26/12/2020 - 22:30

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Ngành Ngân hàng phải đảm bảo vốn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 

(CT) - Đó là một trong những ý chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức vào sáng 26-12, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân xuất sắc của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân xuất sắc của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định: Năm qua, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã sớm vào cuộc, chủ động ứng phó với các tác động của dịch COVID-19, bão lũ, khắc phục khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế. Việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo đã góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhấn mạnh nguy cơ nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện việc mở rộng tín dụng phục hồi nền kinh tế gắn với các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại, yếu kém, sai phạm của các TCTD. Đồng thời, giao NHNN tính toán mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước; tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển. Cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng phải đảm bảo vốn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao... gắn việc cho vay, hỗ trợ phương án sản xuất hiệu quả với kiểm soát chặt chẽ rủi ro. Ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Theo NHNN, năm 2020, với phương châm tập trung thực hiện “mục tiêu kép”của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc sớm nhất, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng các công cụ của chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ đắc lực nền kinh tế ứng phó với tác động bất lợi của đại dịch COVID-19. Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn và liên tục với tổng mức giảm khoảng 1,5-2%/năm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, giảm 0,6- 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp, người dân (hiện còn 4,5%/năm).  Đến 14-12-2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 200.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng, đặc biệt cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỉ đồng cho hơn 390.000 khách hàng. Nhờ kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, tín dụng từng bước được cải thiện và đến ngày 21-12-2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 10,14% so với cuối năm 2019.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết