30/06/2008 - 08:25

Chung quanh vụ cá chết hàng loạt ở huyện Thốt Nốt

Những con cá điêu hồng trọng lượng lớn sắp xuất bán giờ cho không ai thèm lấy. 

Trong khoảng thời gian 12 tiếng đồng hồ (ngày 28 và rạng sáng 29-6) số cá chết tại bè và trong ao nuôi của 23 hộ dân thuộc thị trấn Thốt Nốt, xã Thới Thuận và xã Trung Kiên lên đến con số 405 tấn, thiệt hại khoảng 6 tỉ đồng. Người nuôi cá nước mắt lưng tròng bởi cảnh tay trắng. Cơ quan chức năng và Công an đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân vụ việc, trong đó tập trung vào việc có một cơ sở sản xuất cồn trước đó khoảng 20 tiếng đã xảy ra sự cố khiến mật đường (nguyên liệu để sản xuất cồn) chảy ra sông rạch...

* Thiệt hại nặng nề !

Trong ngày 28-6-2008, từ 9 giờ đến rạng sáng ngày 29-6-2008, 22 km dọc theo sông Hậu (hướng về Cần Thơ) từ khu vực Bò Ót (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) đến địa phận xã Thới Long, quận Ô Môn và các tuyến kênh nối thông với sông Hậu chảy vào địa bàn các xã Trung Kiên, Trung Nhứt, Trung An và Trung Thạnh, tôm, cá tự nhiên chết hàng loạt. Đáng kể nhất là số lượng 405 tấn cá (cá tra, chim trắng, điêu hồng, cá phi...) của 22 hộ nuôi cá với 41 bè neo dọc sông Hậu thuộc địa bàn thị trấn Thốt Nốt và xã Trung Kiên, cùng 1 hộ nuôi cá tra hầm ở ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, đã chết hàng loạt, thiệt hại ban đầu khoảng 6 tỉ đồng.

Sáng ngày 29-6, phóng viên Báo Cần Thơ có mặt tại ấp Phụng Thạnh 1, TT Thốt Nốt, là địa bàn tập trung hàng chục bè cá lớn nhỏ. Anh Trần Hoàng Anh, chủ 3 bè cá điêu hồng, cá phi nói chuyện với chúng tôi mà mắt hoe hoe đỏ: “Chỉ vài tiếng đồng hồ mà gia đình tui mất gần 1 tỉ đồng”.

Theo lời anh Hoàng Anh, khoảng 9 giờ sáng 28-6, đột nhiên anh thấy cá nuôi trong bè có hiện tượng lạ khi nổi dày đặc lên mặt nước. Cứ ngỡ cá thiếu khí thở nên đã cho máy sục nước tạo ô-xy cho cá thở, nhưng lớp lớp cá đuối dần và chết hàng loạt. Cả gia đình và nhân công gần chục người huy động để vớt cá và cứu số còn lại bằng cách sử dụng máy quạt nước ra khỏi bè nhưng đành bó tay... Từ trưa 28-6 đến lúc ngồi tiếp chuyện chúng tôi, anh chưa đụng tới một hột cơm. Người nhà cho biết suốt từ chiều hôm qua đến nay, anh cứ thẫn thờ đi lòng vòng qua lại 3 bè cá như người mất hồn...

Trong tổng số 23 hộ bị thiệt hại do cá chết, hộ anh Hoàng Anh là thiệt hại nặng nhất (gần 1 tỉ đồng), còn lại những hộ khác ít thì vài chục triệu, nhiều hơn chút thì cỡ 100 - 150 triệu đồng. Anh Hà Phước Hơn, ngụ thị trấn Thốt Nốt, chủ của ba bè cá chim trắng, cho biết: “Tôi có 3 bè cá chim trắng, 1 bè đến đợt bán đã kêu mối lái tới sẵn để bắt cá đem cân. Ngày 28-6 xảy ra sự việc cá chết, đành bán đổ bán tháo với giá 10.000 đồng/kg để vớt vát lại chút vốn (trong khi giá đã giao kèo trước đó với đầu mối tiêu thụ vào khoảng 13.000 đồng/kg), 2 bè còn lại gần như mất trắng”. Tính ra, hộ anh Hơn thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Ông Cao Ngọc Châu, một chủ bè cá ở thị trấn Thốt Nốt, kể: “Hôm qua, tầm 9-10 giờ, tự nhiên tôi thấy cá tép tự nhiên ở ngoài sông chết hàng loạt, nổi lều phều trên mặt nước. Thấy chuyện lạ, gia đình tôi tức tốc chạy xuống thăm cá đang nuôi ở bè neo dưới sông thì thấy cá nuôi cũng ngáp ngáp, liền cho máy đạp nước (sục nước tạo ô xy) cho cá thở, nhưng không kịp. Gần 1,5 tấn cá trong bè của ông Châu chết sạch.

Ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt, cho biết: Khi nhận thông tin về cá chết hàng loạt, UBND huyện đã chỉ đạo cho chủ tịch các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để thông báo các hộ nuôi cá hầm, nuôi ao trên địa bàn không được lấy nước vào ao nuôi đề phòng nguồn nước ô nhiễm có thể lây lan gây hại cho cá nuôi trong ao. Đồng thời ngay buổi tối ngày 28-6, huyện thông báo rộng rãi trong nhân dân không nên sử dụng nguồn nước từ sông rạch để phục vụ sinh hoạt, đề phòng nguồn nước bị ô nhiễm gây hại cho sức khỏe.

Được biết, trước đây vào khoảng tháng 3, tháng 4, khu vực nuôi cá bè từ Vàm chợ Thốt Nốt đến khu vực bến đò Trung Kiên - Tân Lộc thường xuyên xảy ra tình trạng cá nuôi bè bị chết, nhưng số lượng không nhiều. Đây là lần cá chết gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay. UBND huyện Thốt Nốt từng khuyến cáo người dân không nên nuôi cá bè tại khu vực nói trên và đang quy hoạch lại vùng nuôi cá bè cho phù hợp với điều kiện môi trường, tránh thiệt hại đáng tiếc cho người dân. Tuy nhiên, chuyện vận động người dân tìm nơi khác để neo bè cũng như việc quy hoạch vùng nuôi chưa xong thì sự cố đã xảy ra.

* Chưa xác định được nguyên nhân cá chết...

Vụ cá chết hàng loạt đã dấy lên trong nhân dân những thông tin cho rằng: cá chết do nguồn thuốc bảo vệ thực vật diệt ốc từ trong đồng theo kênh rạch đổ ra làm cá chết. Cũng có thông tin cho rằng có một ghe chở thuốc trừ sâu bị chìm và thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước làm cá chết. Một luồng dư luận khác cho biết do một cơ sở sản xuất cồn đã gặp sự cố bể bồn chứa mật đường (nguyên liệu sử dụng để nấu cồn) rồi chảy xuống sông gây chết cá. Chung quanh những thông tin này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt Nguyễn Minh Toại cho biết: Từ những thông tin và dư luận trong nhân dân về nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng xác minh làm rõ. Qua xác minh, ghe chở thuốc trừ sâu bị chìm hoàn toàn không có; dư luận về thuốc bảo vệ thực vật trừ ốc chảy từ kênh rạch phía trong đồng ra làm chết cá không đáng tin cậy. Nhưng thông tin về bồn chứa mật đường tại một cơ sở sản xuất cồn là có thật. Do đó, cơ quan chức năng tập trung làm rõ thông tin này.

Cơ sở sản xuất cồn đã để xảy ra sự cố bể bồn chứa mật đường tọa lạc tại khu vực Bò Ót, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, do một người từ TPHCM xuống đặt cơ sở làm ăn từ năm 1991. Tìm hiểu ban đầu của cơ quan chức năng, khoảng 12 giờ đêm 27-6-2008, một bồn Inox (bồn này mới làm được hơn 1 tháng, cao gần 10 m, đặt trên nền gia cố bằng bê-tông) có sức chứa khoảng 400 m3 đang chứa mật đường mới mua về từ Bến Tre (lượng mật đường chứa bên trong bồn vào thời điểm xảy ra sự cố chiếm khoảng 2/3 dung tích bồn) đã bị xé đáy, chảy tràn ra ngoài, một số lượng mật đường (chưa xác định khối lượng) đã chảy xuống rạch Bò Ót và loang ra sông Hậu.

Ông Nguyễn Minh Toại cho biết: Biết được sự cố bể bồn làm mật đường tràn ra môi trường nước, nhưng để xác định sự cố đó gây ra cá chết hay không thì cơ quan chức năng đang làm rõ.

Trong buổi tối ngày 28-6, Thanh tra, Trạm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), Phòng Cảnh sát môi trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Cần Thơ), Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thốt Nốt cùng các ngành chức năng đã phối hợp xuống hiện trường thu thập, lấy mẫu nước khu vực có cá chết để xét nghiệm, đồng thời ghi nhận các thông tin có liên quan đến vụ việc.

Đến chiều 29-6-2008, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân làm 405 tấn cá nuôi trong bè và ao của 23 hộ dân chết hàng loạt là do đâu. Việc xét nghiệm mẫu nước, mẫu cá chết... vẫn đang được tiến hành. Bên cạnh đó, Công an TP Cần Thơ phối hợp với huyện Thốt Nốt đang làm việc với chủ cơ sở sản xuất cồn đã để xảy ra sự cố bể bồn chứa mật đường.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết