28/08/2009 - 20:39

Tận tâm và luôn học hỏi để trở thành cán bộ điều tra giỏi

Đó là trung tá Nguyễn Phú Thương - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) - Công an TP Cần Thơ. Trong 19 năm công tác, anh tham gia hàng trăm vụ khám nghiệm hiện trường có người chết và hầu hết các vụ trọng án xảy ra trên địa bàn thành phố, đều do Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý. Qua đó anh cùng các trinh sát và điều tra viên trong lực lượng đã khám phá hàng trăm vụ án lớn nhỏ...

Tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) năm 1990, anh được phân công về công tác tại Đội Trọng án Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hậu Giang (cũ) nay là Công an TP Cần Thơ. Qua quá trình công tác, năm 2006 anh được đề bạt làm Phó Trưởng phòng PC14 CATP Cần Thơ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, anh luôn cùng các trinh sát và điều tra viên bám địa bàn để chỉ đạo kịp thời, phối hợp tốt với các phòng, ban, công an các đơn vị, địa phương, tạo được mối quan hệ tốt với quần chúng trong việc xác minh, thu thập chứng cứ phục vụ công tác phá án được nhanh và hiệu quả nhất.

Anh Thương còn nhớ vụ trọng án đầu tiên được Ban chuyên án giao, anh cùng các điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án cướp tài sản, giết người ở Trung An, Thốt Nốt, xảy ra tháng 10-1993. Đối tượng dùng súng cướp tài sản, khi người nhà bị hại chạy ra tri hô, liền bị chúng bắn chết. Bước đầu gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra, do địa bàn nông thôn vùng sâu mùa nước nổi, vụ án diễn ra trong đêm khuya, đối tượng không để lại dấu vết, chứng cứ gì, anh lại chưa có kinh nghiệm... Nhưng với sự kiên trì, bám sát địa bàn, không để sót chi tiết nào, sau 3 tháng lăn lộn ở cơ sở, vụ án cũng được phá và 9 đối tượng gây án bị bắt giữ đưa ra trước pháp luật. Từ đây lòng đam mê nghề càng cuốn hút và thôi thúc anh phá các vụ án khác. Có lần trong 2 ngày anh phá 2 chuyên án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Anh tâm sự: “Khi xảy ra án, mình thấy sự mất mát của gia đình khi mất người thân, mất tài sản... nhất là hành vi giết người, rất tàn nhẫn, dã man. Mình phải cố gắng phá án để góp một phần nào đó làm vơi đi nỗi mất mát của gia đình người bị hại, cũng là để pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, tạo sự răn đe, giáo dục các đối tượng khác”.

 

Trong cuộc sống muôn hình muôn vẻ, nhiều người còn dựng hiện trường giả để chiếm đoạt tài sản và báo với cơ quan công an là bị cướp. Như vụ án xảy ra vào tháng 5-1995, Nguyễn Thành Long (SN 1965) là kế toán của một trường PTTH đi lãnh tiền của trường (hơn 50 triệu đồng) nhưng nảy sinh ý định chiếm đoạt nên vào một nhà hoang ở gần bãi rác (Cái Răng), tự nhét giẻ vào miệng và trói tay chân lại, Long nói là bị bọn cướp lấy hết tiền, xe máy. Nhưng qua điều tra thu thập thông tin, Nguyễn Phú Thương khẳng định Long dựng hiện trường giả. Trước những chứng cứ cơ quan công an thu thập được, biết không thể chối cãi, cuối cùng Long cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình. Gần đây nhất là vụ dựng hiện trường giả của Trần Thanh Thảo (SN 1975, ở ấp An Lợi, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Do nợ nần nên Thảo dựng hiện trường giả rồi báo bị cướp tài sản. Qua điều tra, công an xác định đây là vụ cướp giả, và Thảo phải thừa nhận hành vi của mình.

Nguyễn Phú Thương luôn tâm niệm, trong đấu tranh phá án phải tiến hành các bước đúng qui định, khách quan, trung thực, không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm, góp phần làm cho người phạm tội phải tâm phục khẩu phục. Trong công tác điều tra, anh luôn coi trọng việc cảm hóa, giáo dục đối tượng. Cũng xuất phát từ đó mà hầu hết các đối tượng phạm tội khi đối diện với anh đều bị thuần hóa sau cùng phải cúi đầu nhận tội. Như trường hợp đối tượng Nguyễn Văn Luốt (ở Thốt Nốt) trong vụ thuốc hầm cá năm 2008, y rất cứng đầu không chịu nhận tội, đối tượng này từng có 4 tiền án, nhưng bằng sự điều tra khéo léo, thuyết phục đối tượng của anh Thương, cuối cùng Luốt nhận tội.

Với đặc thù của công việc, Nguyễn Phú Thương thường xuyên đi công tác cả ban đêm để điều tra phá án, nhiều khi 1, 2 giờ sáng đang ngủ ngon, có tin báo xảy ra vụ án, anh lập tức đi ngay. Anh tâm sự: “Cũng may bà xã hiểu và thông cảm chứ không thì mệt lắm! Vì nhiều khi đi điều tra án mấy ngày không về, thường xuyên không ăn cơm ở nhà, đi sớm về khuya...”.

Nhận xét về đồng chí Thương, thượng tá Nguyễn Thanh Nhã - Trưởng phòng PC14 cho biết: “Đồng chí Thương rất có năng lực, là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều tra phá án. Đồng chí cũng rất hòa đồng với đồng chí, đồng đội và thường xuyên truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân cho đàn em”.

Từ kinh nghiệm điều tra khám phá các vụ án, Nguyễn Phú Thương tâm sự, trong đấu tranh khai thác người phạm tội, điều tra viên phải hiểu kỹ hiện trường, nắm chắc diễn biến vụ việc; bên cạnh đó, phải dùng công tác giáo dục, giúp đối tượng hướng về con người thực của họ. Anh cười vui: “Điều tra viên phải là một nhà tâm lý khi đấu tranh với đối tượng phạm tội. Bởi, trong mỗi người đều có cái tốt và cái xấu tồn tại, mình phải biết khơi gợi những cái tốt của đối tượng phạm tội, hướng thiện cho họ. Nhất là nên tạo sự gần gũi giữa cán bộ điều tra và người phạm tội, để phân tích cho họ cái đúng, cái sai, giúp họ nhận ra việc làm sai trái, hối tâm nhận tội để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Với cách điều tra như thế, có nhiều đối tượng phạm tội bị anh bắt, sau khi ngồi tù, mãn hạn đã gặp lại Nguyễn Phú Thương để cảm ơn anh đã làm cho họ hiểu rõ việc làm sai trái của bản thân”. Như trường hợp Nguyễn Bạch Linh thực hiện trên 60 vụ trộm cắp môtô, bị Nguyễn Phú Thương điều tra bắt giữ và bị tòa xử phạt 18 năm tù, đang chấp hành hình phạt tại trại Xuyên Mộc (Đồng Nai), đã nhiều lần Linh viết thư về cảm ơn anh và tâm sự, báo thành tích cải tạo của bản thân.

Để có được những kinh nghiệm trong công tác điều tra, Nguyễn Phú Thương luôn say mê với công việc, luôn coi việc điều tra làm rõ các vụ án không để oan sai người vô tội và cũng không để lọt tội phạm là trách nhiệm cao cả của một điều tra viên. Bên cạnh đó, anh luôn lắng nghe, tiếp thu, học hỏi từ đồng chí đồng đội, gần gũi với quần chúng để có được thông tin bổ ích, phục vụ cho công tác điều tra.

Với những thành tích đạt được trong những năm qua, Trung tá Nguyễn Phú Thương được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, UBND thành phố, giám đốc CATP tặng nhiều bằng và giấy khen, nhiều năm anh là chiến sĩ thi đua cơ sở. Trung tá Nguyễn Phú Thương, đang tiếp tục cùng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị nghiên cứu các giải pháp để tham mưu cho Ban giám đốc CATP tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác điều tra phá án, góp phần ngăn chặn tội phạm, tạo lòng tin cho nhân dân.

Bài, ảnh: THANH CẦN

Chia sẻ bài viết