05/11/2009 - 08:39

Chàng kỹ sư mê cây lúa

Đảng viên trẻ Đặng Minh Tâm vừa được vinh dự chọn đi Hà Nội tham dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần II, do Trung ương Đoàn tổ chức vào tháng 9-2009. Đặng Minh Tâm sinh năm 1978, là Bí thư chi đoàn, ủy viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên, Phó bộ môn Di truyền và Chọn giống - Viện Lúa ĐBSCL.

* Say mê nghiên cứu giống mới

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Tâm là nụ cười hiền, ăn nói từ tốn, phong thái đĩnh đạc. Tâm rất ít khi nói về mình, mà luôn nhắc đến đồng nghiệp trong Viện bằng một tình cảm quý mến. Tâm khiêm tốn nói: “Có được như hôm nay cũng nhờ anh em giúp đỡ, cô trưởng phòng tận tình hướng dẫn”. Làm việc ở bộ môn Di truyền và Chọn giống với nhân sự gần 20 người, ai cũng nhiệt tình, tài giỏi nên Tâm phải luôn đặt kế hoạch cho mình, phấn đấu không ngừng để khỏi tụt hậu so với đồng nghiệp.

Tốt nghiệp đại học (ĐH) Cần Thơ năm 2002 ngành Nông học, Tâm vào Viện Lúa làm việc cho đến nay. Với tinh thần không ngại khó, ý chí phấn đấu mạnh mẽ, Tâm dồn hết tâm sức vào việc học tập, nghiên cứu với mong muốn tìm ra những giống lúa chất lượng, đạt năng suất cao giúp bà con nông dân đỡ vất vả. Tâm vừa hoàn tất chương trình thạc sĩ, ngành Sinh học phân tử ở Úc vào cuối năm 2008. Là cán bộ trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu ngành Di truyền và Chọn giống cây trồng, Tâm đã có nhiều đóng góp đáng quý trong việc chọn tạo ra các giống lúa tốt, năng suất cao, kháng sâu bệnh và có thể xuất khẩu được trên thị trường quốc tế. Thời gian qua, Tâm và các đồng nghiệp đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) như: Chọn lọc các dòng lúa kháng mặn thông qua nuôi cấy in-vitro; Nghiên cứu thanh lọc giống kháng mặn, chọn ra giống kháng thích nghi vùng khó khăn đảm bảo năng suất ổn định; Nghiên cứu và đánh giá các dòng du nhập: mặn và mùi thơm; Chọn ra giống có phẩm chất tốt, năng suất cao thích nghi vùng khó khăn và bổ sung thêm cho nguồn vật liệu lai; Nhân nhanh giống phong lan trong in-vitro với các tổ hợp lai mới có giá trị kinh tế đáp ứng trong vùng... Thời gian công tác tại Viện Lúa, Tâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2005 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen.

 Đặng Minh Tâm đang kiểm tra đòng để nuôi cấy túi phấn.

Lúc trước, Tâm ở lại khu tập thể, ngày nào cũng vậy, sau giờ làm việc, Tâm chịu khó đi học ngoại ngữ tại các trung tâm cách Viện gần 30 cây số, về đến cơ quan gần 22 giờ đêm. Cực nhưng với tinh thần ham học, Tâm cố gắng vượt qua khó khăn vun bồi kiến thức cho mình, vừa đảm bảo công tác tốt. Đoàn thanh niên ở Viện thường xuyên tổ chức hội nghị báo cáo khoa học bằng tiếng Anh, Tâm luôn là một trong những báo cáo viên xuất sắc nhất, tham gia nhiều chủ đề liên quan đến việc phát triển ngành nông nghiệp. Tâm kể: Đa phần bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa, thiếu thốn thông tin, phương tiện đi lại, nên gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, mua bán các sản phẩm nông nghiệp. Những chuyến về nông thôn tập huấn, Tâm và đồng nghiệp tận dụng tối đa thời gian giúp bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, rút ngắn thời gian chọn giống nhằm giảm bớt công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất... Tâm chia sẻ: “Những chuyến đi thực tế giúp mình trưởng thành hơn, hiểu thêm về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, học được nhiều kinh nghiệm quý từ các lão nông. Một ngày vất vả làm thí nghiệm trong phòng lab, hay đi thực tế dang nắng phơi mưa ngoài đồng, tôi càng thêm trân trọng hạt lúa một nắng hai sương của nông dân làm ra”. Chứng kiến cuộc sống bà con còn nhiều nhọc nhằn, Tâm tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa góp phần tìm ra những giống lúa mới, có chất lượng cao để giúp bà con đỡ vất vả.

Tâm nhớ lại lần đầu đi xin việc, đạp xe từ Cần Thơ lên Viện, chưa hình dung nơi mình đến sẽ như thế nào. Ngay trong ngày hôm đó, Tâm được phỏng vấn và nhận vào làm. Những thử thách ban đầu nhanh chóng qua đi, Tâm được ký hợp đồng dài hạn. Nhiệm vụ chính của Tâm bây giờ là chọn và nhân giống lúa, lai tạo, duy trì nguồn giống tùy theo mục đích từng vùng, nhu cầu người dân... Tâm cho biết: “Tôi sẽ phấn đấu học tiếp, tìm học bổng lên tiến sĩ. Tất cả anh em chúng tôi làm nghiên cứu vì mục đích chung của Viện là giúp bà con nông dân, nên mọi người rất đoàn kết, phấn khởi vì ý nghĩa công việc của mình”.

* Bén duyên cùng cây lúa

Ngày xưa, ông nội làm ruộng, Tâm hay theo ông ra đồng gặt lúa, mò cua bắt ốc. Những niềm vui trẻ thơ làm Tâm thêm yêu cây lúa, mảnh vườn quê nhà. Sau khi ông nội mất, cha mẹ sức khỏe yếu nên cho người ta mướn ruộng, gia đình sống bằng nghề buôn bán. Nhà có 5 anh em, Tâm là anh cả, rất gương mẫu. 12 năm đi học là học sinh khá giỏi, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Năm 1996, Tâm qua Cần Thơ học ĐH, làm quen với công tác NCKH. Càng làm Tâm càng thấy mình thích hợp với ngành trồng trọt. Theo Tâm, quá trình nghiên cứu để có giống lúa mới trung bình mất khoảng 3-4 năm. Mỗi giai đoạn có cái khó riêng, nếu không kiên nhẫn, yêu nghề sẽ khó lòng trụ vững. Dễ nản chí nhất là những lúc thí nghiệm thất bại, phải làm đi làm lại nhiều lần, nhờ anh em động viên, tiếp sức, Tâm nỗ lực vượt qua. Nhìn cách Tâm say mê nói về các giống lúa, thấy quý làm sao tấm lòng của chàng kỹ sư trẻ tuổi. Hiện Tâm đang làm đề tài nghiên cứu về bệnh đạo ôn trên cây lúa, tạo ra giống lúa kháng bệnh ổn định.

Trong bài tham luận của mình tại Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần 1 vừa rồi, Tâm trăn trở: “Để tránh xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, nhà nước cần phải có chính sách thu hút nhân tài, bố trí đúng việc, đúng người. Nguồn tài năng trẻ cần phải được bồi dưỡng và phát triển hết khả năng của mình. Để phục vụ xã hội tốt hơn, cán bộ trẻ phải chuyên cần học tập, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ hội học tập nước ngoài. Bên cạnh rèn luyện chuyên môn, cần phải trau dồi đạo đức, tư tưởng vững vàng”. Trong số bạn bè của mình, có một số người đi khỏi cơ quan nhà nước vì lý do kinh tế nhưng Tâm quyết bám trụ với Viện, dù đồng lương mỗi tháng nuôi gia đình khá chật vật.

Những ngày cuối tuần, Tâm đi dạy thêm ở các trường, cực nhưng anh vẫn quyết tâm gắn bó lâu dài với Viện, vẫn trong trẻo ước mơ cống hiến bằng cách tìm, lai tạo ra nhiều giống lúa mới chất lượng cao phục vụ bà con. Cuộc sống ở Viện thanh bình với vườn rau, ao cá khiến Tâm như được sống lại những ngày tháng cũ ở quê nhà bên Vĩnh Long. Tâm cho rằng mình gắn với ngành nông nghiệp cũng là cơ duyên, vì gia đình ai cũng muốn Tâm theo ngành y. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Tâm là cán bộ Đoàn năng nổ, đạo đức tốt, rất nhiệt tình trong các mặt công tác. Tâm mới du học về, chưa có nhiều công trình nghiên cứu như các cán bộ đầu đàn nên luôn quyết tâm phấn đấu học tập và rèn luyện. Nếu được đào tạo đúng hướng Tâm sẽ tiến xa, xứng đáng là lực lượng kế thừa của Viện”.

Bên cạnh việc nghiên cứu, học tập, Tâm vận động mọi người và bản thân tích cực tham gia công tác quyên góp quần áo cũ, các phong trào xanh sạch đẹp trong khuôn viên Viện Lúa, tổ chức vui chơi cho thiếu nhi con em cán bộ trong viện, góp phần tổ chức thành công các cuộc hội nghị lớn... Hồi đi học, Tâm rất đam mê hoạt động đoàn thể, nên khi vào Viện, được giới thiệu, Tâm sốt sắng nhận ngay phần việc bên công đoàn và đoàn thanh niên. Quan tâm đến đời sống anh em, đặc biệt sức khỏe của chị em phụ nữ, Tâm cùng đồng nghiệp tổ chức các hội thao, văn nghệ, các hoạt động phù hợp... giúp mọi người giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Theo thời gian, Tâm được anh em tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn, ủy viên Ban chấp hành đoàn thanh niên. Năm 2005, Tâm được kết nạp Đảng.

Không phải lúc nào cuộc sống của Tâm cũng suôn sẻ, có những lúc anh rất buồn như không thành công trong nghiên cứu, cấp trên giao trách nhiệm làm không tròn... Tâm suy nghĩ: “Có thất bại mới biết điểm yếu của mình mà khắc phục” nên sau đó anh tiếp tục lao vào những thử thách mới. Nhờ vợ hiểu tánh ý, hết lòng vun đắp cho sự nghiệp của chồng, Tâm càng có thêm động lực để phấn đấu. Năm 2006, khi xin được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc, Tâm đưa vợ theo đi du học để vợ có điều kiện học hỏi, sẻ chia cùng chồng nơi xứ lạ quê người. Hiện nay, ngôi nhà nhỏ ở quận Ninh Kiều là tổ ấm của vợ chồng Tâm với cô con gái 3 tuổi rất dễ thương. Ngoài thời gian nghiên cứu, ban đêm Tâm dành thời gian đọc sách, học thêm tiếng Anh, Hoa. Anh bày tỏ: “Sau khi đi dự đại hội về, giao lưu với nhiều bạn trẻ tài giỏi, tôi thấy mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để bổ sung kiến thức phục vụ quê hương”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết