15/01/2008 - 22:32

Cấm xe lôi, xe ba gác

Phương tiện nào thay thế?

Quy định cấm các loại xe tự chế 3, 4 bánh lưu hành đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2008. Nhưng trước nhu cầu bức xúc của người dân, UBND thành phố đã ban hành công văn gia hạn cho các loại xe ba gác đạp, xe đẩy, xe thô sơ hoạt động thêm 6 tháng (từ ngày 1-1-2008 đến ngày 30-6-2008) trên một số tuyến đường. Nhiều người dân đang băn khoăn: Tới đây, phương tiện nào có thể thay thế xe lôi, xe ba gác, trong khi nhiều phương tiện chuyên chở khác khó có thể lưu hành trên tuyến đường, con hẻm nhỏ?

Bức xúc!

Nhiều người chạy xe ba gác đã đến xem nơi trưng bày xe mô tô tải ba bánh của Doanh nghiệp tư nhân Chính Giang (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Hai chiếc xe trưng bày được họ săm soi, nghiên cứu. Anh Linh, nhà ở gần cầu Đầu Sấu, hàng ngày vẫn chạy xe ba gác chở cửa sắt, cho biết: “Mấy bữa nay, mấy chỗ “mối” thuê chở hàng cứ gọi điện kêu chạy hoài nhưng tôi đâu dám chạy. Bây giờ chỉ ở nhà chạy xe honda ôm, làm thêm kệ phía sau xe chở hàng lặt vặt kiếm tiền sống đỡ qua ngày. Hay tin có chiếc xe ba bánh mới nhập về, tôi tới coi thử. Chắc cũng phải cố vay mượn mua một chiếc chứ không thì sống bằng gì!”. Anh Hận, ở đường Trần Hoàng Na, ngắm nghía chiếc xe rất kỹ, nhưng vẫn phân vân: “Xe nhìn cũng được, nhưng không biết chính xác Nhà nước có cho lưu hành chưa? Lỡ mua mà Nhà nước không cho chạy hay chạy vài năm lại bị cấm thì mệt lắm. Xe này giá cỡ 40 triệu chứ đâu có ít”.

Xe mô tô tải thay thế xe ba gác đang thu hút sự quan tâm của những người từng chạy xe ba gác.

Anh Hơn, ở Vị Thủy, Hậu Giang, leo lên xe ngồi thử, rồi lại bước xuống ngắm nghía gầm xe, dỡ ben chiếc xe lên. Nhiều người cùng xúm lại bàn tán. Người thì cho rằng thùng xe chở cỡ 500kg cũng được. Người thì thắc mắc, xe này vào hẻm rồi sao quay đầu? Rồi đám đông cùng trao đổi về mức độ “ăn xăng” của chiếc xe, còn xe nào khác ngoài chiếc này có thể thay thế tốt hơn... Chiếc xe tuk - tuk (tương tự như chiếc xe lam) cũng được những người từng chạy xe ba gác nhắc đến. Có người cho rằng chiếc này chở hàng được nhiều, nhưng mức độ hao hụt xăng rất dữ, chạy không lời bao nhiêu. Anh Hơn chạy xe ba gác hàng ngày chở hàng thuê nuôi cả gia đình 5 miệng ăn, vậy mà nay phải “ở không”, không biết phải làm gì để có tiền chi tiêu cho cả nhà. Chị Nhãn (vợ anh Hơn) nói: “Hay tin có xe thay thế phải coi liền, nếu được thì bằng mọi cách phải kiếm tiền mua, chứ cả tuần nay cả nhà phải “bóp mồm, bóp miệng” dữ lắm rồi. Tụi nhỏ còn phải đi học nữa... Nhưng chưa biết Nhà nước cho xe này chạy không!”.

Giới chạy xe ba gác, bây giờ chỉ còn biết trông mong có thể kiếm đủ tiền mua chiếc xe mô tô tải ba bánh hoặc chiếc tuk - tuk chạy. Vì để có một xe tải nhẹ phải mất thời gian học bằng lái và số tiền đầu tư vào loại xe này khá lớn, trong khi gia đình họ đang phải chạy ăn từng bữa. Chị Nhãn cho biết thêm: “Tôi cũng đã đến tìm hiểu việc học bằng lái xe tải, chồng tôi mà học phải đóng một số tiền lớn, mất đến 6 tháng học thì ai làm nuôi gia đình?”.

Không chỉ giới chạy xe ba gác mới bức xúc về xe thay thế, mà ngay cả những người dân tưởng chừng không liên quan nhưng cũng phải khổ sở. Bà Năm ở phường An Khánh, xây dựng thêm cái bếp phía sau nhà. Nhưng cái bếp sắp hoàn thành đang chờ cát tô thì ngày cấm xe ba, bốn bánh tự chế đến. Bây giờ, bà đi mua cát, xi măng ở khắp nơi cũng không ai bán vì nhà bà ở trong hẻm quá nhỏ, xe tải nhẹ không thể vào được. Anh Minh, chủ một cơ sở hàn tiện ở đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết: “Cơ sở của tôi có khi người ta thuê làm một cửa lớn, hoặc hai ba cửa sổ. Mỗi khi giao hàng, tôi chỉ cần thuê xe ba gác, bây giờ phải thuê xe tải chi phí tăng lên nhiều lần, có khi gần tôi cho đẩy xe tay đi giao hàng để giảm chi phí”.

Để thị trường tự điều chỉnh?

Trước nhu cầu cần loại xe thay thế cho phù hợp với tình hình của nhiều địa phương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn, công điện chỉ đạo về việc sản xuất xe, lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành xe ba bánh, xe cơ giới dùng cho người khuyết tật. Theo đó, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và đăng ký cấp biển số trước khi tham gia giao thông. Tuy nhiên Chính phủ cũng quy định không cho phép đăng ký và lưu hành xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh để vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nội thành, nội thị (trừ xe của quân đội, lực lượng công an và xe cơ giới dùng cho người khuyết tật).

Chi phí thuê xe tải nhẹ tăng cao, người dân đành phải chở hàng bằng xe kéo.

Quy định là như vậy, nhưng “số phận” các loại xe mô tô tải 3 bánh hiện đang được trưng bày ở một số cửa hàng bán xe ở TP Cần Thơ chuẩn bị tung ra thị trường thì chưa biết đi về đâu. Doanh nghiệp tư nhân Chính Giang mặc dù nhập xe mô tô tải 3 bánh về trưng bày nhưng đến nay các thủ tục đăng ký, đăng kiểm và quy định về việc cho lưu hành như thế nào vẫn chưa nắm rõ để tư vấn cho khách hàng. Còn nhân viên Cửa hàng mua bán xe gắn máy Yamaha ở đường Trần Văn Khéo thì cho biết: “Đang thăm dò nhu cầu của người dân, cửa hàng chuẩn bị nhập về 10 xe mô tô tải ba bánh, đã có 2 người đặt hàng”.

Nhu cầu người dân bức xúc là thế, nhưng việc cho phép loại xe này lưu thông, việc đăng ký, đăng kiểm như thế nào vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông công chính TP Cần Thơ, cho biết: “Việc cấm xe ba, bốn bánh tự chế, Cần Thơ đã có lộ trình từ năm 2004. Tuy nhiên, việc để có xe thay thế thì do thị trường tự điều chỉnh. Chúng tôi với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chỉ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, một số doanh nghiệp vận tải thấy được nhu cầu này đã đầu tư xe tải nhẹ. Một số cá nhân sử dụng xe du lịch đến 20 năm thì theo quy định được cải tạo thành xe chở hàng và lưu hành trong 5 năm nữa. Còn đối với xe Hoa Lâm (xe mô tô tải 3 bánh) theo ý kiến riêng của tôi là loại xe này chẳng khác gì xe ba gác của chúng ta đã cấm nên cho lưu hành cũng không đảm bảo an toàn. Vừa qua có một số người đến hỏi cho phép lưu hành loại xe này, chúng tôi yêu cầu gởi mẫu để trình cấp trên xin ý kiến”.

Thượng tá Huỳnh Đấu Tranh, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Xe mô tô tải 3 bánh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chính phủ, có đầy đủ giấy tờ hải quan, đăng kiểm... thì chúng tôi sẵn sàng cho đăng ký theo đúng quy định. Nhưng loại xe này không được lưu hành trong nội thành, nội thị”.

Nhu cầu vận chuyển của người dân và cả nhu cầu mưu sinh của những người chạy xe lôi, xe ba gác đang rất bức xúc, cần có một loại phương tiện thay thế. Nhưng các văn bản quy định loại xe ba bánh được lưu hành vẫn còn chung chung, chưa có quy định cụ thể làm các cơ quan chức năng lúng túng, còn người dân thì thấp thỏm chờ.

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết