24/07/2017 - 09:08

Vĩnh Thạnh

Chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiệt hại do mưa lũ

TTH - Là huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ, hằng năm, Vĩnh Thạnh chịu tác động lớn của thiên tai, bão, lốc xoáy, sạt lở đê bao… ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, mùa mưa, bão đang vào thời kỳ cao điểm. Vì thế, công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai rất cần các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn huyện khẩn trương thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại.

Lực lượng công an, bộ đội, dân phòng huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ người dân xã Thạnh Quới dựng lại nhà cửa do bị lốc xoáy làm sập. Ảnh: H.V

 

Không chủ quan, lơ là

Những tháng đầu năm 2017, huyện Vĩnh Thạnh xảy ra 2 đợt mưa lớn, giông lốc làm sập, tốc mái 2 căn nhà ở xã Thạnh Quới và xã Thạnh Tiến. Năm 2016, ở Vĩnh Thạnh xảy ra 9 đợt lốc xoáy, làm sập 5 căn nhà, tốc mái và xiêu vẹo 56 căn, ước thiệt hại khoảng 284 triệu đồng. Đối với sản xuất nông nghiệp, mưa, bão, lốc xoáy đã làm thiệt hại 213,37 ha lúa đông xuân và 8.412,275 ha lúa hè thu bị đổ ngã…

Người dân ở huyện Vĩnh Thạnh còn nhớ vào giữa tháng 6-2016, cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy đi qua các xã: Thạnh An, Thạnh Lợi, Thạnh Quới, Thạnh Thắng, Thạnh Tiến và thị trấn Thạnh An, thị trấn Vĩnh Thạnh đã làm 42 căn nhà sập, tốc mái và xiêu vẹo (ước thiệt hại gần 140 triệu đồng), 3.875ha lúa bị đổ ngã. Ông Huỳnh Văn Hận ở xã Thạnh Quới, cho biết: “Gia đình thuộc diện khó khăn, chúng tôi chỉ có căn nhà là tài sản duy nhất. Năm ngoái, đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm nhà tôi và nhà một số bà con trong xóm bị tốc mái. Nhờ sự giúp đỡ của huyện, xã và các ban ngành thành phố, gia đình tôi và bà con bị thiệt hại mới có khả năng khắc phục thiên tai. Chúng tôi đã chủ động chằng chống lại nhà cửa để ứng phó và giảm thiệt hại trong mùa mưa, bão năm nay”.

Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, chính quyền địa phương huy động lực lượng là bộ đội, công an, dân phòng... kịp thời có mặt, hỗ trợ các gia đình thiệt hại dựng lại nhà cửa. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cũng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng từ nguồn kinh phí PCTT-TKCN và của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đóng góp để bà con có điều kiện sửa chữa, xây dựng nhà mới, khôi phục sản xuất. Ngoài ra, địa phương còn vận động người dân, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm tôn, lá, cây cối, vật liệu xây dựng để giúp người dân bị thiệt hại giảm chi phí xây dựng nhà, ổn định cuộc sống. Trong những tháng cuối năm 2017, tình hình mưa, bão, lốc xoáy... làm sập nhà, tốc mái, sạt lở đê bao có thể tiếp tục xảy ra, để lại hậu quả khó lường. Công tác phòng tránh là giải pháp hữu hiệu mà Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vĩnh Thạnh rất cần các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn và người dân nghiêm túc thực hiện, tránh chủ quan, lơ là với mưa, bão.

Đề phòng lũ sớm

Huyện Vĩnh Thạnh xuống giống lúa hè thu được 25.014,72ha, đạt 102,52% kế hoạch và đã thu hoạch gần 50% diện tích, năng suất lúa tươi đạt 7,06 tấn/ha (giảm 0,32 tấn/ha so cùng kỳ). Theo kế hoạch, lúa thu đông xuống giống với diện tích 17.000ha; đến nay có gần 50% diện tích đã được xuống giống. Hầu hết diện tích canh tác lúa hè thu, thu đông nằm trong đê bao chống lũ. Tuy nhiên, trong đó cũng có ruộng lúa sản xuất trong khu đê bao xung yếu, có khả năng ảnh hưởng nếu mực nước lũ đổ về.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, mưa, bão, lũ, lốc xoáy... xảy ra những tháng cuối năm 2017, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Vĩnh Thạnh đã ban hành kế hoạch, công văn chỉ đạo về việc PCTT-TKCN. Qua đó, nhiệm vụ PCTT-TKCN được phân công cụ thể cho từng phòng, ban, UBND các xã, thị trấn và thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vĩnh Thạnh cũng yêu cầu các đơn vị nêu trên tăng cường kiểm tra các công trình, nhà cửa, nhất là ở các nơi trống trải để chằng chống, tăng độ vững chắc nhà cửa, nhằm hạn chế tốc mái khi giông gió, lốc xoáy xảy ra; thực hiện gia cố các đoạn đê bao xung yếu nhằm hạn chế tình trạng nước lũ tràn bờ, rò rỉ gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra, củng cố các điểm giữ trẻ trong mùa lũ nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi nước lũ lên cao; tăng cường vận động gia đình có con nhỏ nên gởi trẻ ở những điểm trông giữ nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Các xã, thị trấn phải dự trù sẵn sàng những điểm an toàn để sơ tán nhân dân, nhất là người già và trẻ em ra khỏi những nơi nguy hiểm khi xảy ra thiên tai, sạt lở...

Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thời điểm này, Ban Chỉ huy các cấp đã triển khai thực hiện kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn mùa mưa, bão, lũ năm 2017. Trong đó, chúng tôi thực hiện theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” là chủ yếu. Đồng thời, các ngành và các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã triển khai thực hiện các phương án phòng tránh cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Với những hoạt động này, hy vọng Vĩnh Thạnh hạn chế thấp nhất thiên tai trong những tháng cuối năm”.l

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết