27/12/2015 - 16:54

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Bệnh viện Hữu nghị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam

(TTXVN)- Ngày 27-12, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự, chung vui cùng hơn 800 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị. Cùng tham dự buổi lễ còn có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố đã tới dự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm một bệnh nhân đang điều trị tại BV Hữu Nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam (Chinhphu.vn)

Bệnh viện Hữu nghị được thành lập ngày 28-3-1958 trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô và Bệnh viện 303, lấy tên là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, đến năm 1994 đổi tên thành Bệnh viện Hữu nghị. Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã lớn mạnh và phát triển không ngừng, trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của cán bộ trung - cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là địa chỉ tin cậy của nhân dân khu vực Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Uy tín và thương hiệu của Bệnh viện ngày càng được khẳng định.

Trong 10 năm qua, Bệnh viện được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho gần 1.000 cán bộ cao cấp. Với vai trò là đơn vị chủ lực phục vụ y tế, bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức phục vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác y tế các Hội nghị của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, tôn giáo lớn của cả nước, các đoàn khách, các vị nguyên thủ các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bệnh viện Hữu nghị là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới, hiện đại tiên tiến tại Việt Nam trong khám, chữa bệnh và quản lý Bệnh viện, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, hội chẩn, chẩn đoán bệnh. Năm 2015, Bệnh viện Hữu nghị được Bộ Y tế chọn làm thí điểm xây dựng mô hình "Bệnh viện không phim" đầu tiên trong cả nước; là 1 trong 3 bệnh viện đầu tiên trong cả nước triển khai pha chế tập trung hóa chất điều trị ung thư đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và độ an toàn cao.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; đồng thời đánh giá cao tâm sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ Bệnh viện đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước cho tập thể cán bộ Bệnh viện Hữu nghị; trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể: Khoa Tim mạch và Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Hữu nghị. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã tặng bằng khen, giấy khen cho nhiều tập thể, cá nhân của Bệnh viện.

* Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trọng thể ngày 27-12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và trao danh hiệu cao quý này cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.

Chúc mừng và biểu dương những thành tích mà tập thể Nhà hát đạt được trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Danh hiệu Anh hùng Lao động được Chủ tịch nước trao tặng dịp này thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến nghệ thuật của Nhà hát trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, để Nhà hát ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với danh hiệu cao quý vừa nhận được, Nhà hát cần tiếp tục xây dựng tác phẩm, chương trình nghệ thuật mới giàu nội dung, đa dạng phong cách thể hiện, phản ánh chân thực cuộc sống, bản sắc văn hóa, tâm hồn người Việt Nam; tuyên truyền giới thiệu rộng rãi hơn nữa các chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao đến với nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ, khán giả nước ngoài. Nhà hát cũng cần tiếp tục phấn đấu tạo phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn khán giả; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống văn nghệ sĩ, xứng đáng là đơn vị nghệ thuật hàng đầu cả nước về ca, múa, nhạc.

Khởi đầu từ Đoàn Ca, Múa, Nhạc nhẹ Trung ương với 15 cán bộ, nghệ sĩ; đến nay Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam đã trưởng thành với 140 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn vững vàng. Trong những năm qua, Nhà hát đã tổ chức nhiều chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào trên khắp mọi miền đất nước và trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật có uy tín, danh tiếng hàng đầu trong cả nước.

Nhà hát đã làm tốt công tác sưu tầm, nâng cao và phát triển nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc đi đôi với tiếp thu, học hỏi những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca múa nhạc đương đại thế giới.

Từ năm 2009, Nhà hát là đơn vị nghệ thuật công lập đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đến nay, doanh thu hàng năm của Nhà hát đạt trên 40 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra trên 400%. Thu nhập của cán bộ, nghệ sĩ đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi thực hiện tự chủ… Trên cơ sở đó, Nhà hát đã tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, không ngừng vươn lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đề ra, lập nhiều thành tích trong việc sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ bài viết