18/12/2007 - 21:32

Hội thảo quốc tế “Chăm sóc và điều trị bàn tay không ngón ở bệnh nhân phong”

Bệnh nhân phong sẽ được chăm sóc toàn diện hơn

Đầu tháng 12-2007, Hội thảo quốc tế “Chăm sóc và điều trị bàn tay không ngón ở bệnh nhân phong” diễn ra tại TP Cần Thơ nhằm triển khai kỹ thuật mới cho đội ngũ y bác sĩ tại TP Cần Thơ và một số nước khác trên thế giới, đồng thời cung cấp thêm dụng cụ cho bệnh nhân bị di chứng của bệnh phong ở khu vực ĐBSCL. Hoạt động này giúp công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân phong ngày càng hoàn thiện hơn. Sau đây là ý kiến của một số bác sĩ chuyên khoa trong và ngoài nước về vấn đề này.

BÁC SĨ VŨ HỒNG THÁI, GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN DA LIỄU TP HỒ CHÍ MINH:

Giảm kỳ thị, phát hiện sớm, dễ điều trị khỏi bệnh

 Bác sĩ tham gia hội thảo được chuyển giao kỹ thuật mổ phục hồi chức năng cho bàn tay không ngón của bệnh nhân phong. Ảnh: K. LOAN 
Tôi không nắm chính xác số bệnh nhân phong trong cả nước nhưng có thể nói, so với thời điểm những năm 1980 hiện nay bệnh phong đã giảm đáng kể. Thống kê tại TP Hồ Chí Minh, năm 1988, có hơn 3.500 bệnh nhân phong đăng ký điều trị tại Bệnh viện Da liễu (BVDL) TP Hồ Chí Minh, trong đó, số phát hiện mới là 300 ca. Đến năm 2006, số phát hiện mới là 70 ca và hiện tại số tích lũy chỉ còn hơn 100 ca bệnh phong.

Ở khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh phong nhiều nhất, trong đó, tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận có số ca mắc bệnh phong đứng đầu khu vực; kế đến là khu vực miền Trung. Các tỉnh ở miền Bắc có số ca mắc bệnh phong ít, một số tỉnh đến vài năm mới phát hiện một ca bệnh mới.

Tùy theo thời điểm phát hiện, điều trị, bệnh nhân phong có thể gặp các di chứng từ nhẹ đến nặng: mất cảm giác ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mắt... mất ngón, chân lết (bàn chân rủ xuống), mắt thỏ (biến dạng, không nhắm mắt được), mù mắt... Hậu quả do bệnh phong để lại thật lớn lao. Người bệnh sinh hoạt khó khăn, có thể giảm hoặc mất khả năng lao động. Các di chứng để lại cho bệnh nhân phong đều đáng sợ. Đáng sợ nhất là dị hình để lại cho bệnh nhân làm mọi người xa lánh, gây tâm lý mặc cảm, tự cô lập mình ở bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay sự kỳ thị đối với bệnh nhân phong không còn nặng nề như trước đây nữa. Và bệnh nhân phong đã được điều trị cắt đứt nguồn lây cho cộng đồng.

Ở nước ta, phác đồ điều trị cho bệnh nhân phong đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Những bệnh phát hiện sớm sẽ được điều trị khỏi bệnh, có thể không để lại di chứng nào. Những di chứng nhẹ đã được phẫu thuật phục hồi chức năng cho bệnh nhân hoặc hướng dẫn bệnh nhân cách tự chăm sóc, giảm tàn tật. Những di chứng nhẹ ở bàn chân đã có đội phẫu thuật lưu động xuống tận các địa phương để phẫu thuật. Bệnh nhân bị mất bàn chân đã được lắp chân giả, hỗ trợ giày. Riêng đối với bệnh nhân bị di chứng dẫn đến bàn tay không ngón thì chưa được giải quyết. Một vài BVDL lớn chỉ mới triển khai phẫu thuật phục hồi chức năng nhưng chưa phổ biến.

BÁC SĨ BERNARD CHABAUD, CHUYÊN VIÊN PHẪU THUẬT CỦA TỔ CHỨC ORDRE DE MALTE FRANCE (OMF), GIÁM ĐỐC CHƯƠNG TRÌNH PHẪU THUẬT PHONG Ở VIỆT NAM:

Đúc kết kinh Nghiệm của Việt Nam để chăm sóc tốt bệnh nhân phong

Tổ chức OMF đang chuyển giao kỹ thuật mới giúp bệnh nhân phục hồi chức năng cho bàn tay không ngón (phẫu thuật tạo một khe giữa ngón tay cái và ngón trỏ giúp bệnh nhân có thể cầm, nắm... - PV). Sau hội thảo, kỹ thuật này sẽ được triển khai rộng rãi, phục vụ bệnh nhân phong ở Việt Nam cũng như một số nước tham dự hội thảo này như: Lào, Campuchia, Madagascar... Ngoài ra, những bệnh nhân có bàn tay không thể phục hồi hoặc không muốn phẫu thuật sẽ được hỗ trợ dụng cụ để có thể cầm, nắm, viết, chạy xe...

Một vấn đề cũng được đặt ra tại hội thảo là mong muốn mọi người hiểu về bàn tay không ngón và khả năng hồi phục sau phẫu thuật. Tổ chức OMF muốn thông tin để bệnh nhân hiểu rằng bàn tay không ngón sẽ không bị tàn phế. Chúng tôi muốn hỗ trợ những bệnh nhân tàn tật biết cách phòng tránh tình trạng tàn tật nặng hơn. Chúng tôi mong muốn bệnh nhân hiểu bệnh lý của mình, biết cách tự cải thiện tình trạng, không mặc cảm mà hòa nhập với cộng đồng.

So với các quốc gia mà tôi đã từng biết như Lào, Campuchia, Madagascar... thì mô hình phòng chống, chăm sóc, điều trị bệnh phong ở Việt Nam tốt hơn nhiều. Bệnh nhân phong ở Việt Nam được chăm sóc rất tốt. Ở các quốc gia khác mà tôi đã biết, bệnh nhân phong chưa được chăm sóc tốt. Đây cũng là thành quả của hơn 18 năm hợp tác chăm sóc bệnh nhân phong giữa Tổ chức OMF và Việt Nam. Cái còn sót lại từ trước đến nay là bàn tay không ngón và hội thảo sẽ giải quyết vấn đề này.

Hội thảo này, chúng tôi đã mời đồng nghiệp ở các quốc gia Lào, Campuchia, Madagascar là để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tàn phế trên bàn tay không ngón. Mong rằng hội thảo kết thúc, đồng nghiệp tại các quốc gia khác sẽ nắm được kỹ thuật mới và đúc kết được kinh nghiệm từ mô hình của Việt Nam để có định hướng chăm sóc tốt cho bệnh nhân phong ở quốc gia họ. Tôi hy vọng tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc tốt.

BÁC SĨ LÊ QUANG VÕ, GIÁM ĐỐC BVDL TP CẦN THƠ:

Không để bệnh nhân phong bị tàn tật

Phẫu thuật phục hồi chức năng cho bàn tay không ngón sẽ được triển khai rộng rãi trong cả nước. Trong đó, BVDL Cần Thơ sẽ phẫu thuật cho bệnh nhân phong ở tại TP Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL. Dịp này, Tổ chức OMF không chỉ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ mà còn hỗ trợ máy móc, sửa chữa nâng cấp phòng giày cho bệnh viện và cung cấp dụng cụ giúp bệnh nhân phục hồi chức năng. Tổng kinh phí mà Tổ chức OMF tài trợ cho BVDL TP Cần Thơ đợt này khoảng 80.000 USD. Ngoài ra, chương trình chống phong Cần Thơ còn được một số tổ chức khác giúp đỡ. Qua đó, tất cả bệnh nhân phong đến với chúng tôi sẽ được điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ hỗ trợ... miễn phí hoàn toàn.

Đó là những điều kiện thuận lợi để chúng tôi làm tốt công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân phong. Trên thực tế, từ năm 2006 đến nay, TP Cần Thơ không có trường hợp bệnh nhân phong mới bị tàn phế. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực giúp những bệnh nhân bị di chứng dẫn đến tàn tật trước đây phục hồi chức năng. Điều quan trọng là không để có thêm bệnh nhân phong bị tàn tật. Điều này không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật điều trị, chăm sóc mà còn đòi hỏi chúng tôi phải có mạng lưới cán bộ chống phong phủ khắp. TP Cần Thơ đã có mạng lưới chống phong khá tốt.

SONG KIM (lược ghi)

Chia sẻ bài viết