28/12/2020 - 14:33

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 

(CTO) - Đó là một trong những điểm nhấn quan trọng trong phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vào sáng 28-12.

Tại điểm cầu TP Cần Thơ, các đồng chí: Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ, được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo hoạt động Đảng bộ TP Cần Thơ; Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì tham dự.

Tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tư tưởng chiến lược để phát triển nước ta trong giai đoạn tới là đẩy mạnh đổi mới, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó phát triển kinh tế xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu thường xuyên, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, thu hút trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy cao độ nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực trong đó nguồn lực nội sinh và nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến về chất trong việc tổ chức thực hiện 3 đột phá chiến lược được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới theo hướng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhất là đất đai, tài chính. Thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả; đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp thật sự có hiệu lực, hiệu quả cao. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng đội ngũ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số.

Không khí lao động sôi nổi tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko

Theo Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2012, dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày, năm 2020 và 5 năm (2016-2020), cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đại dịch COVID 19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam là quốc gia kiểm soát rất tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020.

Trong phiên làm việc buổi sáng, hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021... Trong phiên làm việc buổi chiều, Báo cáo tóm tắt kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ý kiến của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương. Chương trình hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng ngày 29-12 với ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết