23/07/2009 - 21:11

Chuyện về những người có khả năng kỳ lạ
Kỳ 4: Người đàn ông khuyết tật đa tài

Dù hai cánh tay bị cụt, nhưng anh vẫn lao động cật lực để bươn chải lo cho cuộc sống hằng ngày. Từ chuyện nhỏ nhặt trong nhà đến những công việc nặng nhọc ở ngoài đồng, như làm cỏ, đào đất, cuốc đất hay bơi xuồng đi giăng câu, đặt lọp... anh đều làm được. Không cam chịu số phận là phương châm sống của anh - người đàn ông giàu nghị lực Trần Văn Thủ (49 tuổi, ở ấp Thới Thuận 2, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).

Đồng cảnh ngộ

Căn nhà nhỏ nằm lặng lẽ bên sông Ô Môn là nơi trú ngụ của anh Thủ sau bao thăng trầm trong đời. Hôm chúng tôi đến nhà, anh Thủ đang ngồi trên bàn, nhìn vào tờ giấy mà đọc những dòng chữ đã phai màu mực. Chúng tôi bước vào nhà, cười nói vui: “Đọc cái gì mà say sưa vậy, anh Thủ? Thư tình, phải không?”. Thấy có khách đến thăm, anh vội gấp tờ giấy lại, niềm nở tiếp chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, rồi đáp: “Có thư tình gì đâu. Lá thư này của một đứa cháu ở Cần Thơ gởi, cách đây cũng lâu. Nay lấy ra đọc cho đỡ buồn vậy mà”. Thấy chúng tôi ghẹo, anh Trần Văn Khoa, em trai út của anh Thủ, tiếp lời: “Ảnh đọc lá thư này nhiều lần rồi, mặc dù, trong thư chỉ viết vài dòng, ngắn gọn. Đọc thư xong ảnh gấp lại, cất giữ cẩn thận, xem như báu vật vậy đó!”.

Thấy chúng tôi cứ gạn hỏi mãi, anh Khoa tiết lộ, lá thư đó là của cháu Thi, con anh Tư Sơn, nhà ở Cần Thơ. Mấy tháng trước, anh Thủ đi coi nhà giùm đứa cháu thì anh quen được gia đình anh Tư Sơn, nhà ở gần đó. Trong một vụ tai nạn giao thông, anh Tư Sơn bị cụt đứt cánh tay trái; từ đó, anh tỏ ra chán nản, tự ti, mặc cảm với mọi người xung quanh, nên cứ nhậu nhẹt bê tha suốt ngày, làm cho vợ con phiền muộn. Đồng cảnh ngộ, anh Thủ rất thông cảm, sẵn lòng chia sẻ. Khi rảnh rỗi, anh Thủ thường sang nhà chuyện trò, tâm tình với anh Tư Sơn. Với thương tật nhiều hơn, nhưng anh Thủ vẫn sống vui vẻ, lạc quan và làm được rất nhiều thứ khiến anh Tư Sơn nể phục và nhận ra những suy nghĩ lệch lạc, bi quan của mình. Thế là, họ trở thành bạn thân. “Trong thư, cháu Thi khoe với tôi: “Bây giờ, ba con biết lo cho gia đình lắm! Sáng nào, ba cũng dậy sớm cùng mẹ dọn đồ ra chợ bán; tối đến thì ba dạy tụi con học bài, không còn nhậu nhẹt, quậy quạng như trước...”. Thú thật, mỗi lần đọc những dòng chữ này, tôi cảm thấy vui trong lòng” - Anh Thủ bộc bạch.

Kỷ niệm buồn

Anh Thủ là con thứ năm trong gia đình gồm 6 anh, chị em. Khi mới chào đời, cơ thể anh lành lặn, phát triển bình thường. Năm lên 10 tuổi, trong lần nghịch ngợm của tuổi nhỏ, tai nạn đã ập đến và cướp đi vĩnh viễn hai cánh tay của anh. Tuy sự việc đã xảy ra nhiều năm, nhưng anh còn nhớ rất rõ ngày định mệnh hôm ấy. Anh kể: “Trước đây, gia đình tôi sống ở làng Bình Thủy, trên đường vào mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Một bữa trưa hè, tôi và đám bạn trong xóm rủ nhau đến Sân vận động Quân khu 9 lượm thuốc pháo 105 (u bích) để chơi. Cả bọn lượm rất nhiều thuốc pháo bỏ vào trong ống típ, rồi châm lửa đốt. Sau đó, ống típ xì hơi và phát nổ. Đám bạn chạy thoát, chỉ bị xay xát ngoài da. Riêng tôi thì bị thương nặng, được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết hai cánh tay mình không còn nữa...”.

Sau lần đó, tay phải anh Thủ cụt gần cùi chỏ, tay trái cụt tới vai. Suốt quãng thời thơ ấu của anh là một chuỗi ngày dài đầy ám ảnh và buồn tủi. Rất thèm được nô đùa cùng bọn trẻ trong xóm, nhưng anh chỉ lặng lẽ đứng nhìn từ xa. Khi ra đường thì bị trêu chọc, khi tiết trời trở lạnh, vết thương cứ đau nhức và mọi sinh hoạt hằng ngày của anh đều phải nhờ sự chăm sóc, giúp đỡ của người thân... Theo thời gian, vết thương của anh đã lành hẳn. Không cam chịu số phận, anh Thủ bắt đầu luyện tập những động tác cầm, nắm vật dụng sinh hoạt hằng ngày bằng phần còn lại của hai cánh tay và hai bàn chân. Từ những cử động từ dễ đến khó, bằng ý chí và sự nỗ lực không ngừng, anh đã chiến thắng được thương tật, không còn tự ti, mặc cảm với mọi người xung quanh.

Thấy chúng tôi mặc áo sơ mi, quần tây, anh Thủ cứ tấm tắc khen ngợi. Nhìn lại mình, anh Thủ lặng người một lát, rồi nói: “Tôi thích nhất là chiếc áo sơ mi màu xanh da trời. Ngặt nỗi, mặc vào thì được, nhưng tôi không thể nào cài được nút áo, nên mãn năm chỉ mặc áo thun mà thôi!”.

Tàn nhưng không phế!

Trên đường đến ấp Thới Thuận 2, xã Tân Thạnh, chúng tôi được bà con nhắc nhiều về anh Thủ. Tính nết thì hiền lành, chất phác, anh sống rất giản dị, chan hòa với mọi người xung quanh. Bà Nguyễn Thị Hai nói: “Chú Thủ hiền lành, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác”. Nói đến đây, bà Hai bỗng ngưng lại, chỉ tay ra con lộ phía trước nhà, rồi kể: “Mùa nước nổi năm ngoái, con đường trước nhà tôi bị sạt lở, việc đi lại của bà con trong xóm gặp khó khăn. Thấy gia đình tôi đơn chiếc, chú Thủ đến phụ đào đất, đắp đường, nên con đường này mới cao ráo, đi lại dễ dàng”.

 Hai cánh tay bị cụt, nhưng anh Thủ vẫn làm được những công việc nặng của nhà nông.

Cha mẹ mất sớm, anh chị em đều lập gia đình và đã cất nhà ra ở riêng. Anh Thủ thì ở một mình quạnh hiu trong căn nhà của ông bà để lại ở ấp Thới Thuận 2. Nhờ phần còn lại của hai cánh tay và đôi chân mạnh khỏe đã giúp anh rất nhiều trong việc bươn chải, mưu sinh cho cuộc sống. Từ những chuyện lặt vặt trong nhà (như: quét nhà, giặt giũ, vo gạo, nấu cơm, vệ sinh cá nhân...) đến những công việc nặng nhọc ngoài đồng ruộng, như: làm cỏ, đào đất, ban đất, vác lúa, hay bơi xuồng đi giăng câu, đặt lọp... anh đều làm được. Bà con xung quanh rất quý mến anh.

“Hai tay cụt, sao anh cuốc đất được?”. Để giải tỏa thắc mắc, anh Thủ ra sau vườn, làm cho chúng tôi xem. Anh làm từng động tác thành thục, chúng tôi rất ngạc nhiên. Đầu cán cuốc được anh cặp sát vào nách tay trái; phần còn lại của tay phải anh khuỵu vào 1/3 cán cuốc. Sau đó, anh dùng sức giơ lên cao, bửa mạnh xuống đất, rồi dỡ cuốc lên, cục đất to sẽ văng lên... Ông Huỳnh Ngọc Tươi, Trưởng ấp Thới Thuận 2, cho biết: “Anh Thủ là nông dân thứ thiệt! Khi cha mẹ qua đời có để lại cho anh hơn 2 công đất ruộng. Anh rất siêng năng, làm lụng suốt ngày. Những công việc nặng nhọc của nhà nông, như: Ban bờ, đào đất, làm cỏ, giặm lúa... anh làm rất thành thạo. Đất của anh không lúc nào để trống, hết vụ lúa, thì anh chuyển sang trồng khoai lang hay trồng đậu xanh, đậu nành. Khi nhàn rỗi, anh còn đi làm thuê, làm mướn để tăng thu nhập hay phụ giúp bà con lối xóm trong những lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Hiện nay, ngoài làm thuê, làm mướn, anh Thủ còn có thêm một nghề nữa là đi bán vé số dạo để có thêm thu nhập. Đồ nghề của anh gồm: Một tấm ván gỗ hình chữ nhật, có chiều dài bằng tờ vé số. Ở trên tấm ván có một sợi dây gân và một số chiếc kẹp để giữ chặt, không để những tờ vé số rớt mất. Trên cùng là một dây dù, buộc chặt 2 đầu làm tấm ván, để làm tay xách... Tuy những động tác của anh hơi chậm, nhưng rất chính xác. Anh thường bán vé ở khu vực chợ Vàm Nhon, hay ở những kho lúa, gạo nằm cặp sông Ô Môn. Cứ xế chiều, anh đến đại lý vé số lấy thiếu chịu, trưa ngày hôm sau thì gom trả vốn. Mỗi ngày, anh bán được khoảng 50 tờ vé số, kiếm lời từ 20.000 đến 25.000 đồng. Anh Khoa bộc bạch: “Thấy hoàn cảnh của ảnh quá đơn chiếc, năm rồi vợ chồng tôi dọn về ở chung, để hủ hỉ, có anh có em cho đỡ buồn. Chúng tôi không dư giả gì, nhưng cũng có thể lo cho anh sống qua ngày, với hai bữa cơm canh đạm bạc. Nhưng, anh Thủ một mực không chịu. Thấy anh kiên quyết quá, vợ chồng tôi đành chiều ý, cho ảnh vui!”.

Giống như bao người khác, trong tim anh luôn khao khát, cháy bỏng một tổ ấm gia đình, có bàn tay dịu dàng chăm sóc của người vợ và tiếng nói cười, vui đùa của trẻ nhỏ. Anh Thủ tâm sự: “Thời trai trẻ, tôi và T.L rất hợp ý, nên đã phát sinh tình cảm. Nhưng khi tôi nhờ người đem cau trầu đến nhà dạm hỏi thì cha mẹ cô ta không ưng thuận. Thế là, chúng tôi chia tay nhau”. Nhiều năm sau, thấy tính nết của anh hiền lành, lại chịu khó, nên chị H.T đem lòng thương mến anh. Nhưng hạnh phúc cũng chưa mỉm cười đối với anh, chị. Khi biết được tình cảm của hai người, gia đình chị H.T tỏ vẻ không hài lòng, vì sợ con mình sẽ khổ. Không mong ước gì hơn, anh Thủ hy vọng một ngày nào đó, cha mẹ chị H.T thương tình mà tác hợp cho anh, chị nên chồng vợ, cùng xây dựng một tổ ấm gia đình...

Tuy cơ thể không lành lặn, có phần khiếm khuyết so với người bình thường, nhưng anh Trần Văn Thủ rất giàu nghị lực, cố gắng vươn lên trong cuộc sống: Tàn nhưng không phế! Anh là một tấm gương sáng, cần được mọi người biểu dương, học hỏi và noi theo, để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Kỳ 5: Cậu bé thông minh!

Chia sẻ bài viết