15/04/2009 - 21:03

Thực hiện cho vay chuyển đổi nghề

Chậm vì thủ tục !

Nhiều tháng qua, hàng trăm hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ cho vay chuyển đổi nghề đối với hộ hành nghề xe lôi, xe ba gác; hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đang nóng lòng chờ giải ngân. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, để đồng vốn đến được tay các hộ dân phải còn mất nhiều thời gian nữa, vì phải qua nhiều quy trình, thủ tục...

* Mòn mỏi đợi chờ!

Hơn nửa năm nay, kể từ khi chấp hành chủ trương cấm xe lôi, xe ba gác của thành phố, gia đình anh Nguyễn Văn Vũ, ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, đã phải xoay xở làm nhiều nghề, từ buôn bán nhỏ, chạy xe ôm... để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Dù có nhiều nỗ lực, nhưng cuộc sống gia đình anh vẫn chất chồng khó khăn, vì thiếu vốn. Đầu năm 2009, gia đình anh Vũ được UBND phường đưa vào danh sách đề nghị thành phố cho vay vốn chuyển đổi nghề theo chủ trương hỗ trợ cho vay chuyển đổi nghề đối với hộ hành nghề xe lôi, xe ba gác. Đã nhiều tháng trôi qua, gia đình anh Vũ và gần 40 hộ có tên trong danh sách ngóng đợi từng ngày, nhưng vẫn chưa nhận được “hồi âm”. Anh Vũ bộc bạch: “Nghe nói thành phố hỗ trợ cho vay chuyển đổi nghề, tui mừng lắm. Thế nhưng chờ hoài chẳng thấy, hỏi thăm khi nào mới được vay, thì cán bộ phường trả lời thẩm quyền cho vay là ở cấp trên”.

 Người dân đến liên hệ tìm hiểu thông tin cho vay vốn chuyển đổi nghề tại bộ phận tiếp dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với chủ trương hỗ trợ học nghề và việc làm cho người lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, mặc dù đã triển khai từ năm 2006 tại Chỉ thị 07/CT-UBND, nhưng hiện vẫn có nhiều hộ chưa biết chủ trương này để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết quyền lợi. Chị Đinh Thị Xuân, ở phường Hưng Phú (quận Cái Răng), thuộc diện giải tỏa “trắng” để xây dựng công trình bờ kè Xóm Chài. Số tiền đền bù giải tỏa chỉ đủ mua nền tái định cư, còn tiền xây nhà chị Xuân phải vay mượn. Ngay thời điểm đó, chồng chị lại qua đời. Chị Xuân dự định sẽ buôn bán nhỏ để kiếm tiền nuôi con ăn học, nhưng không có vốn, chị đành đi phụ bán cho một căn tin trường học. Khi được hỏi về chủ trương của thành phố cho các hộ vùng quy hoạch vay vốn để chuyển đổi nghề, chị Xuân nói: “Tôi có nghe thông tin, nhưng đến hỏi UBND phường thì cán bộ nói là chưa có văn bản chính thức nên chưa thực hiện, khi nào có sẽ cho hay. Đã hơn 2 năm rồi, tôi chờ mãi mà chẳng thấy được vay vốn”. Chị Xuân cho biết, trước đây khi chưa di dời để thực hiện quy hoạch, trên mảnh vườn hơn 500 mét vuông đất của gia đình, chị Xuân trồng rau cũng kiếm được từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng mỗi tháng.

* “Hành trình” thủ tục

Ngày 23-1-2008, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ban hành một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với xã viên hành nghề xe lôi, xe ba gác máy trên địa bàn thành phố. Mãi đến hơn 1 năm sau đó, ngày 20-2-2009, ông Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký ban hành Công văn 756/UBND-KT ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh TP Cần Thơ thực hiện cho vay các đối tượng chuyển đổi nghề đối với các hộ hành nghề xe lôi, xe ba gác; hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ (do thực hiện các dự án). Theo công văn này, UBND TP Cần Thơ sẽ chuyển 2 tỉ đồng từ ngân sách thành phố cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP Cần Thơ thực hiện cho vay đối với các đối tượng nói trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ vẫn chưa chính thức nhận được số tiền này!

Về rà soát lập danh sách, UBND thành phố giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn để phối hợp đơn vị liên quan lập thủ tục giải ngân theo quy định. Thế nhưng, đến nay Sở này chỉ mới trong quá trình tổng hợp danh sách từ danh sách của các địa phương gửi về. Bà Lâm Nhật Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định: “Các thủ tục từ chốt danh sách, đến giải ngân gồm nhiều công đoạn, nhiều ngành chức năng. Sở chỉ chịu trách nhiệm lập danh sách, còn thủ tục giải ngân như thế nào do Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh TP Cần Thơ phụ trách. Do đó, không thể khẳng định được thời điểm nào vốn vay sẽ đến tay người dân!”.

Ông Phan Hồng Nam, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Hộ vay vốn phải lập dự án vay vốn (theo mẫu) gửi cho hội, đoàn thể địa phương. Ngân hàng sẽ phối hợp tiến hành thẩm định dự án, nếu dự án khả thi, ngân hàng sẽ lập danh sách trình UBND quận, huyện ra quyết định phê duyệt danh sách vay vốn. Sau đó, người vay vốn sẽ lập giấy đề nghị vay vốn và ngân hàng sẽ cấp sổ vay vốn, để giải ngân trong vòng 7 ngày. “Tiến độ giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc lập dự án của người vay. Các thủ tục hành chính khác có liên quan đến nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng sẽ giải quyết theo đúng thời gian quy định của pháp luật” - ông Phan Hồng Nam nói.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, hiện nay thành phố có hơn 1.000 hộ hành nghề xe lôi, xe ba gác (trong đó có hơn 500 hộ không phải là xã viên hợp tác xã xe lôi, xe ba gác) có nhu cầu vay vốn chuyển đổi nghề, chủ yếu tập trung ở quận Ninh Kiều (315 hộ). Nếu cho vay theo mức 10 triệu đồng/hộ, thì chỉ riêng đối tượng này nguồn vốn đã lên đến 10 tỉ đồng, nhưng hiện tại thành phố mới chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ được 2 tỉ đồng (tương đương cho vay 200 hộ). Đó là chưa kể đến hàng ngàn hộ dân vùng quy hoạch phải chuyển đổi nghề do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ (mức vay bình quân 20 triệu đồng/hộ) nhiều năm nay chưa được triển khai cho vay, vì thành phố còn gặp khó khăn trong bố trí kinh phí.

Một khó khăn khác ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là thủ tục cấp kinh phí. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều, mặc dù chủ trương cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề được UBND thành phố ban hành từ năm 2008, nhưng khi giao chỉ tiêu kinh phí cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề lại rất thấp. Cụ thể số tiền vay vốn mà hộ hành nghề xe lôi, xe ba gác đăng ký vay chuyển đổi nghề hơn 3 tỉ đồng, nhưng kinh phí chỉ tiêu giao cho vay chỉ có 500 triệu đồng. Do đó, bắt buộc phải lập thủ tục điều chỉnh, mất nhiều thời gian và rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân.

Riêng về chủ trương hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ (cho vay bình quân 20 triệu đồng/hộ, thời hạn 3 năm, lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo 0,65%/tháng), đến nay chưa triển khai thực hiện. Bà Lâm Nhật Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Thời gian qua, thành phố chưa thực hiện chương trình cho vay vốn, hỗ trợ dạy nghề cho riêng đối tượng này, mà mới chỉ thực hiện lồng ghép chung trong chương trình hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm lao động ngoại thành. Sở cũng có chỉ đạo địa phương lập danh sách, nhưng chưa nộp danh sách về Sở, nên không biết người dân có nhu cầu vay vốn hay không, để hướng dẫn thủ tục cho vay”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết