01/07/2017 - 16:09

Hình thành giá đất mới

Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Cần Thơ, không còn cảnh "tồn kho" BĐS ở TP Cần Thơ, thay vào đó là hiện tượng tăng giá, "sốt giá" BĐS liên tục diễn ra trong thời gian gần đây. Vậy nguyên nhân nào giá BĐS tăng mạnh, trong khi thị trường giao dịch vẫn sôi động?

Thời gian gần đây, tại khu đô thị Nam Cần Thơ giao dịch sôi động, đất nền đã tăng giá "sốc", điển hình như dự án Nam Long 1. Theo giới kinh doanh BĐS, do dự án Nam Long 1 đang "khan hàng", nền có diện tích 6m x 19m, bình thường giá từ 1-1,05 tỉ đồng/nền, chỉ trong khoảng 2 tuần gần đây đã tăng giá thêm 100-150 triệu đồng/nền. Nền 4,5m x 19m cùng dự án giao dịch bình thường khoảng 800- 820 triệu đồng/nền, khoảng 10 ngày gần đây, giới kinh doanh đẩy giá thêm khoảng 60-80 triệu đồng/nền, nhưng giao dịch rất dễ dàng… Tương tự với dự án Nam Long, dự án khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô, dự án Khu dân cư Hồng Loan giá cũng tăng lên hằng tháng. Tại dự án Khu nhà ở Hồng Phát - Khu B, ở Ninh Kiều tính từ đầu năm đến nay giá đất nền tại dự án này tăng từ 30-40%. Giá đất thấp nhất ở khu này tăng từ 900 triệu đồng lên 1,3 tỉ đồng/nền chỉ sau 6 tháng, còn những nền vị trí tốt, lộ giới lớn, giá còn tăng nhanh hơn…

Khu dân cư tại Trung tâm Văn hóa Tây Đô, Nam Cần Thơ ngày càng khang trang.

Bên cạnh đó, thị trường nhà đất tại các khu dân cư đã ổn định ở quận Ninh Kiều hay nhà tại các khu đô thị đã hình thành từ 5-7 năm ở khu Nam Cần Thơ cũng tăng giá thêm vài trăm triệu đồng/căn, tùy theo vị trí, diện tích, hướng nhà, tuyến đường… Việc tăng giá này cũng xuất phát từ nhu cầu thị trường. Vậy nguyên nhân nào làm cho giá đất ở TP Cần Thơ tăng đột biến thời gian qua?

Ông Thiều Quang Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, chia sẻ: TP Cần Thơ khi chia tách chỉ có khoảng 1,15 triệu người thì nay đã tăng lên trên 1,25 triệu người, nên nhu cầu nhà ở tăng lên là một thực tế. Theo tôi có nhiều nguyên nhân khiến giá BĐS tăng, trong đó cốt lõi là do dân số tăng lên, trong khi diện tích đất không thể "nở" ra. Còn 1 - 2 năm trước đây, các nhà đầu tư than phiền và kiến nghị nhiều giải pháp cứu "tồn kho" BĐS với hàng ngàn nền, hàng ngàn căn nhà xây thô, thì nay hầu như không còn đủ để "cung" cho thị trường. Một thực tế nữa là vài năm gần đây không có dự án BĐS nào mới triển khai trên địa bàn thành phố có quy mô 50-70 ha. Đây là nguyên nhân dẫn đến thị trường mất cân đối giữa "cung" – "cầu", hiện nay "cầu" đang vượt "cung". Kế nữa, TP Cần Thơ đang phát triển khá nhanh, chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước được cởi mở hơn, dân nhập cư tăng rất mạnh; thành phố có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để người dân đến học tập, lao động, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến hợp tác làm việc; các dịch vụ cao cấp đều được đầu tư… Từ đó, nhu cầu về nhà ở tăng, đẩy giá BĐS tăng theo.

"Theo tôi, 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo thị trường BĐS ở Cần Thơ tiếp tục sôi động, nhà đầu tư cần sớm mở rộng đầu tư dự án để đón đầu thị trường tiềm năng này. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập quốc tế, mời gọi đầu tư nước ngoài tại Cần Thơ được nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Âu quan tâm. Đây là cơ hội lớn để nhà đầu tư đón đầu, có định hướng lâu dài để đầu tư các dự án BĐS mới" – ông Thiều Quang Thái nhận định.

Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Khu vực ĐBSCL, cho biết: Lượng giao dịch BĐS tăng lên đáng kể từ đầu năm đến nay. Khi các dự án hết nền, trong khi người dân các tỉnh ĐBSCL có nhu cầu mua nhà, đất ở Cần Thơ cho con em đi học có xu hướng tăng nhanh… Ngoài ra, người dân ở TP Cần Thơ và lân cận của tỉnh Hậu Giang bị di dời giải tỏa ở các dự án kè, cầu đường, khu công nghiệp… tự tìm nơi ở mới nên góp phần đưa nhu cầu về nhà ở tăng lên. Ngoài ra, kênh giao dịch môi giới truyền thống và bán hàng trên mạng xã hội tạo ra sự đa dạng, người mua dễ tìm kiếm thông tin, mặt bằng giá bán cũng theo đó hình thành nên dễ giao dịch hơn. Hiện nay Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nên nhu cầu nhà ở, xây dựng nhà hàng, khách sạn tăng lên… góp phần làm cho giá đất tăng.

Trên thực tế, TP Cần Thơ là một trong năm thành phố lớn, nhưng mặt bằng giá BĐS đô thị hiện nay ở Cần Thơ là thấp nhất, nên ngoài nhu cầu tại chỗ, các nhà đầu tư thứ cấp từ các tỉnh, thành khác cũng đang đổ về Cần Thơ để đầu tư. Một Giáo sư ở Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào giảng dạy tại Cần Thơ, chia sẻ: Một mét vuông đất ở các khu đô thị Hà Nội có giá 25-30 triệu đồng, thậm chí 40-50 triệu đồng là bình thường. Ở Cần Thơ giá đất đô thị mới chỉ bằng 20-30% giá đất ở Hà Nội, nên có không ít người đang "ngắm hướng" đầu tư vào Cần Thơ.

Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay giá cát nền phục vụ san lấp mặt bằng đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đây, nhưng không phải dễ mua (trong khi san lấp mặt bằng chiếm tỷ lệ rất lớn trong dự án BĐS); giá bê tông phục vụ xây dựng cũng "bám" giá cát tăng theo; giá nhân công lao động cũng tăng lên 30-40% so với 1-2 năm trước... Giá đền bù đất tại các dự án đầu tư khu dân cư cũng tăng lên so với cách đây vài năm, hiện nay giá đền bù bình quân khoảng 400-500 triệu đồng/công đất, tùy vị trí… Tất cả chi phí đầu vào đều tăng, đẩy giá thành đầu tư của dự án tăng lên. Như vậy, từ các yếu tố tăng giá khách quan này, chưa nói đến yếu tố dự án triển khai chậm phải cộng thêm lãi suất vay ngân hàng để đầu tư dự án… Từ đó góp phần cấu thành mặt bằng giá BĐS ở một mức giá mới cao hơn trước đây là một thực tế.

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết