13/12/2020 - 05:14

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Phải ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

(CT) - Ngày 12-12-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về phòng, chống tham nhũng, chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến 80 điểm cầu trong cả nước.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ; Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, dự tại điểm cầu Cần Thơ.

Từ khi thành lập BCĐ T.Ư về PCTN (tháng 2-2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác PCTN có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được coi là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu có vi phạm liên quan đến các vụ án. Qua đó, khẳng định rõ quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong chống tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng T.Ư và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng BCĐ, từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó, BCĐ trực tiếp theo dõi chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo (với 11 án tử hình, 24 án tù chung thân, 12 bị cáo 30 năm tù, 24 bị cáo từ 20 năm đến dưới 30 năm tù…).

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án đạt dưới 10%, bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt trên 32,04%. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm. Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên, trong đó có hơn 6.000 đảng viên sai phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã thi hành kỷ luật 87.000 đảng viên, trong đó có 3.263 đảng viên liên quan đến tham nhũng (có 27 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên ủy viên T.Ư Đảng và 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị). Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN được đẩy mạnh; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQVN, tổ chức chính trị - xã hội được phát huy…

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ dự hội nghị tại điểm cầu Cần Thơ. Ảnh: Phạm Trung

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ dự hội nghị tại điểm cầu Cần Thơ. Ảnh: Phạm Trung

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá công tác PCTN vặt mới đạt kết quả bước đầu, cần kiên quyết chống tham nhũng vặt “không để tham nhũng vặt hôm nay trở thành tham nhũng lớn ngày mai”. Một số ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng hệ thống pháp luật về PCTN vẫn còn chưa đồng bộ, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số ý kiến đề nghị cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám đấu tranh với cái sai; xác định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án trong truy tìm, xác định, thu hồi tài sản tham nhũng…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xác định, PCTN là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do đó, không được chủ quan, thỏa mãn, do dự mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên phải coi công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức; kiên trì rèn luyện đối với cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, xây dựng chỉnh đốn Đảng; khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở để hoàn thiện thể chế nói chung, thể chế PCTN nói riêng. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực; trách nhiệm giải trình, đảm bảo công khai, minh bạch; bảo vệ người tích cực đấu tranh PCTN. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, ngăn chặn có hiệu quả tham nhũng vặt, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng… Phải ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; cán bộ đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý đồng bộ, nghiêm minh, công khai. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tác động của bất kỳ cá nhân tổ chức nào; xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, lót tay, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Sơn Hà

Chia sẻ bài viết