29/12/2020 - 05:39

Hội nghị chính phủ với địa phương

Chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo hơn 

Đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch COVID-19, duy trì tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện… là những dấu ấn quan trọng trong năm 2020 đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-12. Với ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên, đất nước chuẩn bị bước sang năm 2021, một năm với nhiều sự kiện quan trọng, với mục tiêu phấn đấu phát triển vượt bậc hơn.

Vun đắp niềm tin

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2020, dưới tác động của COVID-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế; an sinh xã hội được bảo đảm, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả ấn tượng, công tác tuyên giáo, dân vận chính quyền phát huy được nhiều ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cán bộ, công chức và nhân dân. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội. Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ qua về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia kiểm soát rất tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 96% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỉ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỉ USD). Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa cao; Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến nay đã có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%); xuất khẩu nông sản năm 2020 ước đạt trên 41 tỉ USD. Tập trung chỉ đạo kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng bị thiên tai, đặc biệt là bão lũ, sạt lở đất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa qua. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng.

Khí thế mới

Doanh nghiệp ươm tạo tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo để xuất khẩu sang châu Âu.

Doanh nghiệp ươm tạo tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo để xuất khẩu sang châu Âu.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giới thiệu Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các kế hoạch 5 năm theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" với 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh: Dù còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và thành công nhất trong 5 năm vừa qua. Là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hội nghị Chính phủ với địa phương với một niềm tin, với khí thế mới, Chính phủ và chính quyền địa phương cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục tăng cường đoàn kết phấn đấu với quyết tâm nỗ lực cao hơn nữa, năng động sáng tạo hơn nữa để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2021 và Nghị quyết nhiệm kỳ của Đại hội XIII, góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong đợi. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chúc đến Chính phủ, chính quyền các địa phương tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm của Đảng, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém; lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động một cách quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả cao hơn, hoàn thành trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020.

Phát biểu đáp từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp để vượt qua những khó khăn, đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững. Bước sang năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt, là năm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tích cực chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và tin tưởng rằng các đồng chí Tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với tinh thần trách nhiệm cao, cùng với sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị, cùng cả nước nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021. Tạo nền tảng vững chắc, tiến lên giành thắng lợi mới theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỉ đô-la giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929-1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỉ đô- la, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết