07/11/2013 - 08:48

Những “báu vật sống” của văn hóa đồng bằng

Bài cuối: Nữ bầu gánh hát tuồng cổ ở Cần Thơ

Nói về đời theo nghiệp tuồng cổ, hát bội của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh (nghệ danh Phương Ánh), Chủ nhiệm CLB Tuồng cổ Phương Ánh, chia sẻ: "3 đời theo nghiệp hát bội, 3 lần làm bầu gánh, 2 lần phải gãy gánh giữa chừng. Nhưng không bỏ nghề được". Vậy là quanh năm suốt tháng chị lại cùng gánh hát của mình rong ruổi khắp các đình ở ĐBSCL hát phục vụ bà con.

* Quá tam ba bận…

"Này Thần nữ!... Gươm đao chẳng dung tình, ta đem ứng luôn giả hình, tội tử phải làm gương, giữa công đường quân pháp bất vị thân..."- chị Phương Ánh cất tiếng hát hào sảng, bước tấn bước bộ rất chuẩn xác như thể đang diễn trên sân khấu. Chị thuộc làu từng câu thoại, những khoảnh khắc sắm vai nữ tướng Phàn Lê Huê trong vở "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ". Và với chị, lúc nào cũng vậy, đã hát, dù là tập thử, cũng phải hết mình, sống trọn với vai diễn. Trìu mến nhìn rương phục trang rạng rỡ sắc màu, chị kể về những kỷ niệm với nghề hát bội làm bầu của mình.

Gánh hát của chị Phương Ánh diễn tuồng “San Hậu” dịp cúng Kỳ Yên đình Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh). 

Chị Phương Ánh sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật hát bội. Cha mẹ chị là đôi nghệ sĩ có tiếng trên sân khấu hát bội, cải lương những năm 1960. 10 tuổi, chị theo cậu ruột là bầu gánh hát bội Phước Tấn, hậu cứ đóng ở bến Bắc Cần Thơ một thời nổi danh khắp miền châu thổ. Theo gánh hát, chị được sắm vai dâng rượu, chạy bận… Dần dà, tình yêu hát bội ngấm vào chị lúc nào không biết. Chị còn nhớ như in vào năm 20 tuổi, chị được bầu gánh tin tưởng giao cho vai đào chính trong tuồng "Đưa em về quê mẹ". Cũng từ đó, nghiệp hát bội gắn chặt vào cuộc đời của người phụ nữ có thanh, có sắc. Chị có thể diễn được nhiều vai, nhiều tính cách, từ bi, hài đến phản diện nhưng ấn tượng của những người từng xem chị diễn vẫn là các vai mẹ như: Phàn Lê Huê trong "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ", vai mẹ Xích Đởm trong "Tiêu Anh Phụng"…

Đến năm 1980, chị mạnh dạn thành lập đoàn Quê hương Đồng Tháp trong tình cảnh hát bội, cải lương cổ đang thời lao dốc. Bà bầu gánh trẻ tuổi phải vất vả ngược xuôi lo chuyện cơm áo cho diễn viên, lo tập tuồng, chỉ đạo diễn xuất. Nhưng mọi cố gắng của chị vẫn không đủ để duy trì gánh hát. Đoàn Quê hương Đồng Tháp rã gánh, chị lập đoàn Du Sĩ Ca nhưng chẳng bao lâu cũng phải giải tán. "Nợ nần chồng chất, nhìn cảnh anh em nghệ sĩ một thời gian gắn bó với mình chịu cảnh tan đàn, chị rớt nước mắt. Ai cũng khuyên chị tìm chuyện gì làm ăn buôn bán đi, đừng theo nghề xướng ca, khổ lắm!" - chị Phương Ánh nhớ lại. Chị cảm ơn những người đã khuyên mình nhưng trong lòng thì thầm quyết tâm phải giữ nghiệp của cha ông.

Một thời gian dài sống ở Cần Thơ, gần đình Bình Thủy, thấy mỗi lần đình mở hội Kỳ Yên, nhiều gánh hát bội về hát trong sự chào đón của bà con mà lòng chị thấp thỏm, nhớ nghề, nhớ những đêm hát thâu đêm ở võ ca của đình. Vậy là năm 2004, một lần nữa chị lập CLB Nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh, trực thuộc Trung tâm Văn hóa quận Bình Thủy và duy trì đến nay. Thăng trầm với khó khăn của đoàn nhưng chị chẳng bao giờ có ý định bỏ nghề. Chị tâm sự: "Nghỉ hát thấy trong lòng bứt rứt lắm, muốn bệnh luôn. Tối mà được hóa trang, mặc áo mão lên sân khấu diễn là thấy khỏe khoắn".

* Kiếp tằm nhả tơ

Tôi đã có dịp cùng chị Phương Ánh lưu diễn phục vụ bà con trong dịp cúng Kỳ Yên đình làng Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ). Chị ngồi bệt bên cánh màn nhung, vén màn cho diễn viên bước ra sân khấu. Chị cẩn thận chỉnh sửa trang phục, dồi phấn lại cho diễn viên rồi cầm kịch bản, nhắc diễn viên ra sân khấu. Diễn viên nào hết trường đoạn diễn, chị ngồi kế bên quạt, mang nước uống, ân cần và chu đáo như một người mẹ, người chị. Đó là đợt lưu diễn sau cùng, trước khi đoàn của chị nghỉ một tháng để cúng Tổ nghiệp Sân khấu. Trước đó, đoàn đã gần hết nửa năm giong ruổi khắp các đình ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… Hễ có nơi nào mời là chị tới. Chị ít để ý chuyện giá cả, lỗ lời bởi với chị, được hát, được diễn là niềm vui và giúp anh em có thêm thu nhập.

Giữa tiếng hát của tuồng "San Hậu" (tôn Vương), chị Phương Ánh nhớ lại một thời hoàng kim của sân khấu hát bội, tuồng cổ. Cái thời mà gánh hát của chị đi diễn không xuể, đi đến đâu cũng được bà con đứng rợp hai bờ kinh chờ đón, coi "nghệ sĩ đẹp cỡ nào"! Mỗi đêm hát, trời chiều vừa khuất là bà con kéo đến đông kín sân đình, ghe xuồng đậu rợp bến đình coi hát. Thấy đào kép hóa trang màu mè, vẽ mặt trăm hoa, áo quần sặc sỡ, ca ngọt lịm, múa ra bộ điêu luyện… cả sân đình rộn rã tiếng hò hét vì mến mộ. Chị nói: "Khán giả thời đó biết thưởng thức hát bội nên nghệ sĩ khi ra diễn ai cũng phải hết mình, không được phân tâm. Cái tục cầm chầu giúp nghệ sĩ luôn vững tay nghề". Nghệ sĩ ca hay, diễn đạt thì người cầm chầu đánh trống "tùng... tùng... tùng..." với những tràng pháo tay của khán giả, sau khi lớp diễn kết thúc sẽ được thưởng. Còn nghệ sĩ diễn dở, diễn dối, người cầm chầu sẽ gõ vào tang trống "rụp.. cắc... cắc..." thì sẽ bị phạt. Nhưng cũng nhờ vậy mà ai cũng nghiêm túc với nghề.

Khi chúng tôi hỏi về gánh hát, chị Phương Ánh bỗng trầm xuống, nói buồn buồn: "Bây giờ mấy ai còn dám làm bầu, nhất là phụ nữ. Khán giả ngày càng ít, cũng không phải đình nào cũng có hát bội, tuồng cổ mỗi dịp Kỳ Yên nên chuyện hát xướng càng lắm gian nan". Như lần diễn ở đình Vĩnh Trinh này, nhận suất hơn chục triệu nhưng gần 15 diễn viên, hậu đài… phải trú gần cả tuần, lại thêm chi phí vận chuyển sân khấu, trang phục, âm thanh, tính ra anh em mỗi người được 700-800 ngàn đồng. Bà bầu gánh như chị cũng được chưa đến 1 triệu đồng. Nhưng những dịp như vậy không phải có được quanh năm, chỉ chờ mấy lễ hội Kỳ Yên cúng đình.

Khó khăn là vậy nhưng chị tự hào giới thiệu với chúng tôi về dòng họ có "máu nghệ sĩ" của mình. Em trai chị Phương Ánh là nghệ sĩ Chiêu Hùng, anh trai là nghệ sĩ hài Quốc Việt; các dì, cậu cũng là nghệ sĩ tuồng cổ có tiếng. Chị Phương Ánh có một con gái cũng là nghệ sĩ hát bội, tuồng cổ Phương Anh hiện đang lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhưng mỗi khi gánh hát của mẹ có suất diễn, Phương Anh đều về. Hiện tại, bé gái con của Phương Anh, cháu ngoại chị Phương Ánh, dù mới 8 tuổi nhưng đã biết chạy bận. Giọng ca của cô bé cũng rất lảnh lót, ngân vang. Ai cũng nói bé hưởng di truyền từ máu nghệ sĩ của mẹ và bà ngoại. Nghệ nhân Phương Anh nói: "Từ nhỏ mẹ đã chỉ dạy tôi rất nhiều về kỹ thuật ca diễn nên bây giờ tôi đã nối nghiệp mẹ. Dù không ép nhưng nếu sau này con tôi muốn theo nghề hát bội, tôi cũng khuyến khích con". Nghề nối nghề, mẹ truyền con nối, cái tình cái nghĩa ở gia đình nghệ sĩ Phương Ánh gắn chặt vào những vai tuồng, vở diễn.

***

Gần 60 tuổi đời, hơn 45 năm theo nghề hát bội và hơn 20 năm làm bầu. Chừng ấy thời gian đủ để bầu gánh hát Phương Ánh nếm trải hết vinh quang cũng như cay đắng của kiếp tằm nhả tơ. Giờ đây niềm vui của chị là được hát cho bà con nghe, diễn cho bà con xem, được làm hậu làm nương trên sân khấu, sống trọn một đời nghệ sĩ mang nghiệp gìn giữ nghệ thuật tuồng cổ, hát bội.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết