08/04/2010 - 20:48

Chàng trai mê công tác xã hội

Nguyễn Trung Hậu đang tư vấn, hỗ trợ về thủ tục để làm giấy tờ tùy thân cho một em có hoàn cảnh đường phố.

Hình ảnh chàng trai trẻ, dáng người mảnh khảnh, ăn mặc gọn gàng ngồi trên chiếc cúp 50 rong ruổi khắp các con hẻm, khu vực được xem là “điểm nóng” về tệ nạn xã hội của trung tâm TP Cần Thơ, đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Kết quả những chuyến đi ấy là nhiều trẻ có hoàn cảnh đường phố có thêm cơ hội học tập, thực hiện những ước mơ của mình.

* Những công việc không tên

Buổi trưa đang cùng cả nhà ăn cơm, chuông điện thoại di động của Hậu reo liên tục. Đầu dây bên kia là giọng khẩn trương của chị phụ trách dân số quận Ninh Kiều: “Em chạy liền ra đây nhé! Chị vừa đem một thằng bé về ở chỗ chị”. Bỏ dở chén cơm, Hậu dẫn chiếc cúp 50 chạy thẳng ra quận Ninh Kiều. Cả nhà đã quá quen với những lúc như thế này của Hậu nên chỉ dặn dò cậu con trai út chạy xe cẩn thận.

Đến nơi, trước mắt Hậu là một bé trai khoảng 10 tuổi, mặt mũi lấm lem, ngồi co ro trên ghế. Hỏi câu gì cậu bé cũng không nói, dỗ dành một lúc em mới chịu theo Hậu về Dự án Bình Minh. Được tắm gội, thay bộ đồ sạch, ăn uống no bụng, cậu bé tươi tỉnh ra. Lúc này em mới chịu nói chuyện với Hậu. Cậu bé bị mẹ kế chửi mắng, đánh đập đến mức không chịu nổi nên bỏ nhà đi. Giờ thì em không còn nhớ đường về nhà. Ghi lại cẩn thận những chi tiết thằng bé kể về gia đình, Hậu đưa em đến Hội Từ thiện nhờ mấy cô ở mái ấm chăm sóc. Hậu về văn phòng dự án làm việc khi đồng hồ gần 13 giờ rưỡi.

Hôm đó trong giờ tan tầm, Hậu trên đường đi làm về, nhìn thấy một đứa bé ngồi khóc ở gần khu 3 Trường Đại học Cần Thơ (đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều). Cậu bé ôm cái túi nhỏ trong lòng, ngồi khóc tức tưởi trên vỉa hè. Đưa bé trai này vào quán nước hỏi chuyện, Hậu mới biết được trên đường đi bán, em bị giật hết vé số nên không dám về nhà vì sợ bị dì dượng la (cậu bé này được mẹ gửi cho dì dượng nuôi dưỡng). Được sự khích lệ, động viên của Hậu, em ngoan ngoãn ngồi sau xe để Hậu đưa về nhà dì dượng ở đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy. Sau khi nghe Hậu phân tích, lý giải sự việc, dì dượng thằng bé nhận ra việc hay la rầy của mình đã làm cho cháu sợ và hứa sẽ chăm sóc thằng bé tốt hơn. Hôm đó, trên đường về nhà, cảm giác ấm áp cứ len lỏi trong lòng Hậu. “Thì ra mang niềm vui đến cho người khác, bản thân mình cũng cảm thấy hạnh phúc”, Hậu nhủ thầm.

Đó là một phần công việc của Nguyễn Trung Hậu-giáo dục viên Dự án Bình Minh tại TP Cần Thơ. Bạn bè gặp cứ thắc mắc về công việc của Hậu, không biết làm nghề gì mà lúc nào cũng thấy Hậu bận rộn với những việc không tên. Trưa ở văn phòng dự án với cơm hộp, tranh thủ tìm tài liệu chuẩn bị chủ đề sinh hoạt kỹ năng sống định kỳ, lên kế hoạch chuyến dã ngoại cho trẻ của dự án. Buổi chiều, Hậu chạy xuống phường liên hệ làm giấy chứng minh nhân dân cho trẻ, đến gặp chủ cơ sở dạy nghề trò chuyện xin giảm học phí. Tối về, chàng trai trẻ này lại làm “trợ lý” cho cô giáo lớp học tình thương của dự án. Có lẽ vì lúc nào cũng tất bật với những công việc không tên như thế nên trông Hậu chững chạc hơn so với tuổi 23. Nụ cười luôn nở trên môi, lại có khiếu hài hước, tác phong nhanh nhẹn, là những nhận xét của các bạn đồng nghiệp dành cho Hậu. Trong các buổi sinh hoạt, hội nghị hay những hội thi dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người ta luôn thấy chàng trai trẻ này trong vai trò MC, hoạt náo viên với phong cách vui tươi, dí dỏm.

* Duyên nợ với trẻ đường phố

Hậu là con út trong gia đình có 5 anh chị em ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Tốt nghiệp lớp 12, gia đình quá khó khăn, Hậu đành gác ước mơ vào giảng đường đại học để đi làm công nhân với ý nghĩ sẽ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ và dành dụm tiền để học tiếp. Làm công nhân được gần một năm, Hậu được nhận vào làm nhân viên của Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em TP Cần Thơ (cũ). Thấy Hậu có khiếu trong các hoạt động, chương trình xã hội dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn nên lãnh đạo cơ quan đã giới thiệu Hậu đến phỏng vấn tại Dự án Bình Minh (Dự án Hội nhập xã hội nghề nghiệp cho trẻ có hoàn cảnh đường phố tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Hậu không đạt trong buổi phỏng vấn vì đơn vị tuyển dụng đòi hỏi chuyên môn khá cao, mà Hậu thì không có kinh nghiệm. Sau đó, một cán bộ ở dự án chuyển công tác, Hậu được dự án mời đến để làm việc. Hậu tâm sự: “Lúc đó tôi cũng không biết công việc của một giáo dục viên là như thế nào và làm gì. Tôi được tham gia các lớp tập huấn ở TP Hồ Chí Minh, cùng sự hướng dẫn tận tình của các anh, chị đồng nghiệp, tôi dần làm quen với công việc. Có những lần em cùng các bạn của dự án đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tư vấn học nghề cho các em, cha mẹ của các em không đồng ý mà còn phản ứng và bảo rằng chuyện con cái của họ để họ lo. Những lúc như thế tôi buồn lắm nhưng kiên trì, tiếp tục quay lại thuyết phục gia đình, đến khi phụ huynh các em hiểu và ủng hộ cho con em học nghề”.

Xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, cha Hậu thường xuyên xa nhà đi làm thợ hồ, mẹ là giáo viên tiểu học. Thuở nhỏ, anh chị em Hậu một buổi đi học, còn một buổi mấy anh chị em của Hậu phụ giúp mẹ bán khoai, bắp, bánh dạo. Hậu tâm sự: “Có lẽ sống trong điều kiện gia đình như thế nên tôi hiểu rõ và thông cảm với, thiệt thòi, thiếu thốn của các em có hoàn cảnh đường phố”. Hậu nhớ, đêm 30 Tết, gần 12 giờ đêm, Hậu nhận được điện thoại ở TP Hồ Chí Minh. Bên kia đầu dây là giọng nói của một thanh niên, đó là một bé trai trước đây được dự án hỗ trợ cho học nghề ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi có việc làm ổn định, cậu đã gọi điện về báo tin vui và cám ơn Hậu. Đêm giao thừa đón năm mới đó, Hậu cảm thật ấm áp và hạnh phúc. Hậu nói giọng xúc động: “Những lúc như thế, tôi thấy mình càng phải làm tốt việc quan tâm, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự chăm sóc của gia đình hơn nữa để các em được giáo dục, học hành trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội, góp phần làm giảm tệ nạn và gánh nặng cho xã hội”.

Nói về đồng nghiệp của mình, bạn Trần Thanh Thế, giáo dục viên Dự án Bình Minh, cho biết: “Trong công việc, Hậu không nề hà bất cứ chuyện gì, miễn sao giúp cho trẻ có cơ hội được chăm sóc, học tập tốt hơn. Mỗi khi đồng nghiệp gặp chuyện không vui, Hậu luôn là người được các bạn tìm tâm sự, nhờ tư vấn. Hiện tại, Hậu đang học đại học năm thứ 3 ngành Xã hội học tại Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ. Anh Trần Minh Hải, nhân viên của Tổ chức Terre des hommes Foundation Lausanne (Thụy Sĩ) tại Việt Nam, nói: “Hậu là một thanh niên hiền lành, có chí cầu tiến. Trong công việc, luôn chịu khó học hỏi. Điều đáng quý là Hậu rất quan tâm và nhiệt tình trong các hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đường phố. Tin rằng, trong tương lai, Hậu là một cán bộ làm công tác xã hội vững chuyên môn và là một tấm gương sáng để các bạn trẻ học tập”.

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Dự án Bình Minh đi vào hoạt động từ tháng 9-2006 trên cơ sở hợp tác giữa Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP Cần Thơ và Tổ chức Terre des hommes Foundation Lausanne (Thụy Sĩ). Mục tiêu của dự án là đến năm 2010 sẽ có 400 trẻ, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đường phố được hội nhập xã hội và nghề nghiệp thông qua các hoạt động: Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em học chữ và làm giấy tờ tùy thân; tư vấn, giới thiệu học nghề, việc làm cho các em tại các trung tâm hoặc các cơ sở dạy nghề; tổ chức vui chơi và sinh hoạt tập thể cho các em…


Chia sẻ bài viết