Thơ – Long Xuyên (nằm trong dự án WB5) dù muốn hay không muốn cũng phải mở, dù có vướng mặt bằng đến cuối năm vẫn phải làm. Bởi đây là con đường để Cần Thơ đến được biên giới, phục vụ giao thương mua bán, du lịch rất quan trọng để phát triển kinh tế địa phương và ĐBSCL. Do đó tuyến đường này bắt buộc phải mở rộng. Riêng cầu Trà Nóc, nói sắp sập là ý kiến của lãnh đạo địa phương, còn góc độ quản lý, kỹ thuật vẫn có giải pháp riêng. Tuy nhiên, cầu Trà Nóc nằm trong dự án cầu yếu, Bộ GTVT sẽ lập dự án nhóm cầu yếu để đầu tư trước trong thời gian tới...

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết