22/11/2012 - 21:40

20 năm khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên

Ngày 22-11, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2012) người có công lớn trong việc chỉ đạo khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên, tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học "20 năm khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên".

Qua hơn 20 năm khai thác, phát triển vùng TGLX với thế mạnh là lúa và thủy sản đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh lương thực cả nước và xây dựng thế mạnh lớn trong nuôi trồng thủy sản. Từ năm 1988, sản lượng lương thực vùng TGLX khoảng 600 ngàn tấn, năng suất cao nhất khoảng 2 tấn/ha. Đến năm 2011, sản lượng lúa gạo nơi đây đạt 4,73 triệu tấn, chiếm 61% diện tích và hơn 20% sản lượng lúa cả vùng ĐBSCL. Kết quả này nhờ vùng đã phát triển mạnh mẽ trồng lúa ba vụ/năm; đẩy mạnh khai thác kinh tế… Từ đó đời sống nhân dân vùng TGLX ngày một phát triển, công tác xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu khá khả quan. Thời gian qua, công tác giáo dục, đào tạo vùng TGLX cũng được quan tâm với hệ thống kiên cố hóa trường lớp với 1.019 trường học các cấp, trên 236 ngàn học sinh; vùng đã xóa hẳn tình trạng mù chữ và đạt "3 phổ cập" về giáo dục… Giai đoạn tiếp theo, dự báo vùng TGLX sẽ gặp nhiều thách thức. Trong đó vấn đề biến đổi khí hậu và khả năng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng do tình trạng nước biển dâng; áp lực về nguồn nhân lực trong nông thôn đang gia tăng... Từ nay đến 2020, vùng TGLX tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy hải sản và chăn nuôi; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, nâng cao giá trị các sản phẩm nông thủy sản, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 7%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 4%. Từ đó từng bước nâng mức cạnh tranh hàng hóa, xây dựng một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu gắn với chế biến và tiêu thụ nhất là hai mặt hàng thế mạnh lúa gạo và con tôm...

Định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo, các đại biểu tham dự Hội thảo nhận định việc phát triển vùng TGLX chẳng những có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia (nhiều cửa khẩu, đường biên giới dài tiếp giáp nước bạn Campuchia). Do vậy, Đảng, Nhà nước cần có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhiều hơn cho vùng; cần ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho vùng. Đặc biệt, từ nay đến năm 2015, cấp thiết đầu tư cho vùng hệ thống giao thông nội vùng, liên vùng nhằm tạo thế liên hoàn trong giao thông bộ - thủy do hệ thống giao thông toàn vùng hiện rất kém...

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết