13/04/2010 - 21:29

Thực hiện chủ trương chuyển sang loại hình công ty ở các nông trường

Khó khăn còn ở phía trước

Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố đã giám sát tình hình hoạt động của Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu. Qua giám sát cho thấy các công ty, nông trường này đã bước đầu vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để các đơn vị này phát triển theo hướng bền vững, nhất là đối với Nông trường Sông Hậu, rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ các cơ quan chức năng.

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Theo ghi nhận của đoàn giám sát, Nông trường Cờ Đỏ đã có sự chuyển biến tốt từ khi thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động từ Nông trường quốc doanh sang hình thức hoạt động Công ty Nông nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ chuyển đổi hình thức hoạt động cũng là lúc nền kinh tế chịu nhiều tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Trong hai năm 2008-2009, hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của UBND thành phố và các ngành chức năng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không những không bị đình trệ mà còn có xu hướng phát triển tốt”. Năm 2008, lợi nhuận của công ty tăng 325% so với năm 2007. Năm 2009 tiếp tục tăng 140% so với năm 2008. Vốn đầu tư của chủ sở hữu từ 40,6 tỉ đồng năm 2007 tăng lên 52,9 tỉ đồng vào năm 2009. Đáng chú ý là số hợp đồng viên chấp hành phương án giao khoán lên tới 94%. Đây chính là nền tảng vững chắc để hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty ngày càng đi vào nề nếp. Lợi nhuận của công ty năm sau cao hơn năm trước, cũng vì thế mà thu nhập của hợp đồng viên của công ty cũng cao hơn so với bình quân của nông dân ngoài nông trường. Mặt khác, do công ty có chức năng xuất khẩu gạo, thực hiện chính sách bao tiêu sản phẩm và mua trực tiếp với nông dân nên giá thu mua thường cao hơn giá thị trường. Năm 2009, tổng sản lượng lúa của hợp đồng viên là 54.000 tấn, thì sản lượng lúa nhập kho của công ty được 34.000 tấn, đạt gần 90% kế hoạch của công ty.

Theo ông Hồ Minh Khải, từ khi chuyển đổi hình thức hoạt động, tách chức năng quản lý hành chính ra khỏi hoạt động của công ty, đội ngũ cán bộ, nhân viên có phần năng động, sáng tạo hơn. Bên cạnh đó, mức giao khoán với hợp đồng viên của công ty phù hợp với nguyện vọng của bà con nên người dân chấp hành theo cơ cấu 2 vụ lúa trong năm, với các loại giống lúa chất lượng cao. Bà Ngô Hồng Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, cho biết: “Từ khi chuyển đổi sang loại hình công ty, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ đã sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, xác định hướng đi phù hợp nên đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng cao. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chọn giống chất lượng cao, giảm chi phí đầu vào,... nên lợi nhuận của người trồng lúa cao hơn mức bình quân chung của thành phố từ 10-15%. Điều này chứng tỏ chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các nông trường là phù hợp với xu thế phát triển”.

Trong khi đó, các thành viên đoàn giám sát ghi nhận ở Nông trường Sông Hậu, sau khi sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cũng đã có những bước chuyển ban đầu. Năm 2009, tổng doanh thu của đơn vị là 125,6 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn thu từ hoạt động dịch vụ thương mại của công ty; lợi nhuận trước thuế được 1,7 tỉ đồng.

CẦN TIẾP SỨC

Ông Huỳnh Văn Tiếp (giữa), Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội trao đổi với nông dân Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ về tình hình sản xuất vụ lúa đông xuân 2009-2010.  

Mặc dù có những dấu hiệu khả quan, nhưng theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, hoạt động của đơn vị vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Nông trường không những đã mất hết vốn sở hữu của nhà nước mà còn bị âm trên 180 tỉ đồng. Nguyên nhân là do trước đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nông trường bị thua lỗ. Hiện tại, phương án xử lý tài chính - điều kiện tiên quyết để nông trường thực hiện chuyển đổi từ hình thức hoạt động nông trường quốc doanh sang loại hình công ty nông nghiệp - vẫn chưa được phê duyệt. Ông Nguyễn Bá Cường bày tỏ: “Cũng cần nói thêm rằng, nhìn bề ngoài bảng hiệu của chúng tôi là công ty nông nghiệp, nhưng thực chất hiện nay các hoạt động của chúng tôi vẫn còn trên danh nghĩa của Nông trường Sông Hậu, do chưa thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động của công ty theo quyết định của Chính phủ”. Theo ông Cường, sắp tới sau khi phương án xử lý tài chính được phê duyệt, Nông trường sẽ tổ chức thực hiện Quyết định số 88/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ và Quyết định 1559/2007/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty Nông nghiệp Sông Hậu. Tiếp theo, ở giai đoạn 2, Công ty Nông nghiệp Sông Hậu sẽ tiếp tục được chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên. Về phương hướng sản xuất kinh doanh sau khi sắp xếp, ông Nguyễn Bá Cường cho biết: “Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, bao tiêu lúa cho hợp đồng viên, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, chúng tôi đã có kế hoạch phục hồi lại các cơ sở sản xuất, chế biến hiện có. Chúng tôi xác định nguồn thu của nông trường hiện tại và của công ty trong tương lai là các hoạt động kinh doanh dịch vụ, chủ yếu là xuất khẩu gạo, còn nguồn thu từ khoán theo hợp đồng chỉ để bù đắp một phần chi phí quản lý hành chính của đơn vị”.

Một trong những khó khăn chung mà cả Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu đang gặp phải là giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất thường tăng cao, trong khi đó giá cả tiêu thụ lúa gạo luôn biến động. Mặt khác, quy chế điều hành xuất khẩu gạo của cả nước hiện nay còn nhiều lúng túng, tình trạng xuất khẩu gạo bán phá giá của một số công ty thương mại làm thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc cơ giới hóa khâu thu hoạch còn nhiều hạn chế, việc xuống giống đồng loạt, đúng mùa vụ để đề phòng dịch hại sẽ gây khó khăn cho khâu thu hoạch do thiếu nhân công, máy móc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, phần lớn hợp đồng viên với công ty đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công ty vốn hạn chế nên chưa đầu tư đủ lượng máy móc phục vụ cho khâu thu hoạch. Do đó, để tăng thu nhập cho nông dân, góp phần cơ giới hóa khâu thu hoạch của thành phố, đề nghị thành phố có chính sách ưu đãi cho hợp đồng viên của công ty đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch lúa...

Ngoài ra, trong quá trình giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố còn ghi nhận việc đo đạc địa chính để bàn giao đất phi nông nghiệp về cho chính quyền địa phương quản lý (theo chỉ đạo của thành phố) tại Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu diễn ra chậm, ảnh hưởng đến việc quản lý đất đai của các đơn vị. Các đơn vị cũng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về điều hành xuất khẩu gạo để các đơn vị, địa phương chủ động trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Có chính sách ưu đãi cho những đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ lúa trực tiếp cho nông dân...

Qua giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị. Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, cho biết: “Hai đơn vị đều có khả năng mua lúa trực tiếp với nông dân và xuất khẩu trực tiếp, do đó cần quan tâm mua hết lượng lúa của hợp đồng viên, với giá hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa đơn vị và hợp đồng viên trong hợp tác sản xuất, kinh doanh”. Đoàn giám sát cũng đề nghị Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, thương mại, nhất là xuất khẩu gạo, vốn là thế mạnh của các đơn vị. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện đúng các chỉ đạo của Trung ương, thành phố, ông Huỳnh Văn Tiếp đề nghị các ngành có liên quan của thành phố tăng cường sự hỗ trợ để Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu chuyển đổi thành công sang mô hình hoạt động công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên theo chỉ đạo của Chính phủ, ổn định sản xuất, kinh doanh với loại hình mới.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết