08/10/2011 - 10:33

Các tỉnh ĐBSCL thực hiện các biện pháp đối phó với mưa lũ kéo dài

* Đã có 18 người thiệt mạng do lũ
* AN GIANG: Lũ làm sạt lở nghiêm trọng đất bờ sông và đường giao thông
* Đồng Tháp nỗ lực bảo vệ vườn quýt hồng

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương cho biết, từ đầu mùa lũ đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có 18 người chết do mưa lũ, trong đó có 15 trẻ em (thành phố Cần Thơ 5, tỉnh Đồng Tháp 6, Long An 3; riêng tỉnh An Giang có 1 trẻ em và 3 người lớn).

Tính đến thời điểm này, mưa lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long làm ngập 50.672 căn nhà (tăng 20.081 nhà so với ngày 5-10), 6.553 ha lúa bị mất trắng (tăng 338 ha), 3.169 ha hoa màu bị ngập (tăng 1.769 ha); Bờ bao bị sạt lở là 646 km (tăng 205 km), 775 km đường giao thông bị sạt lở: (tăng 310 km), 1.221 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập (giảm 131 ha).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) tiếp tục lên chậm và duy trì ở mức cao. Đến ngày 11-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,8m (trên BĐ3 là 0,3m), tại Châu Đốc ở mức 4,25m (trên BĐ3 là 0,25m), tại các trạm chính vùng ĐTM và TGLX ở mức BĐ3, có nơi trên BĐ3 từ 0,2 - 0,4m. Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên nhanh và đến ngày 11-10 ở mức 2,85m, trên BĐ3: 0,45m.

Đặc biệt là lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy trì trên BĐ3 từ 0,1 - 0,2m đến cuối tháng 10. Do vậy cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập lụt sâu còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long và ĐTM, TGLX.

Từ cao điểm đỉnh lũ ngày 20-9-2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang liên tiếp sạt lở 23.247 m2 đất bờ sông và trên 46 km đường giao thông nông thôn, như vậy bình quân mỗi ngày sạt lở 1.000 m2 đất bờ sông và 2 km đường giao thông. Trong đó có 6 vụ sạt lở có quy mô lớn ảnh hưởng đến 567 hộ dân phải di dời và sạt lở nền, mái taluy 11 điểm trường ở hai huyện An Phú, Tịnh Biên.Hiện sạt lở ở An Giang đã xảy ra từng đoạn dài trung bình từ 10 mét đến 100 mét, đặc biệt có đoạn sạt lở dài 300 mét đến 800 mét và sâu vào đất liền khoảng 50 mét, tập trung nhiều ở đoạn sông thuộc xã Vĩnh Hòa, Tân An (thị xã Tân Châu); Bình Thủy (huyện Châu Phú); Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên); Phú Hiệp (Phú Tân). Các vị trí sạt lở khoét sâu vào đường bờ, làm mất diện tích đất canh tác và làm hư hại một số tuyến đường giao thông, như xã Bình Thủy (Châu Phú), Phú Hiệp (Phú Tân); Tân An, Vĩnh Trường (thị xã Tân Châu), phường Mỹ Phước, xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên); tuyến đường tỉnh N1, 91 C, 941, 944, 952, 954, 955A, 957...

Để đối phó với tình hình mưa lũ kéo dài, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã khuyến cáo các cấp, các ngành có liên quan có kế hoạch và giải pháp phòng chống kịp thời, nhất là đối với tình trạng sạt lở đất bờ sông. Tỉnh chỉ đạo các địa phương theo dõi và kịp thời báo cáo các diễn biến bất thường có thể dẫn đến sạt lở; thông qua các phương tiện thông tin truyền thông thông báo thường xuyên diễn biến sạt lở; tăng cường vận động, khuyến cáo người dân di dời, di dời tạm khỏi vùng cảnh báo, vùng bị ngập nước và cảnh giác cao, vì khu vực bờ sông đang bị ngập nước nên rất khó phát hiện các dấu hiệu xảy ra sạt lở. Đồng thời, các địa phương vận động nhân dân cùng giám sát, theo dõi và báo cáo với chính quyền khi phát hiện có hoạt động khai thác cát sông trái phép và dấu hiệu sạt lở; tại những đoạn đường sạt lở phải hạn chế lưu thông, giảm tải trọng và vận tốc 20 km/giờ.

Qua kết quả đo đạc, khảo sát, tỉnh An Giang hiện có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở đất bờ sông với hệ số cung trượt dao động từ 0,48 - 0,979, từ trung bình đến rất nguy hiểm. Trong đó có 8 đoạn được cảnh báo rất nguy hiểm; 38 đoạn nguy hiểm và 10 đoạn ở mức độ trung bình và diễn biến rất phức tạp trong và sau lũ.

Hiện lũ vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp ở mức cao đang đổ mạnh về phía hạ lưu đe dọa vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung, một số diện tích vườn đã bị ngập. Những ngày qua, huyện đã nỗ lực ứng phó với lũ, tập trung gia cố đê bao quyết tâm bảo vệ vườn cây ăn trái, đặc biệt là bảo vệ an toàn cho vườn quýt hồng cho trái bán vào dịp Tết Nguyên đán.

THANH TUẤN-THU TRANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết