09/02/2010 - 22:38

Chất lượng thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Dần 2010

Chưa hết lo âu

Qua kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Tết Nguyên đán tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cho thấy tình hình rất đáng lo ngại. Theo thống kê sơ bộ của Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP Tết Nguyên đán TP Cần Thơ do ngành y tế chủ trì, qua kiểm tra đã phát hiện 18/19 cơ sở được kiểm tra vi phạm các quy định ATVSTP.

*Vẫn những vi phạm cũ

Hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP từ tuyến thành phố đến các xã, phường do ngành y tế chủ trì tổ chức kiểm tra 3 đợt: Tết Trung thu, Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó còn có các đợt kiểm tra đột xuất (trong năm 2009 có các đợt kiểm tra về nước tinh khiết, cháo dinh dưỡng...) và các đợt kiểm tra của các ngành chức năng khác như lực lượng quản lý thị trường, chi cục thú y... nhưng kết quả cho thấy những vi phạm về ATVSTP vẫn tiếp diễn. Tại tiệm bánh Đ.A (đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều), đây là tiệm bánh được kiểm tra nhiều lần nhưng ở khu sản xuất vẫn bề bộn và trưng bày cả sản phẩm quá hạn dùng. Ngày 5-1-2010, kiểm tra ở cơ sở bánh C.H, một trong những tiệm bánh lâu đời và khá nổi tiếng ở quận Ô Môn, đoàn kiểm tra phát hiện vệ sinh ở cơ sở rất kém: cống rãnh bẩn, công nhân chưa được trang bị bảo hộ lao động, sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh (nước sông bơm lên lắng phèn)...

Đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất bánh L.H  ở phường Thới An,  Ô Môn. 

Trong ngày 5-1, Đoàn kiểm tra cũng đến kiểm tra tại cơ sở sản xuất bánh L.H ở phường Thới An, quận Ô Môn, là một cơ sở sản xuất lớn với dây chuyền sản xuất khá hiện đại. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy hai mặt hàng bánh đũa và bánh quy mặn không thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, công nhân sản xuất không có bảo hộ lao động... Còn ở Làng du lịch M.K, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, mỗi ngày có từ 500-1.000 lượt khách. Tại thời điểm kiểm tra, trong khuôn viên của làng du lịch còn nuôi gia cầm (gà và vịt xiêm); trong khu chế biến thực phẩm, thùng rác không có nắp đậy và chưa có biện pháp ngăn côn trùng, sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc, giấy tập huấn cho công nhân chưa đầy đủ...

Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở lớn khi được kiểm tra và nhắc nhở các vi phạm đều chấp hành và có sửa đổi. Cụ thể, vài ngày sau, khi Đoàn phúc tra cơ sở bánh C.H, cơ sở này đã sắp xếp nguyên liệu gọn gàng, vệ sinh tương đối sạch sẽ, tuy nhiên quy trình sản xuất chưa đạt theo quy định một chiều, cơ sở đang mua thiết bị lọc nước. Chủ cơ sở cho biết: “Do nhà ở cải tạo thành nơi sản xuất nên quy trình sản xuất chưa theo quy tắc một chiều. Chúng tôi sẽ sớm sửa chữa cơ sở lại theo đúng quy định”. Ở cơ sở bánh L.H cũng đã khắc phục vệ sinh, bảo hộ lao động và đang làm thủ tục đăng ký tiêu chuẩn chất lượng cho bánh đũa và bánh quy mặn. Tại Làng du lịch M.K, sau khi được Đoàn kiểm tra góp ý, giám đốc của làng du lịch này cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉnh sửa theo những góp ý của Đoàn kiểm tra. Sắp tới, Làng du lịch cũng sửa chữa khu chế biến thực phẩm theo quy tắc một chiều”.

* Hàng cận đát, không rõ nguồn gốc tuồn về nông thôn

Trong đợt này, ngoài việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP TP Cần Thơ đã đi khảo sát tình hình kinh doanh, mua bán các mặt hàng thực phẩm (đặc biệt là các mặt hàng phục vụ trong dịp Tết) ở các chợ.

Tại chợ trung tâm các quận, huyện như Phong Điền, Bình Thủy, Thới Lai... Đoàn kiểm tra phát hiện rất nhiều hàng cận đát, không rõ nguồn gốc, không ghi ngày sản xuất, hạn dùng, nơi sản xuất. Đoàn kiểm tra nhắc nhở chủ cơ sở và tiêu hủy tại chỗ những mặt hàng này. Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Phó trưởng đoàn, cho biết: “Hàng cận đát, không rõ nguồn gốc được tuồn về các chợ vùng sâu, vùng xa nhằm tránh kiểm soát của các cơ quan chức năng. Khi những mặt hàng này tràn về nông thôn, một bộ phận người tiêu dùng thiếu kiến thức về thực phẩm vẫn mua sử dụng. Từ thực tế này, sắp tới, chúng tôi có giải pháp đẩy mạnh hoạt động của tuyến xã, phường về công tác ATVSTP”.

Theo một số cán bộ làm phụ trách công tác thực phẩm, công tác ATVSTP ở tuyến quận, huyện và xã, phường còn gặp rất nhiều khó khăn: Một vài quận, huyện chỉ có từ 1-2 người làm công tác thực phẩm; ở tuyến xã, phường chỉ có một cán bộ phụ trách công tác này ở trạm y tế nhưng kiêm nhiệm nhiều chương trình nên không làm xuể. Bên cạnh đó, nhận thức của các chủ cơ sở còn hạn chế, từ đó nảy sinh tâm lý tránh gặp các đoàn kiểm tra. Một cán bộ công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng quận cho biết: Khi Đoàn đến kiểm tra, cơ sở thường tỏ thái độ bất hợp tác. Họ hỏi sao không kiểm tra tiệm bên kia mà kiểm tra tiệm này... khi cơ sở vi phạm, dù chúng tôi nhắc nhở rất nhiều lần nhưng rồi đâu cũng vào đấy... vì thế, chúng tôi rất băn khoăn không biết các trạm y tế xã, phường có chủ động đi kiểm tra thực phẩm hay không? Nhiều khi họ chờ đoàn của quận, huyện xuống rồi kết hợp đi luôn. Trong khi theo phân cấp quản lý, các cơ sở nhỏ do tuyến xã, phường kiểm tra và quản lý. Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyến lo ngại: “Thức ăn đường phố có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao. Thức ăn đường phố do tuyến xã, phường quản lý nên nếu việc quản lý ở xã, phường buông lỏng thì có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm”.

Không chỉ các đoàn kiểm tra tuyến quận, huyện và xã, phường khó tiếp xúc với các chủ cơ sở mà ngay cả đoàn liên ngành của thành phố dù có lực lượng cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường... đi cùng vẫn gặp tình trạng tương tự. Tại HTX T.D (sản xuất rượu) ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, khi Đoàn kiểm tra yêu cầu mở cửa thì một thanh niên tự xưng là cháu của chủ cơ sở báo chủ cơ sở đi đám vài ngày mới về. Khi Đoàn kiểm tra hỏi khi nào chủ nhà về? Có sản xuất rượu không?... thì người thanh niên này trả lời quanh co. Không chỉ tại điểm này, tại một cơ sở sản xuất chả lụa gần chợ Bình Thủy, khi Đoàn kiểm tra đến kêu cửa thì không có ai ra mở cửa nhưng theo lời của người hàng xóm thì trong nhà có người...

Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyến cho biết: “Dịp này, chúng tôi cũng tranh thủ đi kiểm tra cùng với đoàn của các quận, huyện để kịp thời nắm bắt những khó khăn của cơ sở để hỗ trợ công tác quản lý, kiểm soát thực phẩm ở tuyến này ngày càng tốt hơn. Trong khi mọi nhà đang sôi nổi chuyện mua sắm Tết thì Đoàn kiểm tra liên ngành từ tuyến thành phố đến các xã, phường vẫn tiếp tục công tác kiểm tra nhằm hạn chế thấp nhất thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm có chất lượng và tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe người tiêu dùng”.

Bài ảnh: Huệ Hoa

Chia sẻ bài viết