09/01/2008 - 16:03

Kỷ niệm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam (9-1)

Nối tiếp tinh thần "Chín Tháng Giêng"

Những năm tháng chiến tranh, bao thế hệ học sinh - sinh viên Việt Nam đã gác lại bút nghiên xuống đường tranh đấu, cầm súng ra trận. Hơn 30 năm qua, cuộc sống hòa bình đã chăm bồi các thế hệ mới ngày một trưởng thành hơn. Những con người trẻ tuổi ấy đã và đang ra sức học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) phục vụ cộng đồng, xây dựng đất nước, thể hiện trách nhiệm của những trí thức trẻ tương lai đối với sự phát triển của quê hương.

1. Tại buổi lễ khởi công xây Trường Đại học Y Dược (ĐHYD)
Cần Thơ vào đầu tháng 1-2008, trong 25 sinh viên ưu tú nhận học bổng của Quỹ vòng tay nhân ái, có đôi bạn Phạm Hoàng Khánh và Châu Nhị Vân, sinh viên Y khoa khóa 28. Đây là 2 sinh viên vừa học giỏi, vừa tích cực trong phong trào Đoàn và say mê NCKH.

   Phạm Hoàng Khánh (phải) trong buổi lễ khởi công xây dựng Trường ĐHYD Cần Thơ.

Phạm Hoàng Khánh là gương mặt quen thuộc trong những lần đi khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, do Đoàn Trường ĐHYD Cần Thơ tổ chức. Khánh để lại ấn tượng cho bạn bè, thầy cô không chỉ bởi sự nhiệt tình, tận tâm với công việc mà còn bởi lòng đam mê tìm tòi cái mới trong học tập, nghiên cứu. Khánh cho biết: “Nhờ những chuyến đi đó mà đề tài NCKH của tôi mới đạt được kết quả cao”. Khánh là sinh viên duy nhất của Trường ĐHYD Cần Thơ được vinh dự báo cáo tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Trường ĐHYD Cần Thơ mở rộng khu vực ĐBSCL vào tháng 11-2007. Và đề tài “Khảo sát tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở người cao tuổi tại thị trấn Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, từ tháng 7 đến tháng 12-2007” của Khánh đã đoạt giải Nhì. Hiện nay, Khánh đang gấp rút hoàn chỉnh đề tài, báo cáo tốt nghiệp.

Khi bắt tay vào thực hiện đề tài tốt nghiệp, Khánh đã được thầy cô gợi ý 2 vấn đề: nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến đường hô hấp và nghiên cứu về hội chứng chuyển hóa. Khánh tâm sự: “Cả 2 đề tài đều có ích cho cộng đồng. Đề tài liên quan đến hô hấp có nhiều tư liệu hơn vì đã có công trình nghiên cứu trước đó. Còn đề tài về hội chứng chuyển hóa là vấn đề thời sự, khá mới nhưng khó vì ít người nghiên cứu. Song, tôi lại thích tìm cái mới”. Và Khánh đã chọn thị trấn Trà Ôn, Vĩnh Long, quê ngoại của mình để triển khai đề tài. Trong quá trình nghiên cứu, điều khiến Khánh lo lắng là làm thế nào có hàng trăm mẫu máu để thực hiện xét nghịêm bởi bà con ở nông thôn rất sợ bị lấy máu. Khánh tận dụng tối đa thời gian được nghỉ trong năm học, theo qui định (từ 5-7 tuần), để đi cộng đồng, lấy số liệu thực tế. Những đợt khám bệnh cấp thuốc miễn phí, Khánh liên hệ trước với địa phương, bệnh viện, nhờ cán bộ y tế lấy mẫu máu trước để sau đó, khi đến khám chữa bệnh, Khánh sẽ mang về. Có lần, Khánh chở mẫu máu từ Trà Ôn về TP Cần Thơ, trời mưa dầm dề nhưng Khánh vẫn không dừng lại trú mưa. Khánh nói: “Để đảm bảo chất lượng phân tích thành phần máu, mẫu máu vận chuyển phải được đặt đúng kỹ thuật và không được chậm trễ”.

Nguyễn Thị Vành Khuyên.
2. Say mê nghiên cứu khoa học, khao khát cống hiến cũng là nét đẹp của Nguyễn Thị Vành Khuyên, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Là sinh viên năm thứ 3, chưa có điều kiện thực hiện các đề tài NCKH, Khuyên đã cùng các bạn tổ chức một số chuyên đề học thuật. Tháng 12-2007, Khuyên là một trong 3 sinh viên ưu tú của khoa được Microsoft chọn là thành viên của Microsoft student partners (MSP). Để trở thành thành viên của MSP, tiêu chuẩn đầu tiên là phải có học lực khá - giỏi, phải chứng minh bản thân có khả năng hoàn thành được những yêu cầu do Microsoft đặt ra... Khuyên kể: “Để được chọn, ngoài học lực khá giỏi, tích cực tham gia phong trào, còn phải có ý tưởng và sự tự tin”.

Với tinh thần ham học hỏi và tự tin, Khuyên đã trở thành trưởng nhóm của MSP. Mỗi tuần, các thành viên nòng cốt của MSP đều họp để trao đổi học thuật. Nếu trên thị trường xuất hiện ngôn ngữ mới trong hệ thống mạng, thành viên trong nhóm có trách nhiệm tổng hợp và chia sẻ những hiểu biết của bản thân cho những cộng sự khác. Đến đầu tháng 1-2008, Khuyên đã cùng một số sinh viên khác thành lập nhóm trao đổi học thuật trong MSP, trở thành lực lượng nòng cốt hoạt động của khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông.

Để đẩy mạnh hoạt động khoa học ở khoa Công nghệ thông tin- Truyền thông, Khuyên và các thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ (CLB) Điện tử - Tin học mời một số sinh viên khá, giỏi ở các khóa tham gia CLB. Xác định mục đích của CLB là trao đổi học thuật, kinh nghiệm học tập và báo cáo chuyên đề khoa học, Khuyên và các bạn quyết tâm phải thu hút nhiều sinh viên thay vì như trước đây chủ yếu chỉ có giáo viên báo cáo chuyên đề. Khuyên nói: “Hoạt động của CLB phải hiệu quả, thiết thực, sinh động mới thu hút được các bạn. Chúng tôi mong muốn không chỉ thu hút được các sinh viên trong khoa mà còn mở rộng ra nhiều khoa khác”. Xuyên suốt cả tháng trời, mỗi tuần một buổi tối, Khuyên dành thời gian cho các chuyên đề. Các bạn cùng phòng ở ký túc xá trêu chọc Khuyên như “con ma” về đêm bởi không lúc nào Khuyên ngủ trước 12 giờ khuya. Khuyên tâm sự: “Mất thời gian, công sức nhưng đó là đam mê của tôi. Tôi nghĩ, nếu sinh viên chỉ cố gắng học thật giỏi để đạt được tấm bằng, ra trường có việc làm thì chưa đủ, mà phải có đam mê và hành động vì lợi ích chung. Năm sau, tôi cùng các bạn dự định thực hiện đề tài “Hướng dẫn du lịch trên hệ thống PDA” (dùng cảm ứng PDA như điện thoại di động có thể kết nối Internet). Đề tài vừa giúp chúng tôi nghiên cứu học tập, vừa có thể tham gia cuộc thi Trí tuệ Việt Nam ở khu vực ĐBSCL”.

*

* *

Trong chiến tranh, tinh thần học sinh sinh viên Việt Nam được thể hiện qua những cuộc xuống đường biểu tình, những đêm không ngủ “hát cho đồng bào tôi nghe” để phản chiến... Hòa bình, học sinh sinh viên Việt Nam tiếp tục để lại dấu ấn của mình trên con đường xây dựng phát triển đất nước. Đó là những mùa hè xanh với bước chân in khắp mọi miền Tổ quốc, những công trình nghiên cứu khoa học thiết thực, vì lợi ích cộng đồng... Và nhiều người còn chưa quên, ngay sau khi sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra, hàng trăm sinh viên Trường ĐHYD CT đã tự nguyện có mặt tại hiện trường để cấp cứu người bị nạn. Nhắc đến sinh viên Trường ĐHCT và ĐHYD CT, còn phải kể đến không ít đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực của nhiều thế hệ sinh viên. Trong đó, ở Trường ĐHCT, có những đề tài được nhiều người biết đến như dưa hấu vuông của Đinh Trần Nguyễn, sinh viên ngành Trồng trọt khóa 29; xe chạy bằng điện và năng lượng mặt trời của nhóm sinh viên ở khoa Công nghệ... Tại Trường ĐHYD CT, chỉ riêng năm học 2006-2007, có 78 đề tài NCKH của sinh viên đã và đang thực hiện. Năm học 2007-2008, sinh viên của trường đăng ký thực hiện mới 15 đề tài. Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Đoàn Trường ĐHYD CT, phấn khởi: “Năm đầu mới thành lập, trường chỉ có 7-8 đề tài NCKH của sinh viên. Còn bây giờ thì có cả trăm đề tài đã và đang thực hiện, chưa kể hàng trăm sinh viên làm cộng sự với cán bộ, giảng viên để thực hiện đề tài. Số lượng và chất lượng đề tài NCKH của sinh viên ngày càng cao, có ích cho cộng đồng”.

Để có được số lượng và chất lượng đề tài như vậy, ngoài hỗ trợ của nhà trường (5 triệu đồng/đề tài), nhiều sinh viên đã năng động tìm kiếm nguồn lực tài chính cho đề tài của mình. Niềm say mê nghiên cứu khoa học và mong muốn có những cống hiến thiết thực cho quê hương cũng là một biểu hiện sinh động tinh thần “Chín Tháng Giêng” của nhiều sinh viên hôm nay.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết