09/06/2011 - 20:40

Chàng trai trẻ dám nghĩ dám làm

Anh Huỳnh Trần Bảo Thắng. 

Nhắc đến Công ty Cổ phần Chăm sóc thiết bị số DDC (Digital devices Care, Công ty DDC), nhiều người nhớ đến Huỳnh Trần Bảo Thắng - một giám đốc trẻ, năng động trong lĩnh vực sửa chữa điện thoại, laptop trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ hai bàn tay trắng, sau 7 năm miệt mài với nghề, giờ đây Công ty DDC do anh làm chủ đã tạo được chỗ đứng trên thị trường...

* Dám nghĩ dám làm

Huỳnh Trần Bảo Thắng quê ở xã Vĩnh Kim, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Anh sinh ra trong gia đình có ba mẹ là giáo viên. Năm 1999, anh thi đậu vào ngành Điện tử, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trong suốt 5 năm học tập, anh thấm thía nỗi chật vật, khó khăn “cơm áo gạo tiền”, vì thế luôn nung nấu hoài bão quyết tâm lập nghiệp...

Năm 2004, tốt nghiệp đại học, kỹ sư Điện tử Huỳnh Trần Bảo Thắng đã chọn con đường khởi nghiệp bằng nghề... sửa chữa điện thoại di động. Anh Thắng tâm sự: Thời điểm đó, thị trường điện thoại đang phát triển mạnh mẽ ở TPHCM, nhưng nghề sửa chữa điện thoại chưa phổ biến. Anh và 2 người bạn cùng lớp hợp tác mở tiệm sửa điện thoại. Tuy nói là tiệm sửa điện thoại nhưng thực chất chỉ là một căn phòng nhỏ, hẹp nằm trong hẻm thuộc quận 10, TPHCM.

Chuyên ngành anh học không phải thợ sửa điện thoại chuyên nghiệp, nên khi bắt tay vào nghề Thắng gặp rất nhiều khó khăn, có khi làm hư cả máy, phải đền cho khách... Nhưng với quyết tâm, cộng với kiến thức nền học được từ ghế nhà trường, chỉ trong thời gian ngắn anh và 2 người bạn nhanh chóng lành nghề. Số lượng máy khách gửi đến bảo hành ngày một nhiều, tiệm sửa không kịp nên anh đăng thông báo tuyển nhân viên để đào tạo thợ phụ. Và cũng từ đây, sự nghiệp của anh chuyển sang trang mới. Với số lượng ứng viên đăng ký khá đông, nên anh quyết định mở trung tâm đào tạo sửa chữa điện thoại di động, lấy tên DDC (Digital devices Care).

Thời gian đầu, trung tâm anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn. Trong quá trình đào tạo-giảng dạy anh cũng gặp rất nhiều lúng túng về biên soạn giáo trình, phương pháp giảng dạy, quy trình đào tạo... Nhưng với tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê, anh tự nghiên cứu phương pháp đào tạo, giảng dạy và không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn... Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn những khó khăn trên dần được khắc phục, số lượng học viên cũng ngày càng nhiều hơn, trung tâm nằm trong hẻm không đáp ứng được nữa nên phải chuyển ra đường chính (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM). Từ năm 2005 đến năm 2006, DDC đã trở thành thương hiệu đào tạo sửa chữa điện thoại di động chuyên nghiệp, nhiều người ở TP HCM biết đến, nhất là giới kinh doanh điện thoại.

* Chọn đất khởi nghiệp

Cuối năm 2006, DDC gặp phải khó khăn, anh Thắng quyết định về TP Cần Thơ mở trung tâm và “khởi nghiệp” lại từ đầu. Thời điểm này, TP Cần Thơ gần như chưa có trung tâm đào tạo sửa điện thoại chuyên nghiệp, nên thành lập trung tâm tại đây sẽ có nhiều khả năng phát triển... Và Công ty DDC đã hình thành đặt tại số 67, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều, do Huỳnh Trần Bảo Thắng làm giám đốc.

Lúc đó, DDC là một trong những công ty đi đầu trong việc đào tạo nghề sửa điện thoại di động chuyên nghiệp tại TP Cần Thơ, nên nhanh chóng được nhiều người biết đến, số lượng học viên không ngừng tăng lên và được nhiều đơn vị liên kết đào tạo. Năm 2008, trung tâm kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đào tạo và cấp bằng cho học viên sửa điện thoại di động; năm 2010, chính thức mở lớp đào tạo sửa chữa laptop chuyên nghiệp; tháng 1 năm 2011, trung tâm kết hợp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, đào tạo nghề sửa điện thoại di động, laptop cho bộ đội xuất ngũ... Trước đó, đầu năm 2010, công ty DDC phát triển thêm chi nhánh đào tạo sửa điện thoại di động đặt tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Kế hoạch sắp tới, DDC sẽ liên kết với các trường đại học, cao đẳng phối hợp đào tạo 2 nghề thiết kế đồ họa và quản trị mạng.

Anh Thắng cho biết: “Công ty đã đào tạo được 111 lớp sửa điện thoại di động, 3 lớp sửa laptop. Hiện trung tâm có gần 20 nhân viên có bằng từ trung cấp đến đại học. Thu nhập các nhân viên cũng khá ổn định từ 3-10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc đào tạo, trung tâm còn quan tâm đáp ứng việc làm ổn định cho học viên khi lành nghề”. Theo anh Thắng, đào tạo nghề là hoạt động sư phạm, nên phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì vậy, anh luôn quan tâm đầu tư nâng cao, hoàn thiện chất lượng dịch vụ... Để có được trang thiết bị tốt phục vụ cho việc giảng dạy cũng như đáp ứng cho học viên khi lành nghề, anh sang tận các nước Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... mua hàng và học hỏi cách thức kinh doanh, giảng dạy về lĩnh vực điện tử...

Công ty DDC đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo nghề sửa chữa điện thoại, laptop tại TP Cần Thơ. Anh Thắng chia sẻ: “Thành công này chỉ là bước đầu, mình chỉ là thanh niên mới lập nghiệp nên còn rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm cần phải học và phấn đấu... Trong quá trình lập nghiệp có những lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ chùn bước...”.

Anh Thắng quan niệm: “Tuổi đời mỗi người đều có hạn nên khi còn trẻ, thanh niên phải có nhiều hoài bão, dám nghĩ dám làm nếu có thất bại cũng còn thời gian và nhiệt huyết để làm lại từ đầu. Nhưng quan trọng là phải biết khát khao làm chủ...”.

Bài, ảnh: NAM PHAN

Chia sẻ bài viết