18/09/2017 - 21:20

Nỗ lực nâng cao chất lượng cấp nước sạch 

Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố ước đạt 80,6% trên tổng dân số. Thành phố Cần Thơ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu sớm đảm bảo cung cấp đủ nước sạch đến tất cả các nơi người dân có nhu cầu.

Đến nay, nhiều hộ dân nông thôn trên địa bàn TP Cần Thơ đã có nước máy sử dụng, không còn phải sử dụng nước giếng bơm tay và nguồn nước sông không đảm bảo vệ sinh.

Chuyển biến tích cực

Thành phố hiện có 13 nhà máy cấp nước sạch đô thị quy mô lớn của các doanh nghiệp, với tổng công suất thiết kế 166.420 m3/ ngày đêm và công suất hoạt động hiện tại khoảng 159.000 m3/ngày đêm. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng hơn 180 công trình cấp nước tại các khu vực nông thôn. Theo số liệu của ngành chức năng TP Cần Thơ, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố đạt 80,5%, trong đó khu vực đô thị đạt 86% và khu vực nông thôn đạt 68,12%. Năm 2017, thành phố đặt mục tiêu nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 81,4%, trong đó khu vực đô thị đạt 87% và khu vực nông thôn đạt 70%. 8 tháng đầu năm, thành phố ước đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch 80,6% trên tổng dân số, trong đó khu vực đô thị là 86,50%, khu vực nông thôn đạt 70,3%.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm nước) đã tích cực đầu tư phát triển các công trình cấp nước sạch tại các vùng nông thôn chưa có doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều người dân vùng nông thôn có cơ hội được tiếp cận với nước sạch, xa dần thói quen sử dụng nước sông và các nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh. Những tháng đầu năm 2017, Trung tâm nước tiếp tục tạo nhiều thuận lợi cho người dân nông thôn sử dụng nước sạch bằng việc mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước và đầu tư xây mới nhiều công trình cấp nước. Cụ thể như, các hệ thống cấp nước tập trung tại xã Vĩnh Bình-huyện Vĩnh Thạnh, xã Thới Hưng và xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, xã Nhơn Nghĩa-huyện Phong Điền; xã Xuân Thắng và xã Đông Bình, huyện Thới Lai... Theo ông Nguyễn Anh Thùy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến nay tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố đã đạt 71% và dự kiến con số này được nâng lên 72% vào cuối năm, vượt 2% so với chỉ tiêu được thành phố giao. Các trạm cấp nước do Trung tâm nước thuộc Sở NN&PTNT thành phố quản lý, hoạt động liên tục, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân. Sở chỉ đạo Trung tâm nước thường xuyên nâng cao chất lượng nước.

Nâng chất lượng cấp nước sạch

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, nhiều nhà máy lấy trực tiếp nước sông lên sản xuất nước sạch, trong khi chưa có hệ thống trữ nước và lấy nước dự phòng, đây là điều các đơn vị, doanh nghiệp phải lưu ý có giải pháp khắc phục để chủ động đảm bảo cấp nước an toàn liên tục kể cả khi nguồn nước sông có vấn đề. Các đơn vị, doanh nghiệp cần tính toán kỹ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân dựa trên các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và phạm vi vùng được phân công phụ trách dân để có giải pháp đầu tư các nhà máy và hệ thống truyền tải nước đảm bảo nhu cầu. Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cũng lưu ý các đơn vị, doanh nghiệp cần xem xét nâng công suất các nhà máy tại những khu vực đang lấy nước sông đảm bảo an toàn và không nên mở rộng, tăng công suất nhà máy tại các khu vực nguồn nước sông có nhiều dấu hiệu, nguy cơ ô nhiễm. Để đảm bảo an toàn, các đơn vị, doanh nghiệp cũng không nên chạy hết 100% công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất nước sạch.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu các sở ngành thành phố, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm đảm bảo đủ nguồn cung nước sạch đến tất cả các nơi có nhu cầu, đảm bảo chất lượng sạch, an toàn tuyệt đối. Đồng thời, phải tìm các giải pháp, mô hình hiệu quả tăng cường công tác quản lý, phát triển các công trình cấp nước sạch, đảm bảo đạt tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và hài hòa được lợi ích của các bên liên quan. Thành phố cũng có ý tưởng thống nhất việc cung cấp nước sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn theo hướng xã hội hóa, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các đơn vị, địa phương nghiên cứu phương án, sớm tham mưu cho UBND thành phố xem xét thực hiện..

Đến nay, vẫn còn một tỷ lệ dân số không nhỏ tại thành phố chưa được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn của Bộ Y tế, nhất là tại các vùng ven đô, vùng sâu, vùng xa và những địa bàn chồng lấn giữa các đơn vị cấp nước. Nguyên nhân được cho do mạng lưới cấp nước sạch của các đơn vị, doanh nghiệp hiện vẫn chưa phủ khắp hết tất cả các địa bàn của thành phố và  có sự chồng lấn phạm vi vùng phục vụ giữa các đơn vị, doanh nghiệp với nhau.  Đã xảy ra tình trạng những nơi có dân số đông, khả năng đầu tư hệ thống cấp nước sạch thu hút được ngay nhiều người sử dụng thì hầu hết các đơn vị đều muốn đầu tư vào nơi này và ngược lại. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác cấp nước sạch còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển các công trình cấp nước sạch ở những nơi không có khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác, có một bộ phận người dân cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng nước sạch.

Người dân thành phố đã có ý thức cao trong bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn nước ngầm, nước mặt và công trình cấp nước sạch. Song, vẫn còn một bộ phận người dân, doanh nghiệp xả rác, chất thải ra môi trường và xuống các sông rạch ảnh hưởng xấu nguồn nước. Thực tế trên, đòi hỏi thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng và có giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định và văn bản pháp lý có liên quan đến lĩnh vực cấp nước và có chương trình, kế hoạch và quy định cụ thể nhằm tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm các bên có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác này.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết