04/05/2013 - 19:26

Đề nghị có “biện pháp mạnh” đối với hàng giả, hàng kém chất lượng

Cử tri các quận, huyện đề nghị ngành chức năng có biện pháp mạnh hơn nữa đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, độc hại để nhân dân yên tâm sản xuất, sinh sống. Nội dung công văn trả lời của Sở Công thương  thành phố, như sau:

Hiện tại, trên địa bàn thành phố tình trạng mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra rất phức tạp. Tuy nhiên, các vụ vi phạm thường là vụ việc có quy mô nhỏ, đối tượng vi phạm là các hộ kinh doanh nhỏ vì ham lợi nhuận cao nên mua hàng giả, hàng kém chất lượng về bán lại. Phương thức và thủ đoạn là cho nhân viên tiếp thị đi phân phối trực tiếp tại các điểm bán với giá thấp. Mặt hàng vi phạm thường là một số mặt hàng tiêu dùng nhập lậu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, như: quần áo, đồng hồ, mắt kính, túi xách, mực in vi tính, thiết bị điện tử, xe máy, mỹ phẩm… giả các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc ghi xuất xứ từ nước ngoài.

Để hạn chế tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và đề ra các giải pháp trong công tác quản lý việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, như:

-Tăng cường công tác tuyên truyền về những hành vi vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng để người tiêu dùng cảnh giác.

-Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thực thi, các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…

- Nâng cao năng lực cũng như trang bị kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

-Nâng cao ý thức cộng đồng về công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm về nhãn hàng hóa. Thường xuyên tuyên truyền pháp luật về các quy định trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Cung cấp các tiêu chí phân biệt được hàng thật và hàng giả để người tiêu dùng đóng vai trò chủ động trong việc tố giác vi phạm với các cơ quan chức năng, thực hiện xã hội hóa công tác đấu tranh hàng giả.

-Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, nhãn hàng hóa và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu cũng như phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

 

Chia sẻ bài viết