01/06/2009 - 08:47

Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6

Ấm áp vòng tay cộng đồng...

Trẻ em như búp, như mầm, cần được săn sóc, thương yêu! Nhưng cuộc sống hiện nay vẫn còn biết bao trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, sớm lăn lộn kiếm sống. Nhằm chia sẻ, bù đắp phần nào thiệt thòi của các em, thời gian qua, nhiều câu lạc bộ “Vì trẻ em”, “Tuổi hồng”, “Hoa hồng nhỏ”... đã được thành lập, là nơi các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học hành, vui chơi. Từ tình thương, sự dìu dắt của các thầy, cô, các anh, chị đoàn viên thanh niên, nơi đây đã trở thành mái ấm, là điểm tựa để những cánh chim non vững bước vào đời...

Chúng tôi có mặt tại Câu lạc bộ (CLB)”Trẻ em địa bàn dân cư” xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, vào một ngày cuối tuần của tháng năm. Khuôn viên rộng rãi của Thánh Tịnh Thiên Trước tràn ngập trong tiếng cười, nói rộn rã của hơn 30 em có hoàn cảnh khó khăn. Những chiếc áo trắng ngả màu, những mái tóc hoe vàng khét nắng cùng gặp nhau ở sự say mê, háo hức với những trò chơi dân gian, cùng siết chặt tay nhau, cất cao giọng hát “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” như quên hết những nhọc nhằn trong cuộc sống. Nhìn các em vui đùa, múa hát, anh Huỳnh Hữu Thông, Phó Bí thư Huyện Đoàn Thới Lai, Chủ tịch Hội Đồng Đội huyện, bộc bạch: “Nhằm giúp các em học sinh nghèo, trẻ em lao động sớm có điều kiện được học tập, vui chơi, nhiều năm qua Huyện Đoàn đã chỉ đạo Xã đoàn Tân Thạnh (Thới Thạnh trước đây) thành lập CLB “trẻ em trên địa bàn dân cư”. Do không có cơ sở vật chất, kinh phí thiếu thốn, những năm đầu CLB hoạt động rất khó khăn. Thời gian gần đây, được các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, Thánh Tịnh Thiên Trước cho CLB mượn điểm sinh hoạt, nhờ vậy CLB luôn duy trì sinh hoạt vào ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần...”.

Các đoàn viên thanh niên phường An Hòa, quận Ninh Kiều, chuẩn bị các phần quà tặng cho các em thiếu nhi nhân ngày 1-6. Ảnh: NGỌC QUYÊN 

Anh Thông vẫn nhớ in những khó khăn trong thời gian đầu mới thành lập CLB. Các em tham gia CLB có nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh, tâm sinh lý khác nhau, nhưng đa số đều phải lao động trước tuổi, sớm gánh trên vai những lo toan cơm áo gạo tiền. Sự va chạm, tranh giành trong cuộc mưu sinh khiến các em chai lì, ương bướng, khó dạy. Vào CLB, em thì chửi thề, em thì hay ăn hiếp các bạn. “Chỉ có tình thương yêu thật sự mới cảm hóa được các em”- Từ phương châm này, hơn 5 năm thành lập CLB là ngần ấy thời gian các cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) địa phương đến từng gia đình vận động các em tham gia CLB, vận động các đoàn thể các cấp, các cá nhân có lòng hảo tâm hỗ trợ cho các em tập, sách, quần, áo... Nhiều giáo viên của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn cũng đã tình nguyện dạy thêm, giúp các em củng cố kiến thức đã học trên lớp. Cô Thùy Trang, giáo viên Trường THCS Đông Hiệp, nhiều năm gắn bó với hoạt động tình nguyện dạy học cho các em ở CLB, tâm sự: “Nhiều khi xong việc giảng dạy ở trường thì đã tối, không kịp cơm nước, tôi vội vã đến CLB. Bởi khi nhìn những mái tóc vàng hoe, những gương mặt sạm nắng, những đôi bàn tay chai sần nắn nót từng nét chữ, nhẩm từng con số, tôi cảm thấy mình như có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn...”.

Cùng với việc hỗ trợ cho các em có nơi vui chơi giải trí, học tập, ông Nguyễn Duy Ri, Ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ huyện Thới Lai, Tổng thư ký Ban Cai quản Thánh Tịnh Thiên Trước, còn vận động các mạnh thường quân mua 14 chiếc máy vi tính, dạy tin học miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Khi chúng tôi đến CLB, em Phạm Hoàng Nhân, học sinh Trường THCS Thới Thạnh, đã ngồi bên chiếc máy vi tính. Nhân trình bày khá thành thạo một văn bản với bài thơ ca ngợi công ơn thầy cô giáo. Nghe các thầy cô, khen “giỏi”, Nhân luôn miệng cười. Mồ côi mẹ từ nhỏ, hàng ngày cha Nhân làm mướn nuôi Nhân, cuộc sống của hai cha con quanh năm luôn thiếu thốn, khó khăn. Nhân kể: “Từ khi vào CLB, các anh chị ĐVTN đã cho em rất nhiều quần áo, tập sách, các thầy cô giúp em ôn lại kiến thức các môn văn, toán. Nhờ vậy em luôn làm bài tốt. Giờ được học thêm môn tin học, em vui lắm”.

 Các em trong CLB “Trẻ em địa bàn dân cư” xã Tân Thuận, huyện Thới Lai đang học vi tính. Ảnh: H.THU 

Cùng với mô hình CLB “Trẻ em trên địa bàn dân cư”, hiện thành phố Cần Thơ đã thành lập hàng trăm đội thanh niên tình nguyện “Vì trẻ em”, nhằm tập hợp, tuyên truyền giáo dục thiếu nhi trên địa bàn dân cư, giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được học tập, vui chơi. Lần sâu trong con hẻm nhỏ, quanh co, chúng tôi ghé nhà em Trần Ngọc Giàu (9 tuổi) ở khu vực 3, phường An Hòa, đúng vào lúc em vừa đi học về. Giàu sung sướng sà vào lòng mẹ, ríu rít khoe tấm giấy khen học sinh tiên tiến. Chị Trương Ngọc Mai - mẹ Giàu, lau vội đôi bàn tay lem luốt, đỡ lấy tấm giấy khen, nước mắt chợt rưng rưng: “Hai năm rồi, cha của Giàu bị bệnh không làm được việc nặng, nên cuộc sống gia đình tôi càng lúc càng khó khăn. Nhiều lần tôi định cho Giàu nghỉ học để đỡ đần việc nhà, nhưng nhờ các cô chú ở khu vực, nhất là cháu ĐVTN đến động viên, lo các thủ tục để Giàu được miễn các khoản đóng tiền trường, Giàu mới được đi học như hôm nay”. Cũng có hoàn cảnh khó khăn như Giàu là em Nguyễn Phương Linh (học lớp 4, ở khu vực 4, phường An Hòa, quận Ninh Kiều). Cha bỏ đi khi Linh còn trong bụng mẹ. Năm 4 tuổi, mẹ bước thêm bước nữa, để em ở với bà cóc. Trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, tài sản quí giá của hai bà cháu chỉ có vài bộ quần áo, vài cái chén, dĩa... tất cả đều của mọi người cho. Bà của Linh kể: “Nhờ có tiền lương hưu của tôi và tiền bảo trợ xã hội của Linh mà hai bà cháu thuê được nhà trọ để ở. Cháu Linh đi học không phải tốn tiền gì hết. Những ngày lễ, tết, bà cháu tôi đều được các cán bộ khu vực, phường đến thăm, tặng gạo, quần áo, bánh... Năm nào cũng vậy, chuẩn bị nhập học là Linh được các cháu ĐVTN đến tặng tập, sách, viết. Bà cháu tôi cảm ơn những tình cảm chân thành của mọi người”.

Hiện nay, 5 chi đoàn khu vực trong phường An Hòa đã thành lập các CLB “Con cháu hiếu thảo”, “tuổi hồng”, “Hoa hồng nhỏ”, tập hợp các em đến sinh hoạt, vui chơi. Chị Phạm Thị Ninh Thu, Bí thư Đoàn phường An Hòa, kể: “Mỗi kỳ sinh hoạt, bên cạnh việc dạy những bài hát, múa truyền thống, tạo điều kiện cho các em vui chơi, các CLB còn chú trọng tuyên truyền Luật An toàn giao thông đường bộ, phát động phong trào học tốt, “Hoa điểm 10”, kỹ năng giao tiếp... Qua đó, nhằm giáo dục các em về đạo đức, lòng yêu quê hương đất nước, ý thức tôn trọng pháp luật, để các em phấn đấu học tập, lao động tốt, trở thành người công dân có ích cho mai sau. Năm 2008, các hoạt động của Đoàn phường đã thu hút hơn 1.500 em tham gia. ĐVTN phường cũng đã vận động, trao 4 suất học bổng và tặng 602 quyển tập, 163 phần quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Chúng tôi ghé thăm Nhà Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa. Thấy chúng tôi, cháu Lê Thanh Bình, một trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây, vội khoanh tay, cúi đầu lễ phép chào khách. Ba bỏ đi khi em còn nhỏ, sau đó mẹ có chồng khác nên Bình phải sống dựa vào người dì. Cuộc sống quá khó khăn nên cuối cùng dì của Bình phải gửi em vào đây. Theo cô Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Nhà Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa, để Bình vơi đi mặc cảm, những năm qua, các nhân viên của Nhà Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa đã ân cần chăm sóc cho Bình từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy cho Bình những điều hay lẽ phải, tạo điều kiện để Bình tiếp tục đến trường. Từ một cậu bé nhút nhát, 7 năm trôi qua, Bình ngày càng trưởng thành, ngoan ngoãn và lễ phép với mọi người. Bình kể: “Ở đây vui lắm, khi còn nhỏ, sợ con đi lạc đường nên khi đi học đều được các cô, chú cho người đưa rước hàng ngày. Các cô chú hứa khi nào lớn con sẽ học nghề. Bây giờ, ngoài giờ học, con còn phụ giúp các cô nấu cơm, chăm sóc cây trong vườn. Con sẽ cố gắng ngoan, học tập tốt để luôn được ở trong mái ấm tình thương này, muốn ở đây với các cô chú hoài luôn”. Không riêng Bình, nhiều trẻ mồ côi, có hoàn cảnh thương tâm đã được Nhà Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa cưu mang, nuôi nấng, dạy dỗ các cháu nên người. Từ khi thành lập đến nay, Ban Giám đốc Nhà nuôi dưỡng đã nhận nuôi 22 cháu, mỗi cháu lớn lên đều được học nghề, giới thiệu việc làm. Cô Nguyễn Thị Nhung bộc bạch: “Mỗi cháu vào đây đều mỗi cảnh khác nhau. Chính tình yêu thương của các nhà hảo tâm đã giúp cho các cháu vượt qua mặc cảm số phận bị bỏ rơi mà yên tâm học tập, trưởng thành. Thấy các cháu tự lo được cho cuộc sống bản thân mình là niềm vui của chúng tôi”...

Cũng như ngày 1-6 hàng năm, các thầy, cô, ĐVTN ở các cơ sở Đoàn trong thành phố lại nỗ lực đi vận động kinh phí để các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được một ngày Quốc tế thiếu nhi vui tươi trọn vẹn, khi bước vào năm học mới các em sẽ có được tập sách, quần áo mới như bạn bè cùng trang lứa. Hy vọng những nỗ lực đó sẽ chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các em có hoàn cảnh khó khăn ngày càng được bay cao, bay xa hơn trong cuộc sống...

SỸ KHANG- THANH THY

Chia sẻ bài viết