15/01/2010 - 20:58

Phòng chống tham nhũng:
Cần "đốn tận gốc, bứng tận rễ"

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban chỉ đạo TP Cần Thơ về PCTN kiểm tra công tác PCTN tại quận Ninh Kiều. Ảnh: S.H.

Năm 2009, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn TP Cần Thơ được tiến hành đồng bộ và phát huy hiệu quả bước đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có hiệu quả, việc xử lý sau thanh tra được thực hiện quyết liệt. Tại Hội nghị tổng kết công tác PCTN, diễn ra ngày 12-1-2010, các đại biểu tham dự đã đề xuất một số giải pháp để công tác PCTN trên địa bàn thành phố đạt kết quả tốt hơn.

Ông Phan Bá, Vụ Trưởng Vụ 8, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN:
PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CẦN GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH”

Trong năm 2009, Cần Thơ đạt được những kết quả nổi bật về ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế. Điều này cho thấy, công tác phòng ngừa tham nhũng đã được lãnh đạo TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tốt. Mặc dù vậy, nhưng thời gian qua công tác tuyên truyền về PCTN của Cần Thơ vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa có sự đánh giá về nhận thức của cán bộ, công chức và người dân sau tuyên truyền. Trong công tác tuyên truyền về PCTN, Cần Thơ cần gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc các cơ quan trên địa bàn thành phố tự phát hiện tham nhũng còn rất hạn chế, vì vậy cần phải tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra. Các cơ quan, ban, ngành của TP Cần Thơ nên hiểu rõ việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ là để làm tốt công tác PCTN chứ không phải là luân chuyển công tác. Các cơ quan phải lập danh sách, danh mục vị trí công tác phải chuyển đổi và lập kế hoạch rõ ràng, cứ 3 năm chuyển đổi 1 lần thì sẽ không nảy sinh ra việc tư tưởng trong cán bộ công chức và công tác phòng ngừa tham nhũng vì thế sẽ tốt hơn.

Thời gian qua, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, thì việc nhũng nhiễu hay còn gọi là “tham nhũng vặt” trên cả nước còn xảy ra nhiều, gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, công tác cải cách thủ tục hành chính là rất quan trọng, từng cơ quan phải quan tâm. Việc xử lý án tham nhũng trong năm 2009 vẫn còn chậm, kết quả xử lý còn nhẹ, có đến 30,7% án tham nhũng được xử là án treo nên chưa thật sự tạo được sự đồng lòng của người dân trong công tác này.

Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ, Giám đốc Công an TP Cần Thơ:
ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH SẼ GÓP PHẦN PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố có xảy ra một số vụ việc tham nhũng, nhưng mức độ không nghiêm trọng lắm. Thường loại tội phạm này là do người có chức, có quyền thực hiện nên khi xảy ra vụ việc tham nhũng rất khó khăn trong công tác điều tra. Điều này cho thấy, công tác chống tham nhũng khó khăn và phức tạp, nên chúng ta phải phòng ngừa là chính.

Đối với lực lượng công an, để phòng ngừa tham nhũng, toàn ngành công an quyết tâm thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường công tác phòng ngừa đối với các lĩnh vực nhạy cảm như kiểm soát giao thông, làm hồ sơ chứng minh nhân dân, hộ khẩu, công tác xuất nhập cảnh... Hàng tháng, Công an thành phố thành lập tổ kiểm tra đặc biệt, bí mật theo dõi, xem xét các tổ tuần tra giao thông có thực hiện đúng quy định không? Đối với các lĩnh vực nhạy cảm khác thì Công an thành phố xem xét điều chuyển công tác, nên hạn chế được vấn đề tiêu cực, tham nhũng.

Thời gian qua, việc phát hiện tham nhũng chủ yếu từ nguồn cung cấp của các cơ quan hoặc tố cáo từ nội bộ các cơ quan. Các vụ án tham nhũng trong năm qua cho thấy chính sự lỏng lẻo của địa phương đã tạo ra sơ hở cho đối tượng phạm tội. Thời gian tới đề nghị các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh công tác phối hợp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và có kế hoạch phòng ngừa tham nhũng tại đơn vị mình là chính. Riêng ngành công an sẽ tập trung điều tra, làm rõ, xử lý các vụ án liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, thành phố cũng nên có chính sách biểu dương, khen thưởng và bảo vệ bí mật, an toàn cho người tố giác tham nhũng.

Ông Hồ Quốc Quang, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Dân chính Đảng TP Cần Thơ:

CÔNG KHAI NGƯỜI VI PHẠM VỀ THAM NHŨNG TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG

Để thực hiện tốt công tác PCTN thì các cấp ủy cơ sở, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phối hợp với các ngành chức năng xử lý đến nơi, đến chốn những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng Đảng tốt, chính quyền tốt gắn liền với PCTN tốt. Tham nhũng là kẻ cướp, lãng phí là kẻ trộm, do đó các cơ sở Đảng phải thực hiện thường xuyên công tác tự phê bình và phê bình gắn với thực hành tiết kiệm. Thực tiễn cho thấy, nơi nào thường có biểu hiện mất đoàn kết, chung quy lại là mất dân chủ, hoặc tập trung vào lợi ích kinh tế, vật chất (thủ trưởng và một số người được phân công giao việc quản lý chia nhau). Tuy nhiên, thời gian qua rất ít trường hợp xử lý người đứng đầu cơ quan để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Theo tôi, phải xử lý đến nơi đến chốn người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì mới có thể làm tốt được công tác PCTN. Nếu chỉ xử lý người cấp dưới thì việc PCTN như tỉa cành, do đó vấn đề đặt ra trong công tác PCTN là phải xử lý triệt để “đốn tận gốc, bứng tận rễ”. Phải xác định tham nhũng, lãng phí là tội ác, phải được lên án, công khai các vi phạm về tham nhũng lên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng khi phát hiện vụ việc tham nhũng đừng xử lý nội bộ, phải công khai, minh bạch việc xử lý tham nhũng thì mới đủ sức răn đe, cán bộ công chức không còn nghĩ đến tham nhũng, khi đó mới tạo được lòng tin của nhân dân.

Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ CÔNG CHỨC ĐỂ PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu chỉ thị của UBND thành phố và kế hoạch của ban chỉ đạo, sau đó sắp xếp nhân sự lại theo tinh thần của Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Khi mới thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác cũng gặp nhiều khó khăn, vì những người làm lâu có kinh nghiệm nên việc chuyển đổi rất nhạy cảm, còn ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, khi chúng tôi lên kế hoạch thực hiện cụ thể, xác định việc chuyển đổi cán bộ để phòng ngừa tham nhũng là chính nên sau khi luân chuyển một thời gian thì tư tưởng cán bộ công chức của Sở cũng dần đi vào ổn định. Ban giám đốc thường xuyên đến các phòng, ban nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công chức để củng cố, kiện toàn tổ chức. Chúng tôi xác định, công tác PCTN thì phòng là chính nên muốn thực hiện cho tốt thì trước tiên mình phải nghiêm túc với chính mình.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết