28/03/2008 - 09:10

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Dân sự và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng

Sáng 27-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Dân sự (phần liên quan đến lãi suất huy động và cho vay vốn của tổ chức tín dụng).

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận hai nội dung cơ bản: Quy định việc chọn “lãi suất trái phiếu Kho bạc” thay cho “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố” tại các quy định có liên quan đến lãi suất trong Bộ luật Dân sự và quy định về trần lãi suất đối với các hoạt động vay, cho vay vốn, thực hiện nghĩa vụ dân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lý giải: Nếu chọn “lãi suất trái phiếu Kho bạc” thay thế cho “lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố” tức là chạy theo cơ chế thị trường, vậy việc quản lý Nhà nước trong vấn đề này nằm ở đâu? Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, cần bản thảo thật kỹ trước khi đi tới quyết định cuối cùng.

Thảo luận về việc sửa đổi quy định trần lãi suất, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần thảo luận kỹ vấn đề này để đưa ra mức hợp lý nhất. Theo tờ trình của Chính phủ, sửa đổi khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất được sửa đổi theo hướng “Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 300% lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm cho vay. Lãi suất đối với hoạt động huy động vốn và cho vay vốn của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng”. Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, việc nâng trần lãi suất vay từ chỗ “150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố “ lên “300% của lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm cho vay” (gấp khoảng 2 lần so với quy định hiện hành), ước tính ở thời điểm hiện nay vào khoảng trên 24%/năm là chưa thuyết phục. Nếu vì lý do lãi suất thị trường tăng, nên phải quy định trần lãi suất tăng thì sau này nếu trần lãi suất là “300% của lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng” mà vẫn thấp so với lãi suất thị trường thì có phải tiếp tục sửa đổi luật nữa không? Ông Vũ Viết Ngoạn đề nghị nên áp dụng lãi suất cho vay trung bình của 5 ngân hàng thương mại lớn nhất. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, có thể chọn 5 ngân hàng theo cơ cấu thích hợp để tính bình quân lãi suất.

* Chiều 27-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, qua hơn 3 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng, phong trào thi đua đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện, Luật còn một số hạn chế, bất cập như công tác thi đua, khen thưởng hiện hành tuy có đối tượng điều chỉnh khá rộng, song trên thực tế mới chỉ có tác dụng đối với cơ quan nhà nước. Luật chưa quy định thẩm quyền khen thưởng và đề nghị khen thưởng đối với cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, các tổ chức kinh tế đặc thù..., vì vậy chưa khuyến khích được phong trào thi đua rộng khắp trong cả nước. Dự thảo lần này tập trung sửa đổi, bổ sung vào các nội dung liên quan đến thẩm quyền đối với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với một số nội dung và lĩnh vực cụ thể; bổ sung, sửa đổi một số tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Góp ý vào nội dung tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho tập thể, cá nhân thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng, công tác thi đua khen thưởng phải phù hợp với thực tế của đất nước. Không nên chỉ vì để giải quyết câu hỏi: đều là cán bộ - công chức mà người được khen thưởng, người không mà bổ sung vào Luật nội dung trên. Bởi trên thực tế Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là những cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp nên có đặc thù riêng và tính độc lập tương đối trong mối quan hệ với các cơ quan hành pháp. Hơn nữa, khen thưởng phải đi đôi với kỷ luật, hoặc đề bạt, cất nhắc... Vì thế, các danh hiệu trên nên theo hướng cơ quan nào quản lý cán bộ công chức thì cơ quan đó khen thưởng và kỷ luật.

Đồng quan điểm với ông Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự kiến của dự thảo Luật về vấn đề trên là không ổn bởi hiện nay chúng ta đang thực hiện phân công, phân cấp trong quản lý cán bộ, công chức. Dồn tất cho Chính phủ xét tặng các danh hiệu là không hợp lý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, công tác thi đua khen thưởng hiện nay còn có nhược điểm là vẫn mang nặng tính bình quân, hình thức, nên chưa tạo được động lực thúc đẩy toàn xã hội hăng hái thi đua. Vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan, nghi lễ luộm thuộm, trùng lắp và chưa công bằng. Đâu đó vẫn còn tình trạng khen thưởng đột xuất đối với một số đồng chí lãnh đạo khi gần về hưu không theo một tiêu chuẩn nào... Sửa Luật cần có tính thuyết phục và phù hợp với thực tế đất nước, đặc biệt cần tập trung sửa những vấn đề bất cập, cấp bách để đưa công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

QUỲNH HOA - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết