29/07/2017 - 09:28

Đổi đời từ những dự án phi chính phủ 

Từ những đất nước xa xôi, thông qua các chương trình, dự án hợp tác, nhiều tổ chức phi chính phủ đã tham gia và đóng góp thiết thực đối với công tác an sinh xã hội của Việt Nam; trong đó, có những đóng góp tại TP Cần Thơ. Những chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ đã góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm,… giúp cuộc sống nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn bước sang trang mới.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực

Buổi học của các học viên khóa dạy nghề làm đẹp Dự án “Làm đẹp để sống-Sống để làm đẹp”. 

 

Hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ, nhằm góp phần ổn định kinh tế, nâng cao vai trò của phụ nữ. Bên cạnh việc tham gia dạy nghề theo đề án 1956 và 295 của Chính phủ, Hội LHPN thành phố còn triển khai nhiều dự án đào tạo nghề từ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, Quỹ Châu Á tài trợ  thực hiện chương trình thí điểm dạy nghề nghiệp vụ nhà hàng khách sạn cho 20 phụ nữ khó khăn, phụ nữ có nguy cơ là nạn nhân bị buôn bán, ngược đãi và lạm dụng tình dục trong năm 2009-2010. Tập đoàn Dầu khí Chevron thông qua Tổ chức Cứu trợ trẻ em tài trợ dự án “Tăng cường năng lực cho phụ nữ làm kinh tế”, giúp đào tạo kỹ năng kinh doanh nhỏ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi và quản lý ngân quỹ gia đình cho hơn 3.000 phụ nữ nghèo, có thu nhập thấp từ năm 2010-2015. Công ty Ajinomoto Việt Nam đào tạo nghề nấu ăn miễn phí cho hơn 2.500 chị em;… Đặc biệt, từ năm 2016, dự án “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp”, do Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam tài trợ đã tổ chức 3 khóa dạy nghề trung hạn về kỹ thuật tạo mẫu, chăm sóc tóc chuyên nghiệp, nail, massage và trang điểm cơ bản cho 70 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Dự án được tiếp tục triển khai đến năm 2020 với mong muốn giúp nhiều hội viên phụ nữ thay đổi cuộc sống một cách tích cực với nghề làm đẹp. Tập đoàn Hyundai thông qua Trung tâm Chính sách nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Hàn Quốc (Kocun) tài trợ kinh phí dạy nghề tin học cho 10 cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc hồi hương. Từ những khóa đào tạo nghề này đã có rất nhiều cuộc đời được đổi thay, sống tốt hơn trước. 

Đổi đời

Chị Trần Cẩm Linh ở ấp Thới Tân B là một trong 12 chị ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai được đào tạo nghề may gia dụng. Chị Linh thuộc diện cận nghèo, không có ruộng đất, làm thuê kiếm sống. Vì thế, khi được Hội Chữ thập đỏ giới thiệu tham gia lớp đào tạo nghề may, chị rất mừng vì có cơ hội có tìm việc làm để “đổi đời”. Chị cho biết: “Không chỉ được dạy nghề miễn phí, tôi và các học viên khác còn được hỗ trợ dàn máy may và chi phí đi lại 100.000 đồng/ngày học. Nhờ đó, chúng tôi rất yên tâm học nghề để có cơ hội tăng thu nhập cho gia đình”. Gần 2 năm qua, dàn máy may vẫn sử dụng rất tốt, hằng ngày chị Linh nhận may gia công các loại quần áo, bao tay, khẩu trang,… Mỗi dịp cuối năm, với tay nghề ngày càng khéo léo, chị Linh còn nhận may quần áo cho các hộ dân xung quanh…

Nhiều học viên từng tham gia các khóa dạy nghề đang sống tốt với nghề. Cùng chị Lê Thị Ngọc Hên, ngụ khu vực 1, phường An Bình, quận Ninh Kiều đi làm đẹp cho khách, chúng tôi mới cảm nhận hết niềm vui sống được với nghề làm đẹp mà chị đã lựa chọn và đam mê. Chị Hên cho biết: “Tôi từng tham gia khóa đào tạo nghề làm đẹp do Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam phối hợp với Hội LHPN thành phố tổ chức. Nhờ các giáo viên dạy nghề tận tâm, học viên được thực hành liên tục nên vững tay nghề. Các kỹ thuật massage kết hợp trong lúc gội đầu, kỹ thuật tạo mẫu tóc, làm nail rất bài bản, được nhiều khách hàng hài lòng”. Theo chị Hên, hiện tại, nghề này giúp chị có khoản thu nhập từ 200.000-400.000 đồng/ngày. Cô gái trẻ Trần Ngọc Tuyền, ngụ khu vực 6, phường Cái Khế cũng thông qua khóa học này, giờ đã có căn tiệm làm đẹp kết hợp spa thư giãn nho nhỏ ở ngay trung tâm thành phố…

Võ Thị Duyên Tâm, ngụ tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, là một trong những cô dâu Việt không được hạnh phúc, được Kocun hỗ trợ đào tạo nghề tin học từ tháng 12-2016 đến tháng 3-2017. Duyên Tâm cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi đổ vỡ hạnh phúc với người chồng Hàn Quốc, Tâm càng hụt hẫng. Được sự hỗ trợ của tổ chức Kocun và Hội LHPN TP Cần Thơ, sau khóa tin học, Tâm đã tìm được việc làm ổn định với vị trí nhân viên thống kê ở một công ty thủy sản. Hiện nay, Tâm đang theo học khóa tiếng Hàn miễn phí cũng do Kocun tổ chức với mục tiêu ngày càng tiến bộ hơn trong công việc và thu nhập tốt hơn. Tâm chia sẻ: “Từ sự quan tâm, gần gũi, động viên và hỗ trợ học nghề của các cô, các chị bên Kocun và Hội LHPN, tôi tự tin hơn, nỗ lực làm chủ bản thân, tìm được niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống”.  

Theo bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, Hội LHPN thành phố tăng cường phối hợp với tổ chức phi chính phủ đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội. Giải pháp này nhằm giúp chị em tìm được việc làm, tạo được thu nhập ổn định và phát triển kinh tế bền vững hơn. Với phương châm hoạt động minh bạch, nỗ lực vì an sinh xã hội của các bên, tin rằng sẽ có nhiều hơn những lao động nghèo vượt khó thành công, có cuộc sống tốt đẹp.

Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ: “Các dự án đào tạo nghề cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn đã giúp nhiều hội viên có “cần câu”, cuộc sống thêm ổn định. Theo thống kê, có khoảng hơn 70% chị em sau khi được đào tạo nghề đã tìm được việc làm. Tỷ lệ phụ nữ có việc làm của thành phố ngày càng tăng, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế. Từ đó, giúp chị em tự tin hơn trong cuộc sống và đóng góp thiết thực cho hiệu quả giảm nghèo của thành phố”. 

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết