11/10/2009 - 20:47

Thiên tai- phải chú trọng biện pháp phòng ngừa

Mặc dù, hàng năm TP Cần Thơ luôn thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những thiệt hại do mưa, bão, lũ, sạt lở đất... Năm 2007 thiên tai gây thiệt hại nặng nề khoảng 1,7 tỉ đồng, năm 2008 thiệt hại 1,6 tỉ đồng. 9 tháng đầu năm 2009, mức thiệt hại do thiên tai gây ra đã lên đến trên 1 tỉ đồng. Những tháng còn lại của mùa mưa, bão, lũ (tháng 9, tháng 10 âm lịch) mức thiệt hại này có khả năng tăng cao. Công tác phòng, tránh, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai với nhiều giải pháp, luôn được Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ kêu gọi các ngành, các cấp và người dân chung tay thực hiện. Có như thế mới góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại nếu có thiên tai xảy ra.

* GÁNH NẶNG THIÊN TAI

Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, trong những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã có biểu hiện tác động đến nước ta nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Nhất là các loại thiên tai như: Mưa, bão, triều cường lốc xoáy... có những diễn biến phức tạp, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khó lường. Năm 2007, TP Cần Thơ xảy ra 14 đợt lốc xoáy làm 50 căn nhà sập, xiêu vẹo, tốc mái và 8 người chết (5 người bị sét đánh, 3 trẻ em chết đuối), 2 người bị thương; triều cường làm ngập 153 km đường giao thông...

Gia đình ông Bùi Văn Nhàn, khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh phải lợp lại căn nhà bị tốc mái do ảnh hưởng cơn lốc xoáy vào cuối năm 2008. 

Sang năm 2008, thiệt hại do thiên tai xảy ra nhiều hơn so với mùa mưa bão, lũ năm 2007. Lốc xoáy xảy ra 40 đợt ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt và các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, làm sập 54 căn nhà, tốc mái và xiêu vẹo 200 căn; 8 người chết (trong đó sét đánh chết 2 người, 6 trẻ em chết đuối do cha mẹ bất cẩn); triều cường làm ngập nhiều tuyến đường giao thông trong nội ô TP Cần Thơ và đường giao thông nông thôn; hàng trăm ha hoa màu, cây ăn trái tại các địa phương trên bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 30 đợt lốc xoáy làm sập 46 căn nhà, tốc mái 118 căn, 1 người bị thương do sét đánh, 9 trụ điện bị ngã, 2 điểm sạt lở bờ sông xảy ra ở quận Cái Răng và quận Bình Thủy. Hiện nay, mùa mưa bão, lũ năm 2009 còn diễn ra nên tình trạng mưa lớn, nước lũ lên cao, lốc xoáy, sạt lở... làm sập nhà, tốc mái có thể tiếp tục gây thiệt hại nặng nề.

Người dân ở phường Trà An, quận Bình Thủy còn nhớ một ngày giữa tháng 5-2008, trên sông Trà Nóc xảy ra vụ sạt lở bờ sông tại khu vực 5, với chiều dài bị sạt lở trên 35m, sâu vào đất liền trên 10m. Trong khu vực sạt lở có 7 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, nhà cửa bị sụp xuống sông, với số tài sản thiệt hại hàng chục triệu đồng cho mỗi căn nhà. Cũng trong tháng 5-2008 ở khu vực 5, tại hẻm 5A, phường Trà An, tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở bờ sông một đoạn khoảng 20m, kéo theo xuống sông phần nhà bếp của 4 căn nhà, rất may không có thiệt hại về người. Đến cuối tháng 5-2009, ở khu vực này tiếp tục bị sạt lở bờ sông Trà Nóc với chiều dài khoảng 30m, sâu vào đất liền 6m, làm 2 căn nhà bị lún, nứt vách tường...

Chị L.T.T.M, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ còn kinh hoàng với trận sét đánh vào tháng 3-2009. Đó là một ngày chị và gia đình đi làm cỏ lúa ngoài đồng ruộng, đến chiều, trời chuyển mưa, cả gia đình thu gom dụng cụ làm cỏ lúa để về nhà, nhưng bất chợt sấm sét xuất hiện và đánh xuống bụi cây điên điển, gần chỗ chị L.T.T.M đứng, làm chị ngất xỉu và được gia đình đưa đi cấp cứu. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng thân thể của chị bị cháy nám đen, phải mất nhiều tiền bạc, thời gian điều trị. Chị L.T.T.M nói: “Khi trời bắt đầu mưa, tôi có ý thức trong việc phòng tránh sét và kêu mọi người về nhà trú mưa nhưng cũng không tránh khỏi. Bây giờ, tôi còn kinh hoàng với trận sét đánh xảy ra ngày hôm đó. Và đây cũng làm bài học cho tôi khi thấy trời chuyển mưa mà không nhanh chân tìm nhà trú ẩn, tránh ở ngoài đồng trống”.

* GIẢI PHÁP GIẢM NHẸ THIÊN TAI

Bà Vương Thị Lập - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các quận, huyện đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương kịp thời huy động kinh phí, vật tư, nhân lực để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Tuy nhiên, người dân bị ảnh hưởng cũng chịu nhiều mất mát, gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra, phòng tránh, gia cố nhà cửa trong những tháng còn lại của mùa mưa bão, lũ đang được Ban chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, chính quyền địa phương tập trung thực hiện, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là để rồi nhận hậu quả đáng tiếc xảy ra”.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn, giông gió, lốc xoáy... gây ra trong thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị, sở, ngành liên quan tập trung các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Đối với mưa lớn và triều cường, chính quyền địa phương cùng nhân dân chủ động rà soát, kiểm tra các tuyến bờ bao sông, kênh, rạch, để phát hiện và xử lý kịp thời các nơi hư hỏng, đề phòng tình trạng bị xói lở, sụp lún do mưa lớn dẫn đến nguy cơ vỡ bờ, tràn bờ vào thời điểm triều cường, nước lũ dâng cao; bố trí sẵn sàng lực lượng xung kích ở các cồn, vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ, phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó khi có sự cố xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Để đề phòng và ứng phó với giông gió và lốc xoáy, các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân kiểm tra các công trình, nhà cửa, nhất là ở các nơi trống trải để chằng chống, tăng độ vững chắc, nhằm hạn chế tốc mái khi giông gió, lốc xoáy xảy ra. Các địa phương phải dự trù sẵn sàng những điểm an toàn để sơ tán nhân dân, nhất là người già và trẻ em ra khỏi những nơi nguy hiểm khi xảy ra thiên tai, sự cố sạt lở...

Ngày 8-10-2009, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố có cuộc kiểm tra tình hình phòng chống lụt, bão ở các cồn trên sông Hậu. Tại buổi kiểm tra này, đồng chí chỉ đạo các địa phương phải tập trung lực lượng gia cố các đoạn đê còn thấp ở các cồn Sơn, cồn Ấu để nước không tràn bờ vào những ngày triều cường, dẫn đến tình trạng sạt lở bờ bao, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, cần tập trung khắc phục tình trạng nước chảy qua các lỗ mọi dẫn đến xói mòn làm vỡ đê bao. Những đoạn đê có nguy cơ sạt lở cần đóng cừ tràm bảo vệ... Đồng thời, UBND thành phố sẽ hỗ trợ thêm cho các địa phương có cồn trên sông Hậu những phương tiện ứng cứu, đề phòng khi mưa, bão, lũ xảy ra.

Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, hiện nay các huyện đầu nguồn đã sẵn sàng cho công tác đưa rước học sinh đến trường khi nước lũ lên cao. Các điểm giữ trẻ trong mùa lũ cũng được chuẩn bị từ nhiều tháng nay từ các khâu chăm sóc, thuốc men và địa điểm giữ trẻ. Bà Vương Thị Lập - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Hiện nay, lực lượng này đã sẵn sàng, nếu nước lên cao thì địa phương sẽ tiến hành thực hiện giữ trẻ, đưa đón học sinh. Những tháng còn lại của mùa mưa, lũ năm nay chúng tôi kiên quyết hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người xảy ra”.

Đối với những khu vực sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở như bờ sông Trà Nóc, sông Cần Thơ, Cái Sắn đang được chính quyền địa phương, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Công tác kiểm tra, khảo sát thực tế và đánh giá mức độ nguy cơ sạt lở, thống kê tổng số các hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng và bị đe dọa... đã được các ngành, các cấp thực hiện. Dựa vào kết quả khảo sát, UBND thành phố xây dựng dự án tái định cư cho các hộ dân ở các tuyến sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. Dự án này đang trình Trung ương xem xét, phê duyệt. Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, đây là dự án thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2. Trong đó bao gồm việc hoàn thiện, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trong cụm dân cư (đã xây dựng trong giai đoạn 1), đồng thời xây dựng các cụm, tuyến dân cư mới, giải quyết chỗ ở cho các hộ dân sống trong vùng bị sạt lở và nguy cơ bị sạt lở.

Với kế hoạch phòng tránh thiệt hại do mưa bão, lũ gây ra trong những tháng tới của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố và các cấp, các ngành chức năng, hy vọng TP Cần Thơ hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra do thiên tai từ nay đến hết mùa mưa bão, lũ năm 2009.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết