29/01/2011 - 07:53

Xuân biên giới

Khi đoàn xe chở gần 200 cán bộ, giảng viên, các cán bộ Đoàn của Trường Đại học Cần Thơ và Thành đoàn TP Cần Thơ dừng trong khuôn viên trụ sở Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Chi Lăng, An Giang), rất đông cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã có mặt đón tiếp, tay bắt mặt mừng. Đây là cái Tết thứ 6 các cán bộ, chiến sĩ ở Trung đoàn đón nhận tình cảm ấm áp, những món quà xuân đầy ý nghĩa do các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ và các cán bộ Đoàn TP Cần Thơ mang đến vùng biên giới…

Vượt hơn trăm cây số đến với thị trấn Chi Lăng, tuy đã thấm mệt, nhưng bước xuống xe, mọi người đều thấy phấn chấn trước sự đón tiếp nồng nhiệt của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1. Mọi thứ đón năm mới đã được các anh chuẩn bị sẵn sàng, từ những nhánh mai, những câu chúc mừng năm mới, đến bánh, mứt... Từ sáng sớm, binh nhất Trần Vũ Bình phải tất bật chăm sóc những liếp hoa vạn thọ, cúc, mào gà và những cây hoa mai đang chúm chím nụ. Vũ Bình chia sẻ: “Còn vài ngày nữa là em xuất ngũ nên em xin ở lại đơn vị ăn Tết. Nghe nói, hôm nay có nhiều bạn ở Cần Thơ đến giao lưu, em cứ nôn nao trong lòng, cố gắng chuẩn bị tiếp khách thật chu đáo...”. Đại úy Đỗ Xuân Hương, Bí thư liên Chi đoàn, cũng có nhiều kỷ niệm đối với đoàn viên thanh niên TP Cần Thơ, cũng là đơn vị kết nghĩa với đơn vị. Quê anh Xuân Hương ở tỉnh Quảng Bình, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân ở Đồng Nai, anh Xuân Hương được phân công về công tác tại đây từ năm 1982. Từ đó đến nay, anh chưa lần nào về thăm quê. Gặp anh giữa cái nắng chang chang, người đầy mồ hôi vì đang tất bật cho các chương trình trong đêm giao lưu văn nghệ, anh trải lòng mình: “Gần 10 năm công tác tại đơn vị, tôi đã xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Hiện nay, cuộc sống tôi ấm áp hơn vì bên cạnh còn có vợ và con gái nhỏ. Đôi lúc cũng nhớ cha mẹ, nhưng bù lại, những ngày đón Tết tại đơn vị, được chung vui cùng với đồng đội và đón nhận tình cảm ấm áp của mọi người, nỗi nhớ nhà cũng nguôi đi phần nào”. Để góp phần tạo cho doanh trại có không khí Tết ấm áp, mấy tháng trước, anh Xuân Hương đã vận động các chiến sĩ trồng hoa. Mấy ngày nay, anh phân công các chiến sĩ cắt tỉa hoa giấy, băng rôn, khẩu hiệu, chỉnh trang, mắc lưới các sân chơi thể thao... để tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian với đơn vị kết nghĩa...

 Đại diện các cơ sở Đoàn tặng quà cho các đơn vị kết nghĩa.

Ngay từ lúc mở màn, các trò chơi dân gian đã thu hút hàng trăm chiến sĩ tham dự và cổ vũ. Binh nhất Sơn Bạch Tiền cười “híp mắt” sau khi tham gia trò chơi “Vượt chướng ngại vật”. Tiền nói: “Cõng một bạn nữ lại còn bịt mắt nên rất khó vượt qua các vật cản. Trong chương trình giao lưu có nhiều hoạt động vui chơi nên anh em cảm thấy đón Tết tại đơn vị thật vui...”. Theo lời của Tiền và nhiều chiến sĩ tại đơn vị, tuy làm nhiệm vụ xa nhà nhưng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị khá đầy đủ. Nhờ đơn vị đẩy mạnh thi đua tăng gia sản xuất, nên khẩu phần và chất lượng bữa ăn được nâng lên. Đi một vòng doanh trại, chúng tôi khá bất ngờ trước những dãy chuồng nuôi hàng chục con heo béo tốt, những trại chăn nuôi gà, bò và những vườn rau xanh mướt thẳng tắp có thể cung cấp thịt và rau xanh đầy đủ đơn vị trong những ngày Tết. Bữa cơm bộ đội hằng ngày đều có cá, thịt, rau xanh đầy đủ. Tất cả đều do anh em tự sản xuất. Binh nhất Nguyễn Hoàng Vinh cho biết: “Nhập ngũ về đơn vị, được ăn uống đầy đủ, ngủ đúng giờ giấc nên mỗi tháng em tăng cân khoảng 2-3 ký”. Trung úy Phan Hồng Phước, Phó Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 2 cho biết thêm: “Vào đêm giao thừa, đơn vị tổ chức tiệc tất niên để các chiến sĩ được cùng nhau đón năm mới, hoạt động này giúp nhiều chiến sĩ bớt nhớ nhà và thắt chặt thêm tình đoàn kết trong đơn vị”.

Thấu hiểu những thiệt thòi của các cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải đón Tết xa nhà nên hơn 1 tháng qua, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ cũng tất bật chuẩn bị các tiết mục văn nghệ phục vụ các chiến sĩ. Trong hơn 10 tiết mục, có những tiết mục như múa hay biểu diễn thời trang cần đến hơn 30 người. Sinh viên Nguyễn Thanh Huy tâm sự: “Chúng em tranh thủ tập vào buổi trưa từ 11 giờ trở đi, dù hơi cực nhưng nhiều bạn vẫn cố gắng luyện tập với mong muốn đem đến cho các anh bộ đội một chương trình hoành tráng và đặc sắc”. Từ giữa trưa, xe chở các phương tiện phục vụ đêm văn nghệ như dàn đèn, âm li, loa... do Trường Đại học Cần Thơ chuẩn bị đã tập kết tại doanh trại. Giữa cái nắng gay gắt, nhiều anh em dàn dựng sân khấu cho kịp diễn vào buổi tối. Thật bất ngờ, khi chương trình chưa bắt đầu, hơn 500 chiến sĩ, đoàn viên, sinh viên đã tề tựu tại sân khấu chính. Nhiều chiến sĩ hào hứng quá đã tranh thủ mở màn bằng một ca khúc về mùa xuân thật sôi nổi. Đêm giao lưu văn nghệ được các chiến sĩ tán thưởng không ngớt bằng những tràn pháo tay giòn giã, những tiếng hoan hô vang dậy. Trên sân khấu, các đơn vị kết nghĩa tay bắt mặt mừng trao nhau những phần quà, những lời chúc Tết, khiến đêm giao lưu càng thêm ý nghĩa, nồng ấm.

Dù đã 2 lần đến thăm Trung đoàn 1, anh Khưu Tấn Tài, giáo viên, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Thới Xuân 1 (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) vẫn không khỏi xúc động trước tình cảm của các chiến sĩ. Anh Tài nói: “Những chuyến đi như thế này là tư liệu quý để bài giảng của tôi về người bộ đội đến với học sinh chân thật và sống động hơn”. Trong đoàn từ Cần Thơ đến thăm các chiến sĩ có rất đông đoàn viên thanh niên ở các đơn vị trường học. Võ Thành Liêm, sinh viên lớp kỹ thuật điện – điện tử, Trường Đại học Tây Đô, háo hức nói: “Từ nhỏ em đã ước mơ trở thành sĩ quan quân đội nên sau khi tốt nghiệp đại học, em sẽ viết đơn tình nguyện xin phục vụ lâu dài trong quân đội”.

Hai ngày với các thanh niên trẻ là quá ngắn để hiểu thêm về những gian khổ của người lính đang ngày đêm canh giữ đất trời của Tổ quốc, nhưng cũng đủ để mỗi người có những kỷ niệm đẹp về tình quân dân. Trên đường trở về, bên tai tôi còn văng vẳng bài ca cổ trong đêm giao lưu về nỗi lòng của người lính nhớ quê xa... Tôi chợt hiểu vì sao những bài hát viết về người lính thường da diết, nồng ấm đến vậy.

Bài, ảnh: THÁI HỒ

Chia sẻ bài viết