18/01/2008 - 22:19

Một gia đình văn hóa tiêu biểu

Ở ấp Thới An, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, ai cũng biết gia đình lão nông Nguyễn Văn Be và vợ là bà Nguyễn Thị Nhị. Đây là “gia đình tiến sĩ” duy nhất trong ấp. Nhà có tám người con, thì một người là tiến sĩ, một người là thạc sĩ, năm người tốt nghiệp đại học và một người là y sĩ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Be được bà con hàng xóm quý trọng vì nề nếp gia phong được giữ gìn qua nhiều đời. Dù con cháu là những trí thức nhưng vẫn luôn vâng lời cha mẹ, yêu thương giúp đỡ anh em, sống chan hòa với láng giềng...

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Be và bà Nguyễn Thị Nhị trong một căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng nằm ở cuối con hẻm nhỏ tại cồn Khương, khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều - nhân dịp con cháu rước ông bà lên chơi. Đây là căn nhà mà ông bà đã bán đi gần 3 công đất ở quê nhà để mua cho các con có chỗ ở đi học. Bà Nhị kể: “Hồi xưa, ở An Lạc Thôn không có trường cấp ba, nên khi học hết cấp hai, vợ chồng tôi phải cho con lên Cần Thơ học. Mới đầu, chúng tôi gởi nhờ nhà bà con. Đến khi bốn năm đứa cùng lên đây học thì chúng tôi quyết định bán một phần đất vườn để mua ngôi nhà này. Có chỗ ở ổn định, các con đều an tâm học hành, không còn lo sợ trễ tiền nhà hàng tháng nữa. Tụi nhỏ học xong, đa số ở lại Cần Thơ lập nghiệp”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Be trong ngày cưới của người con thứ bảy - Nguyễn Trọng Nghi. Ảnh: TL gia đình 

Bây giờ, căn nhà nhỏ khi xưa đã được các con cất lại khá khang trang, là điểm tụ hội của cả gia đình mỗi khi ông bà Nguyễn Văn Be từ Kế Sách lên Cần Thơ vui vầy cùng con cháu. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngân, con út của ông bà nói: “Hồi xưa cực quá, nên bây giờ sức khỏe của ba mẹ em không tốt. Mẹ thì hay bị mờ mắt, còn ba bệnh tim, nên tụi em thường xuyên rước ba má lên đây, để tiện chăm sóc và gần gũi ba mẹ nhiều hơn”.

Chúng tôi cảm nhận được tình cảm gia đình ấm áp trong căn nhà này, khi các con trai, con gái, con dâu, con rể của ông bà Nguyễn Văn Be tụ hội về đây, tiếng cháu nội cháu ngoại thưa ông thưa bà rộn rã... Dù các con của ông bà đều có cơ ngơi riêng, bận công tác và học tập, nhưng mỗi khi ông bà lên Cần Thơ, thì ngày nào các con của ông bà cũng đưa các cháu nhỏ đến thăm hỏi. Vào ngày làm việc thì các anh chị ghé qua vào giờ nghỉ trưa ngắn ngủi hoặc vào buổi chiều muộn. Vào ngày thứ bảy chủ nhật thì ở chơi cả ngày. Cho nên trong nhà lúc nào cũng tấp nập người ra vào, ấm tình gia đình.

Hiện nay, con trai lớn của ông bà Be là tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, giảng viên ĐH Y Dược Cần Thơ; con trai thứ Nguyễn Văn Tuấn hiện là giáo viên Trường THCS Trinh Phú, Kế Sách, Sóc Trăng; chị Nguyễn Thị Bích Liễu là y sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền; chị Nguyễn Bích Vân là bác sĩ Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền, anh Nguyễn Trọng Nghi là thạc sĩ Tin học, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang; anh Nguyễn Trọng Tuệ là kỹ sư Nông học công tác tại TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhiên là kỹ sư Tin học công tác tại Sở Y tế Cần Thơ và chị Nguyễn Thị Mỹ Ngân là kế toán của Dược Hậu Giang... Sự thành đạt khá vẹn toàn đó, ngay ở đô thị còn hiếm hoi, huống chi gia đình ông bà ở nông thôn, lại đông con và chủ yếu nương nhờ vào mảnh vườn, cây lúa làm kế sinh nhai. Mấy chục năm qua, dù vất vả thế nào, ông bà Nguyễn Văn Be và Nguyễn Thị Nhị không chỉ chăm lo vật chất cho con ăn học, mà còn luôn dạy dỗ, làm chỗ nương tựa tinh thần cho các con khi gặp khó khăn trong cuộc sống. “Hồi chiến tranh, gia đình phải di tản ra sống ở gần chợ. Thấy một số trẻ con ở chợ hay chửi thề, ăn cắp vặt, ba mẹ cấm chúng tôi không được chơi với bạn như vậy. Khi lớn lên, đi học, đi làm, gặp chuyện gì khó khăn đều có ba mẹ ở cạnh động viên, chia sẻ. Bài học lớn nhất mà ba mẹ dạy chúng tôi là sống sao cho ngay thẳng và luôn nỗ lực đạt thành công bằng chính sức lực của mình”. Anh Nguyễn Văn Tuấn, con trai thứ ba của ông bà kể. Ông Nguyễn Văn Be nói thêm: “Tất cả các con của tôi đều xa nhà, lên Cần Thơ học từ khi mới 15, 16 tuổi. Tất nhiên vợ chồng tôi cũng lo con mình ham chơi, bị cuốn vào lối sống đua đòi. Nên hàng tuần, vợ chồng tôi đều thu xếp lên thăm con, nhắc nhở con ráng học và cũng để các con không tủi thân, cô đơn vì xa nhà, xa người thân”.

Các con ông bà Nguyễn Văn Be đã yêu thương nhau và đối xử đúng nghĩa tình anh em “như thể tay chân”. Trong nhà, khi gặp khó khăn thì các anh chị sẵn sàng hy sinh cho nhau. Bà Nguyễn Thị Nhị vẫn còn nhớ: “Lúc hai con gái của chúng tôi là Bích Liễu và Bích Vân cùng tốt nghiệp cấp ba, thì trong nhà đã có hai trong trai lớn đang theo học đại học. Đó cũng là những năm sau giải phóng, đời sống rất khó khăn... Nhắm lo không nổi cho bốn đứa con học đại học cùng một lúc, tôi bàn với Bích Liễu chuyện thắt ngặt của gia đình, để Bích Liễu nhường cho Bích Vân học đại học trước. Bích Liễu thì đi học may để phụ giúp tôi. Sau này, khi con trai lớn của tôi có việc làm ổn định, cháu chu cấp cho Bích Liễu đi học Y sĩ. Các con của tôi, tất cả đều rất trọng và thương Bích Liễu, các cháu nội cháu ngoại của tôi đều kêu Bích Liễu là “má Năm”. Được biết từ khi còn nhỏ, các con của ông bà đều có ý thức chia sẻ công việc của gia đình. Sau giờ đến trường, các con của ông bà Nguyễn Văn Be đều tiếp cha mẹ làm cỏ lúa, nhổ mạ, chăm bón vườn nhãn, phụ giúp ba mẹ đăng lưới ven sông... Khi lớn lên, người đi học và thành đạt trước khuyến khích, giúp đỡ người đi sau. Trong nhà, anh Hai là gương sáng để anh chị em noi theo, nỗ lực học tập để ba mẹ tự hào về mình. Học xong, anh Hai lại lo tiếp chuyện học cho các em.

Ở ấp Thới An, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, hàng xóm láng giềng không chỉ nể trọng vì ông Nguyễn Văn Be là chủ nhân của “gia đình tiến sĩ”, mà còn vì nếp sống chan hòa, thân ái với bà con chòm xóm. Chưa bao giờ gia đình ông to tiếng hay tranh chấp với hàng xóm láng giềng. Các “cô cử”, “cậu cử” mỗi lần về vẫn đến chào và thăm hỏi bà con lối xóm. Ông bà Nguyễn Văn Be còn là một trong những gia đình điển hình đi đầu trong đóng góp làm giao thông nông thôn, quỹ xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở địa phương. Gia đình ông nhiều năm liền được tuyên dương là gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết