23/04/2014 - 22:21

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH:

Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, hướng đến giảm nghèo hiệu quả và bền vững

(CT)- Ngày 23-4-2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo, chủ trì Hội nghị trực tuyến công tác giảm nghèo bền vững với các tỉnh, thành trong cả nước. Tại TP Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đã đến dự.

Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ vẫn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Có 621 ngàn hộ nghèo, 389 ngàn hộ cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; trên 13 triệu người nghèo, dân tộc thiểu số và 2,6 triệu người cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 2 triệu học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ điều kiện học tập; 21.649 lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí. Cả nước vận động Quỹ Vì người nghèo 1.046,9 tỉ đồng, chương trình an sinh xã hội 5.780,7 tỉ đồng. Từ đó, các địa phương xây dựng và sửa chữa 45.857 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình giảm nghèo năm 2013 là 5.031,27 tỉ đồng. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,6% (năm 2012) xuống còn 7,8% (năm 2013), bình quân giảm 1,8%/năm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo còn một số hạn chế như: nguồn lực thực hiện giảm nghèo còn hạn chế; kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tái nghèo cao. Quá nhiều chính sách hỗ trợ chồng chéo, trùng lắp, dẫn đến dàn trải nguồn lực, hiệu quả giảm nghèo chưa cao. Do chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách nên các địa phương gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện giảm nghèo…

Theo kế hoạch, cả nước phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,8% (năm 2013) xuống còn 5,8%-6% (năm 2014), giảm 1,8%-2%/năm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương kết quả giảm nghèo từng địa phương, góp phần thúc đẩy tiến độ giảm nghèo cả nước. Phó Thủ tướng lưu ý, các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát toàn bộ các chính sách giảm nghèo hiện hành, thiết kế chính sách theo hướng đa chiều, phù hợp thực tiễn, tăng các chính sách khuyến khích tính chủ động, vươn lên của hộ nghèo; mở rộng dần chính sách cho hộ cận nghèo, hạn chế tái nghèo. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo; kịp thời biểu dương, tôn vinh những mô hình giảm nghèo hiệu quả, cá nhân nỗ lực vươn lên thoát nghèo; phổ biến sáng kiến giảm nghèo bền vững để các địa phương học tập, rút kinh nghiệm; tăng cường huy động các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời, các địa phương cụ thể hóa chỉ tiêu giảm nghèo vào kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cũng như chủ động lồng ghép, bố trí kinh phí, hướng đến giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết