19/05/2008 - 23:59

Bà Nguyễn Kim Linh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Cần Thơ:

Tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi

 

Sau gần 8 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), tại TP Cần Thơ, bước đầu đã có hàng ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải việc học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn nảy sinh những khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục, đối tượng vay… cần tiếp tục tháo gỡ. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề trên, bà Nguyễn Kim Linh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Cần Thơ, cho biết:

- Từ năm 1998 đến nay, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một số chủ trương liên quan đến vấn đề HSSV có hoàn cảnh khó khăn tham gia chương trình vay vốn học tập. Gần đây, đầu năm học 2007-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 21, rồi đến Quyết định số 157 về tín dụng đối với HSSV. Mục tiêu chính của Quyết định số 157 là giúp HSSV có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện trang trải chi phí học tập, không còn phải bươn chải mưu sinh vừa học, vừa làm. Từ đầu năm 2007 đến giữa tháng 4-2008, NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ đã giải ngân trên 55 tỉ đồng (dư nợ) cho HSSV vay. Trong đó, số tiền cho vay theo Quyết định 157 trong quí I năm 2008 hơn 24,6 tỉ đồng, với 5.312 hộ, HSSV được vay vốn.

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã lên kế hoạch thông báo cụ thể các quận, huyện trong thành phố để kiểm tra, rà soát đúng đối tượng HSSV có đủ điều kiện để được vay vốn ngân hàng; kịp thời triển khai hướng dẫn thực hiện Quyết định 157 đến toàn thể cán bộ, công nhân viên và các cấp hội làm ủy thác cho vay, hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn, trên cơ sở bình nghị xét duyệt thông qua tổ, nhóm, được xác nhận của UBND xã, phường. Ngân hàng giải ngân kịp thời cho HSSV có nhu cầu vay vốn vào đầu năm học 2007 - 2008. Ngân hàng còn phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố, thông báo kịp thời đến SV về chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng như quy trình thủ tục vay vốn NHCSXH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

* Thưa bà, cụ thể những vướng mắc sau gần 8 tháng triển khai thực hiện chương trình này là gì?

- Khi thực hiện chương trình vay tín dụng HSSV, một số cơ sở đào tạo chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền chính sách này đến từng HSSV, nên việc xác nhận hồ sơ vay của HSSV còn chậm, chưa theo mẫu thống nhất. Thậm chí, các cơ sở liên kết đào tạo chưa tạo điều kiện xác nhận cho HSSV làm thủ tục vay kịp thời. Cán bộ của một số phường, xã chưa nắm vững điều kiện vay vốn để xác nhận đối tượng được vay theo đúng quy định. Thời gian khai giảng của một số trường trễ, gây ảnh hưởng đến việc phát vay cho HSSV...

Mặt khác, khi bắt đầu thực hiện Quyết định 157, NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ gặp nhiều khó khăn về thủ tục, quy trình, xác định đối tượng cho vay... Nguyên nhân là do thời gian từ khi Quyết định 157 ra đời đến khi triển khai áp dụng vào thực tế quá gấp (Quyết định 157 được ký ngày 27-9-2007, các ngân hàng triển khai thực hiện vào đầu tháng 10-2007). Một số cơ sở đào tạo sử dụng mẫu xác nhận trước đây, không đúng mẫu của ngân hàng qui định nên HSSV phải đi làm lại, hồ sơ vay chậm được xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn, ảnh hưởng đến tiến độ cho vay.

Đại diện NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ (phải) đang hướng dẫn cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ cách làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Ảnh: BÍCH NGỌC 

Mặc dù bước đầu có những khó khăn nhất định nhưng NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ đã kịp thời chấn chỉnh và phối hợp tốt hơn với các đơn vị đào tạo trong việc xác nhận hồ sơ vay của HSSV.

* Vừa qua, ở một số địa phương, gia đình của người vay vốn ưu đãi học tập phải trả lãi hàng tháng cho các hội, đoàn thể. Việc làm này có hợp lý không, thưa bà?

- Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian cho vay, chưa thu tiền gốc và tiền lãi. Ngân hàng chỉ thu tiền gốc và lãi khi đến thời hạn trả tiền vay. Tuy nhiên, một số hộ gia đình vay vốn ưu đãi học tập cho con em mình theo tổ chức hội, đoàn thể và mong muốn trả lãi hàng tháng, hàng quý để đến thời hạn trả tiền vay chỉ phải trả vốn sẽ nhẹ nhàng hơn. Việc này hoàn toàn xuất phát từ sự tự giác của người vay, ngân hàng không ép buộc và cũng không yêu cầu.

* Nhiều HSSV cùng gia đình họ mong muốn mở rộng hơn đối tượng được hưởng chính sách vay ưu đãi học tập. Ý kiến của bà như thế nào?

- Theo tôi, khi ban hành Quyết định 157, việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách vay ưu đãi đã được nghiên cứu kỹ. Quyết định 157 qui định khá “thoáng” đối tượng được vay vốn học tập. Đó là những HSSV trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề năm học 2007-2008, chỉ cần có giấy báo nhập học của trường là có thể liên hệ với các hội, đoàn thể ở địa phương để làm thủ tục vay. Riêng những HSSV đang học từ năm thứ hai trở đi phải có giấy xác nhận của trường đang theo học. Quyết định 157 cũng nêu rõ đối tượng vay, trong đó mở rộng thêm đối tượng HSSV là thành viên thuộc những hộ gia đình khó khăn về tài chính do bị: thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, bệnh tật, hỏa hoạn (nhưng còn trong thời gian theo học tại trường), đều được vay vốn. Trong khi quy định trước đây không có đối tượng này. Ngay cả những HSSV học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng hoặc từ cao đẳng lên đại học, nếu có nhu cầu vay vốn để trang trải chi phí học tập trong thời gian đang học, đều được ngân hàng xem xét cho vay theo Quyết định 157.

* Sắp tới, ngân hàng sẽ làm gì để thực hiện hiệu quả chương trình vay tín dụng HSSV theo Quyết định 157?

- Hiện nay, ngân hàng đã giải ngân gần xong vốn vay cho học kỳ II năm học 2007-2008. Trong 2 tháng đầu quí III-2008, ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân vốn vay cho học kỳ I, năm học 2008-2009. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tuyên truyền Quyết định 157, rộng đến từng hộ gia đình và bình xét hộ vay theo đúng quy định. Dự kiến, đến cuối năm 2008, ngân hàng sẽ giải ngân đạt dư nợ trên 100 tỉ đồng cho HSSV vay.

Để lập kế hoạch nguồn vốn, giải ngân kịp thời, NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo, UBND xã, phường và hội đoàn thể, chủ động nắm kế hoạch đào tạo, số lượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn học tập. Ngân hàng sẽ tổ chức tập huấn về các quy định cho HSSV vay ưu đãi, quy trình nghiệp vụ... cho cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo, các hội đoàn thể xã, phường, thị trấn, các tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngân hàng tiếp tục chủ động liên hệ với các trường trên địa bàn TP Cần Thơ tổ chức giao lưu trực tiếp với HSSV để phổ biến chính sách cho vay ưu đãi. Đồng thời, với thực hiện tốt kế hoạch giải ngân kịp thời cho HSSV vay vốn khi có nhu cầu, Ngân hàng sẽ tăng cường phối hợp với hội, đoàn thể các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc thực hiện ủy thác cho HSSV vay ưu đãi thông qua hộ gia đình.

Để đảm bảo quản lý tốt nguồn vốn vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi mong chính quyền địa phương, các cấp hội xác nhận đúng đối tượng được vay ưu đãi. Có như thế, vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng phát huy được tác dụng.

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết