13/10/2011 - 15:26

Ngành công thương Đồng bằng sông Cửu Long

Nâng tầm hợp tác

Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều nét tương đồng về kinh tế – văn hóa và những thuận lợi, khó khăn chung. Hội nhập kinh tế thế giới, liên kết, hợp tác để phát huy thế mạnh, tiềm năng và cùng khắc phục những tồn tại yếu kém, nâng cao khả năng cạnh tranh là một yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh này, với kết quả đạt được ban đầu đáng khích lệ, ngành công thương ĐBSCL đang nỗ lực tiếp tục nâng tầm hợp tác, liên kết theo chiều sâu vì một mục tiêu cùng phát triển.

VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng phát triển về công nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản, thương mại, dịch vụ,... Sự phát triển của các ngành này đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng và cả nước. Với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... của vùng ĐBSCL, thời gian qua, TP Cần Thơ luôn chủ động và giữ vai trò làm đầu mối liên kết, hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động thương mại và công nghiệp với các Sở Công Thương các tỉnh vùng ĐBSCL. Theo ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, mối quan hệ hợp tác phát triển ngành công thương ĐBSCL thời gian qua rất thiết thực, phát huy được lợi thế cạnh tranh riêng của từng địa phương. Đặc biệt, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp TP Cần Thơ với các doanh nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL và giữa các doanh nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL với nhau. Điển hình như: Các doanh nghiệp TP Cần Thơ đã tham gia hơn 20 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tại tỉnh Hậu Giang. Ngành công thương các địa phương như Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang... luôn phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp TP Cần Thơ tham gia đầu tư xây dựng và khai thác chợ trên địa bàn... Trong lĩnh vực quản lý công nghiệp, ngành công thương ĐBSCL luôn giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của các địa phương lẫn nhau đến các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề, tổng công ty,... tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Hệ thống Sài Gòn Co.op hiện có mặt tại 9 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Siêu thị Co.opMart Cần Thơ đang trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh. 

Ngoài mối liên kết “nội vùng”, thời gian qua, ngành công thương vùng ĐBSCL còn đẩy mạnh liên kết với TP Hồ Chí Minh vì mục tiêu phát triển ngành và phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó, các doanh nghiệp lớn của TP Hồ Chí Minh đã liên kết cung cấp giống cây, con, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân, doanh nghiệp tại nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh ký kết thu mua gạo, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cá tra (An Giang), củ hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), tôm khô, cá khô (Trà Vinh), bưởi năm roi (Vĩnh Long)... nhằm phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và cung ứng cho hệ thống phân phối. Nhờ các hoạt động liên kết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Điển hình như: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư 3 dự án (1 siêu thị, 1 kho chứa, 1 nhà máy xay xát) và mở trên 500 cửa hàng, đại lý tại ĐBSCL. Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op) đã đầu tư và đưa vào hoạt động 9 trung tâm thương mại, siêu thị tại 9 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL...

HƯỚNG MỐI LIÊN KẾT ĐI VÀO CHIỀU SÂU

Theo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, liên kết, hợp tác là xu thế tất yếu của thời kỳ hội nhập. Do đó công tác này được xem là nội dung thường xuyên trong hoạt động của các Sở Công Thương các địa phương vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ngưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, các nội dung liên kết hợp tác còn khá đơn điệu, chưa thật sự toàn diện, thiếu chiều sâu. Mối liên kết chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, định hướng phát triển, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, chưa được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch và chưa được lượng hóa thành chỉ tiêu hằng năm của các địa phương. Nguyên nhân của thực trạng trên do hình thức liên kết phát triển còn khá mới, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thật chặt chẽ nên nhiều nội dung ký kết giữa Sở Công Thương các địa phương chưa được triển khai thực hiện. Mặt khác, nguồn lực cũng như quy mô khả năng cạnh tranh của phần lớn các doanh nghiệp trong vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Vì thế, các doanh nghiệp của các địa phương trong vùng chưa có nhiều điều kiện gặp nhau để tham quan, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin về thiết bị công nghệ, thị trường... để cùng nhau duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, thời gian tới, ngành công thương vùng ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác hướng đến mục tiêu phát triển vững chắc, hiệu quả và bền vững. Vì thế, sự liên kết, hợp tác thời gian tới cần đi vào chiều sâu, thực chất có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy lợi thế của vùng để mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công thương quan trọng. Điều này cũng nhằm đẩy mạnh hợp tác giao lưu hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương.

Để phát huy hiệu quả mối liên kết trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh sự hợp tác với TP Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Văn Ngưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, các Sở Công Thương cần cụ thể hóa nội dung liên kết, hợp tác bằng các chương trình, kế hoạch hằng năm, nhất là lồng ghép với các chương trình xúc tiến thương mại, đề án khuyến công. Các địa phương cũng cần tăng cường việc phối hợp thành lập hiệp hội ngành hàng để đẩy mạnh liên kết xuất khẩu hàng hóa, tránh cạnh tranh lẫn nhau. Xây dựng ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp để tăng cường phối hợp thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng: Ngành công thương vùng cần phối hợp xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển chung của ngành; xây dựng và thống nhất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cũng như liên kết, hợp tác để cùng có những đề xuất với Trung ương, tạo tiếng nói chung cho cả khu vực ĐBSCL. Các tỉnh thành vùng ĐBSCL có điều kiện và tiềm năng phát triển ngoài việc tăng cường liên kết, hợp tác hỗ trợ thiết thực và sâu sát hơn với các địa phương khác cũng cần phối hợp xây dựng hình ảnh, chất lượng và thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của ĐBSCL như: lúa gạo, cá tra, tôm, trái cây,... Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết, hợp tác phát triển kinh tế xã hội, tạo bộ khung cho các Sở Công Thương trong quá trình phát triển. Trên cơ sở này có ý kiến đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ và ưu đãi đầu tư, xây dựng chính sách đặc thù hợp với yêu cầu từng địa phương trong vùng nhằm thu hút, mời gọi đầu tư...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết