06/09/2016 - 09:51

Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

(CT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (viết tắt là Chương trình).

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chương trình là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần). Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

Các chỉ tiêu chủ yếu Chương trình cần đạt được đến năm 2020 là: Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20-30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển của người dân. Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20-25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo. Hỗ trợ đạo tạo nghề và giáo dục định hướng cho khoảng 20.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó có từ 60-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Thời gian thực hiện Chương trình từ 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 48.397 tỉ đồng dự kiến huy động từ các nguồn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

LINH CHI

Chia sẻ bài viết