07/01/2021 - 18:28

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Tạo môi trường tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh 

(TTXVN) - Sáng 7-1, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương. Từ đó, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng dương; duy trì được sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành Công nghiệp.

Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng và các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp.

Về vấn đề thương mại với Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: “Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại”.

Chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục của ngành Công Thương, Thủ tướng lưu ý: Sản xuất công nghiệp, ngành Công nghiệp mũi nhọn quốc gia còn thiếu và yếu, đặc biệt là ngành Công nghiệp do chính doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Tăng trưởng một số ngành Công nghiệp chưa ổn định, thiếu bền vững. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn còn ở mắt xích có giá trị thấp. Một số ngành Công nghiệp trọng điểm và truyền thống của một số địa phương đang bị suy yếu sức tăng trưởng trong khi nhiều địa phương vẫn chưa có ngành Công nghiệp mũi nhọn thực sự.

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập khẩu vẫn còn lớn, nhiều ngành Công nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn cung cấp trong nước. Thành phần kinh tế trong nước vẫn còn nhập siêu lớn. Tính đa dạng hóa về thị trường và sản phẩm chưa cao. Lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả chứ chưa phải dựa trên giá trị.  Một số ngành Công nghiệp tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, nguy cơ xử lý môi trường sẽ rất tốn kém trong tương lai.

Hiện chưa có một chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Công nghiệp ít có sự lan tỏa đến thu nhập, sức cầu của nền kinh tế. Hàng Việt Nam trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu.

Giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.

Hoạt động kết nối cung - cầu tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2020. Ảnh: N.H

Thủ tướng lưu ý cần nâng cao năng suất nội ngành của các ngành Công nghiệp; phát triển ngành Công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành Công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.

Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành Công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu…

PV

Chia sẻ bài viết