14/01/2016 - 21:19

HỘI NHẬP - ĐỘNG LỰC LỚN ĐỂ DOANH NGHIỆP TÁI CƠ CẤU VÀ PHÁT TRIỂN

 

Đó là nhận định của ông Trần Khắc Tâm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng về những tác động từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với doanh nghiệp trong nước nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

* Thưa ông, trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, ông có dẫn một thống kê đáng tin cậy: Có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không có thông tin, không hiểu biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và 60% doanh nghiệp cho rằng AEC không ảnh hưởng đến mình. Những con số vừa nêu nói lên điều gì, thưa ông?

- Theo tôi, đây là vấn đề đáng lo ngại vì cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức, nắm bắt được cơ hội của hội nhập và chưa có chiến lược để hội nhập. Trong khi đó, gần đây, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta được biết, nhiều đại gia Thái Lan đã thâu tóm thành công một số doanh nghiệp phân phối lớn của Việt Nam. Đây được xem là bước đi đầu tiên để họ đưa hàng hóa của mình thâm nhập sâu vào thị trường 90 triệu dân, nhiều tiềm năng của chúng ta.

Tất nhiên, chúng ta cần phải đi sâu vào từng ngành hàng, từng doanh nghiệp thì mới đánh giá được thực chất vấn đề. Nhưng, qua những con số như vậy cũng cho thấy rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho hội nhập. Phân tích như vậy để chúng ta nhận thấy điểm yếu của mình, còn tình hình chung, theo cá nhân tôi cũng không đến mức quá bi quan.

* Như ông vừa nói thì tình hình chung cũng không đến mức bi quan, phải chăng ông muốn nhắc đến những cơ hội từ hàng loạt FTA khác được Chính phủ ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán?

- Đúng vậy. Các FTA và tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đem lại cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước đối tác. Bởi bản chất các hiệp định này là mở cửa thị trường, có lộ trình đưa các dòng thuế về 0% hoặc gần bằng 0% trên cơ sở có đi có lại, các quốc gia đối tác sẽ ưu ái cho những sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của bạn hàng. Ví dụ: nếu TPP được Quốc hội 12 nước thành viên thông qua, thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có ngành công nghiệp dệt may lớn nhất khối này và theo dự báo trong một thời gian ngắn, ngành công nghiệp này có thể tạo thêm 6 triệu việc làm mới cho người lao động.

Sản xuất bánh nông thủy sản phối chế (kakiage cải tiến) tại Nhà máy thực phẩm An San - Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh: X.TRƯỜNG

* Ông đánh giá thế nào về tác động của FTA đối với doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung?

- Có thể nói rằng, các FTA đã ký kết và triển vọng TPP đã và đang tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp trong nước tái cơ cấu, đầu tư có chiều sâu, vạch ra các chiến lược kinh doanh mới để tiến sâu vào thị trường các nước có trình độ kinh tế, trình độ phát triển cao hơn mình. Trong 12 nước tham gia TPP, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, trình độ thấp hơn, nên đồng thời với cơ hội bán hàng, mở rộng thị trường, còn là cơ hội để các doanh nghiệp học hỏi, nâng cao trình độ quản trị, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa.

* Tất nhiên, không chỉ có cơ hội, mà còn có cả những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt khi thực thi các FTA nữa?

- Tôi rất đồng tình với nhận định này. Vì như trên tôi đã nói, cơ hội thì có rất nhiều, nhưng thách thức chắc chắn cũng sẽ rất lớn. Trong các FTA đã ký kết, Việt Nam là nền kinh tế yếu hơn, phát triển thấp hơn các nước đối tác và tới đây là TPP cũng vậy. Đại đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn và công nghệ, tay nghề của người lao động chưa cao, kinh nghiệm hội nhập lại ít… Đây là những khó khăn cần phải vượt qua. Thậm chí, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, vấp váp, thất bại ban đầu khi tham gia các cuộc chơi này.

* Khi nói đến hội nhập, chúng ta thường hay nhắc câu: "Chủ động tâm thế" vậy theo ông, các doanh nghiệp nói cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng tâm thế đón đầu các FTA?

- Chủ động tâm thế. Đây mới là vấn đề chính mà mỗi doanh nghiệp cần quan tâm. Một khi đã hội nhập, không còn cách nào khác là phải nhìn thấy đâu là điểm yếu, điểm mạnh của mình để có giải pháp, lộ trình khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh. Theo tôi, quan trọng nhất hiện nay là đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp phải học hỏi, tự bản thân mình nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, như: năng lực quản lý, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật quốc tế… Việc tìm hiểu nội dung các FTA, tìm hiểu thị trường các nước đối tác cũng hết sức cấp bách. Bởi vì chỉ có nắm chắc thông tin, phân tích và dự báo đúng về thị trường thì doanh nghiệp mới có chiến lược ngắn hạn và cả dài hạn đúng đắn cho mình.

* Theo ông, vai trò của Nhà nước trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp hội nhập và phát triển cần được thể hiện thế nào?

- Vừa qua, Quốc hội và Chính phủ cũng đã kịp thời có những dự báo và giải pháp giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho TPP cũng như các FTA khác. Đặc biệt, tôi cho rằng báo chí, truyền thông có vai trò rất lớn khi đánh động đội ngũ doanh nhân trước ngưỡng cửa hội nhập. Nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện rõ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập đến vấn đề này khi phát biểu trước Quốc hội. Và tôi tin rằng, tới đây Chính phủ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về các FTA, TPP và đưa ra các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập.

* Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường (thực hiện)

Chia sẻ bài viết