14/04/2008 - 21:12

Nhức nhối bạo lực gia đình!

Hành vi bạo lực trong gia đình gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần và thể xác. Ảnh: KIỀU CHINH

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ, những vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra ngày càng tăng, nạn nhân phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Theo thống kê của TAND TP Cần Thơ và các cấp, ly hôn vì mâu thuẫn gia đình thường chiếm khoảng 60% số vụ được thụ lý. Thực trạng này đang gây nhức nhối trong xã hội.

Tiếng khóc sau cánh cửa

Cách đây không lâu, TAND quận Ninh Kiều xử một vụ ly hôn sặc mùi bạo lực ở phường Xuân Khánh, phải huy động cả lực lượng bảo vệ canh gác vì người chồng hăm giết vợ. Lúc chưa vào phòng xử, người chồng đã lăng mạ vợ bằng những lời lẽ rất thô tục, vợ trả lời thì chồng nhào lại tát vợ. 5 năm trời chịu đựng, bằng sự động viên, can thiệp của các đoàn thể trong phường, người vợ mới dám đứng đơn xin ly hôn. Ra tòa, người vợ thân hình tiều tụy, ôm đứa con 4 tuổi, kể trong nước mắt: “Lần nào đi nhậu về ảnh cũng kiếm chuyện đánh tôi, hạch sách đủ điều, đuổi mẹ con ra đường giữa khuya. Con còn nhỏ, tôi vẫn phải làm việc cật lực mới đủ tiền trang trải cuộc sống, cung phụng tiền rượu và thuốc lá mỗi ngày cho chồng. Thương con, tôi tự động viên mình ráng vượt qua, nhưng giờ thì chịu hết nổi rồi. Nếu tiếp tục sống chung với ảnh, chắc tôi sẽ chết”. Để đảm bảo an toàn cho người vợ, sau khi xử xong, Hội đồng xét xử phải nhờ công an can thiệp, yêu cầu thêm người thân đưa cô vợ về nhà. Dù đã được giải thoát, nhưng khi đi ngang chồng, người vợ vẫn còn ánh nhìn sợ sệt.

Thời đại ngày nay, vẫn có nhiều người chồng hành hạ vợ bằng những hình phạt của “thời trung cổ”. Ở Hậu Giang có ông nhậu say về bắt vợ đưa võng cho ngủ, võng ngừng thì lấy cây phang. Hôm nào vui thì thôi, buồn thì đẩy vợ con xuống mương bò lết giải khuây, hễ ngóc đầu lên là ăn đòn. Một ngày cuối tháng 2-2008, sau khi uống rượu, người chồng cầm dao đâm vợ. Trong lúc tự vệ, người vợ lấy dây siết cổ chồng, gây án mạng... 20 năm trời chịu đựng, khi dứt được người chồng vũ phu cũng là lúc người vợ phải vào tù vì tội giết người, bỏ lại các con không ai chăm sóc (!). Gần đây nhất là vụ giết vợ gây xôn xao dư luận ở huyện Thốt Nốt vào ngày 10-3-2008. Chỉ vì mâu thuẫn về chuyện tiền bạc, Trần Mộng Long đã nhẫn tâm đâm chết vợ của mình, rồi dựng hiện trường giả, nói vợ tự sát...

Đó là những chuyện được công luận biết tới, còn biết bao nạn nhân chôn chặt đời mình sau cánh cửa gia đình, ngày ngày gánh chịu sự hành hạ của chồng trong câm lặng. Yếu ớt, không được bảo vệ nên các chị càng rơi vào trạng thái tuyệt vọng, bế tắc. Nhiều chị không chịu nổi, bị suy sụp tinh thần, chán nản, thậm chí bỏ nhà đi lang thang và có ý định tự tử.

Tại Cần Thơ, thống kê trong 2 năm 2005-2006, tại 5 đơn vị: phường An Cư (quận Ninh Kiều), Hưng Phú (quận Cái Răng), Thới An Đông (quận Bình Thủy), thị trấn Thốt Nốt (huyện Thốt Nốt), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh), BLGĐ đã làm 4 người chết và gây ra 142 vụ ly hôn, chiếm gần 39% tỷ lệ trong tổng số vụ xin ly hôn được tòa án thụ lý. Qua khảo sát cho thấy, các hành vi xúc phim về thân thể xảy ra khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn trên mọi lứa tuổi, thành phần... Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, trong đó do say rượu chiếm 57%, cao gần gấp đôi so với các nhóm nguyên nhân khác; do trình độ, nhận thức, do thiếu việc làm, đời sống khó khăn... chiếm 34%; còn lại do ngoại tình ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, bị bạn bè kích động, bất đồng quan điểm...

Cần những giải pháp đồng bộ

Rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung sự nhẫn nhịn, cam chịu. Có người vì sĩ diện không muốn người khác biết chuyện mình, có người cho rằng chuyện chồng đánh chửi vợ là bình thường, đàn ông nào cũng thế (?!). Có người còn ảo tưởng rằng với sự nhường nhịn của mình, chồng sẽ tự sửa đổi nên vô hình trung các chị đã góp phần dung túng thói xấu của chồng, thậm chí có chị còn không biết thế nào là hành vi bạo lực. Khi hỏi chuyện, có chị ngạc nhiên: “Bị chồng đánh cũng đi thưa công an được sao?”.

Chị Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, thành viên tổ hòa giải của phường, cho biết: “Phần lớn những vụ tôi tham gia hòa giải đều có liên quan tới BLGĐ, từ tinh thần đến thể xác. Đa phần chị em phụ nữ đều ở quê, ít học, luôn là người chịu thiệt, quá lắm mới lên tiếng. Khi hòa giải, tôi luôn khuyên cả hai bên, hãy vì tình nghĩa, con cái mà sống tốt với nhau, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo. Người phụ nữ nên trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh sống, các kỹ năng giải quyết tình huống để tự bảo vệ mình, đồng thời cũng là cách để nâng giá trị của mình lên trong mắt bạn đời”.

Theo Thẩm phán Đặng Hùng, TAND TP Cần Thơ, BLGĐ dù dưới hình thức nào cũng là hành vi phi đạo đức, gây mất bình đẳng. Ông nói: “Có 4 nguyên nhân dẫn đến BLGĐ. Đó là vợ chồng thiếu tôn trọng nhau, cư xử không tế nhị; chịu sức ép về mặt kinh tế; thất học và không hiểu biết pháp luật. Những tiền đề này nếu không khéo léo hòa giải sẽ mau chóng làm cho cuộc hôn nhân tan vỡ. Đằng sau đó là sự núp bóng của vấn đề bạo lực. Đừng nghĩ chỉ khi nào gây thương tích nặng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới khép vào bạo hành gia đình. Những hành vi như đánh nhẹ nhưng đánh nhiều lần, chửi, nhục mạ, tìm cách hạn chế giao tiếp của vợ hoặc chồng... đã là bạo lực”.

Bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em TP Cần Thơ, nêu ý kiến: “Để hạn chế BLGĐ, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành trong việc tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Người vợ, nạn nhân chính của nạn bạo hành, phải tự mình vươn lên, nâng cao trình độ, tìm việc làm ổn định để không phải lệ thuộc chồng về mặt kinh tế. Vợ chồng cùng phải có kiến thức nhất định về mặt luật pháp. Thực tế có những ông chồng không biết chuyện mình hành hạ vợ con là sai, pháp luật không cho phép. Các cơ quan, đoàn thể phải là những vệ tinh đem pháp luật vào tận nhà người dân”.

BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, không thể xem là việc riêng của từng gia đình. Vấn đề còn lại là làm sao để bằng sự tác động của luật pháp và dư luận xã hội các nạn nhân được bảo vệ, hành vi BLGĐ được ngăn chặn kịp thời.

KIỀU CHINH

 

Chia sẻ bài viết