06/11/2020 - 19:51

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV:

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Phiên chất vấn dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày để xem xét, chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết quan trọng trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện. Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tích cực chuẩn bị và gửi đến các đại biểu Quốc hội 20 báo cáo về các lĩnh vực, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội.

Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này. Qua các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, về tổng thể đã nổi lên nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân và xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội, làm rõ nguyên nhân, đề ra các yêu cầu cần tiếp tục thực hiện để xây dựng Nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau giám sát, theo dõi. Cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn lĩnh vực nào thì người đứng đầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa Kỳ họp.

Trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ về Tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội 19 Báo cáo đầy đủ, chi tiết (gồm 963 trang).

Báo cáo nêu rõ: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường...

Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, thuế, quản lý nợ công được hoàn thiện. Chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại.

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Ðề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: xử lý trên nguyên tắc đề cao tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước, quan tâm tới quyền của người lợi người lao động, an sinh - xã hội, môi trường và ổn định xã hội.

Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường còn bất cập. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch. Một số bất cập giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện còn chưa được xử lý triệt để. Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường.

Hệ thống cơ chế, chính sách về nông nghiệp cơ bản được hoàn thiện, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu đãi tín dụng, sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp; rà soát, loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt trước gần 02 năm so với kế hoạch Quốc hội giao, diện mạo nông thôn và đời sống người dân được nâng lên.

Về lĩnh vực An ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, phòng ngừa oan sai. Nhiều vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Căn cơ phòng dịch và chung sống an toàn với dịch COVID-19

Tại phiên chất vấn sáng 6-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đã trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam...

Trả lời chất vấn về tình hình dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng “bên ngoài đang sóng to gió lớn, bên trong phải bao chặt”. Theo đó, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh (cả trái phép và hợp pháp). Việt Nam cũng đã đón khoảng 200.000 người nhập cảnh, gồm các chuyên gia, người lao động, người Việt Nam ở các nước, vùng lãnh thổ. Trong nước cũng triển khai nhiều giải pháp. Tất cả các cơ sở y tế (gồm bệnh viện công lập, phòng khám tư nhân, nhà dưỡng lão), trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng... phải thực hiện đầy đủ quy định hướng dẫn, đảm bảo an toàn.

“Chúng tôi đã đưa lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, sẽ có hàng triệu cơ sở phải tự chấm điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu mức xanh mới được tiếp tục hoạt động”, Phó Thủ tướng thông tin. Về vấn đề dịch bệnh sẽ kéo dài đến bao giờ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho biết: “Phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến hết năm 2021”. Trong khi đó, quan trọng nhất là vaccine, nhưng đối với vaccine bình thường cũng phải mất ít nhất 5-10 năm mới có để kiểm nghiệm tác dụng phòng bệnh và tác dụng phụ. Ðối với dịch COVID-19, thế giới đang tập trung nghiên cứu sản xuất vaccine.

Theo Phó Thủ tướng, ở trong nước nhanh nhất cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới sản xuất được vaccine. Việc mua vaccine trên thế giới tương đối khó khăn. Ðây là vấn đề nóng toàn thế giới. “Việc mua vaccine sớm không hề dễ, vì hiện nay, nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất. Chính phủ các nước muốn mua vaccine phải đặt cọc, trả tiền trước, rủi ro rất cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định, đối với Việt Nam, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không chủ quan. Tất cả các cơ sở, từng người dân phải chủ động chống dịch.

 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:

Việt Nam không triển khai chậm mạng 5G

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về việc triển khai mạng 5G của Việt Nam hiện nay có chậm trễ không, giải pháp nào để hạn chế tối đa sự tốn kém, lãng phí khi triển khai trên diện rộng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc triển khai mạng 5G không chậm. Quá trình thử nghiệm kỹ thuật đã làm trong năm 2019.

“Năm 2020, khi Liên minh Viễn thông thế giới công bố chuẩn, chúng ta tiến hành thử nghiệm thương mại, tức là bắt đầu kinh doanh có thu phí. Năm 2021, chúng ta sẽ triển khai diện rộng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ mạng 2G được Việt Nam áp dụng cùng nhịp với thế giới, từ giai đoạn năm 1992. Tuy nhiên, đến công nghệ mạng 3G và 4G, lại chậm hơn thế giới nhiều năm.  Với công nghệ mạng 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai sẽ tận dụng 70% hạ tầng công nghệ sẵn có của mạng 4G, tiến hành theo từng giai đoạn. Theo đó, Việt Nam triển khai mạng viễn thông 5G theo pha, pha 1 sẽ thực hiện ở các thành phố lớn, trung tâm đông người, khu công nghiệp và trung tâm nghiên cứu của các trường đại học. Ngoài ra, các nhà mạng cũng sẽ tắt công nghệ 2G và 3G để giảm tải. “Khi triển khai diện rộng 5G, chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.


TTXVN

Chia sẻ bài viết