25/02/2008 - 11:49

Nỗ lực nuôi dạy con nên người

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục và nâng đỡ con người trong suốt cuộc đời, là môi trường hình thành và phát triển nhân cách mỗi cá nhân. Để làm được điều ấy, nhiều bậc làm cha mẹ đã chịu nhiều hy sinh, vất vả, trong việc nuôi dạy các con để con mình có đủ kiến thức, bản lĩnh vững bước vào đời, như trường hợp gia đình ông Nguyễn Kiệt, ở thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Là một trong 100 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học cấp huyện và thành phố có từ 1-3 người con vào đại học, gia đình ông Kiệt có 3 người con đang học các chuyên khoa: Y dược, Y khoa và Nha khoa thuộc Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

 Gia đình ông Kiệt chụp ảnh lưu niệm trong ngày cô Nguyễn Thị Mỹ Hiền nhận học bổng Odon Vallet khu vực phía Nam lần thứ V, tại
TP Hồ Chí Minh.

Gian phòng khách nhà ông Kiệt trưng bày hình ảnh, giấy khen, học bổng và các giải thưởng biểu dương gia tộc Nguyễn Ngọc với đầy đủ tên tuổi các con ông từ lớn đến nhỏ. Ông Kiệt nói: “Năm 2005, khi được công nhận gia đình đạt chuẩn gia đình hiếu học, gia đình dòng tộc của tôi cũng thành lập gia tộc Nguyễn Ngọc”. Gia đình ông Kiệt có 4 người con. Bà Nguyễn Thị Kiều Nga (vợ ông Kiệt) bộc bạch: “Chúng tôi rất phấn khởi vì các cháu ngoan hiền, học hành chăm chỉ. Hiện nay, cháu Nguyễn Quang Hiền đang học năm cuối chuyên khoa Dược của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Phú Hiền, là sinh viên năm thứ 5 chuyên khoa Răng hàm mặt và cháu Nguyễn Thị Mỹ Hiền đang học năm thứ 3, chuyên khoa Dược, còn đứa đang ở gia đình. Ở một huyện vùng xa của TP Cần Thơ, việc lo cho một đứa con vào đại học đã là khó, vợ chồng tôi từ hai bàn tay trắng nỗ lực để lo cho các con có ngày hôm nay là cả quá trình đầy gian khổ, giờ nhớ lại mới thấy giật mình”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 9 anh chị em, rất nghèo tại Sa Đéc (Đồng Tháp), ông Kiệt đã trải qua bao gian truân, vất vả làm đủ mọi nghề để lo cuộc sống gia đình. Năm 1975, trong chuyến đi cùng chủ nhà đến Kênh F, xã Thạnh An, huyện Thốt Nốt (nay thuộc thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để kéo lúa mướn (kéo bằng trâu, làm thuê cho chủ nhà), ông Kiệt phải lòng một phụ nữ ở địa phương. Ông cưới vợ, rồi 4 đứa con lần lượt chào đời. Cần Thơ trở thành quê hương thứ hai của ông.

Trong gia đình, vợ chồng ông Kiệt dạy con rất nghiêm khắc nhưng dịu ngọt, không đánh dập, chửi mắng to tiếng... Mỗi khi con phạm lỗi, vợ chồng ông thường phân tích thiệt hơn, dạy cho con hiểu điều hay lẽ phải, đưa ra những tấm gương tốt, kể cả cách đi đứng, ăn nói... để các con học hỏi. Bằng chính lối sống mẫu mực của mình, ông Kiệt rất chú trọng việc rèn tính tự học, giúp con tự tin vững bước vào đời. Xuất thân từ cảnh nghèo khó, vợ chồng ông Kiệt khẳng định tài sản để lại cho các con bao nhiêu cũng không bằng đầu tư cho con biết chữ, có kiến thức, cái nghề để mai sau các cháu tự nuôi bản thân. Với tính cần cù chịu khó, từ nghề đi kéo lúa thuê, làm cỏ mướn, rồi chuyển sang kinh doanh... tạo dựng sự nghiệp, vợ chồng ông luôn mong muốn các con mình có được tấm bằng đại học. Để khuyến khích các con học tốt, vợ chồng ông thường thưởng những món quà nhỏ khích lệ khi các con đạt điểm cao hoặc có giấy khen vào dịp cuối năm... Từ đó, các con ông Kiệt luôn phấn đấu học và cả 3 đều nhận được học bổng Odon Vallet khu vực phía Nam và giải thưởng Nguyễn Ngọc Ơn (của dòng tộc Nguyễn Ngọc).

Khi gia đình có cuộc sống ổn định, ông Kiệt tích cực tham gia các chương trình từ thiện xã hội tại địa phương, nhận và trao học bổng cho học sinh- sinh viên nghèo vượt khó, đóng góp tiền, quà vào Hội Khuyến học của huyện... Cầm danh sách và thư kêu gọi trợ cấp học bổng cho sinh viên nghèo của Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh trên tay, ông Kiệt vui vẻ nói: “Tới đây, tôi sẽ trao 2 suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh (1 triệu đồng/suất), gồm: Phan Công Ngân, sinh viên năm thứ hai ngành công nghệ thông tin (nhà nghèo) và cháu Trần Quốc Trung, đang học năm thứ hai ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học Cần Thơ (mồ côi). Sau đó, vợ chồng tôi sẽ nhận hai cháu làm con nuôi để thường xuyên giúp đỡ và tạo điều kiện cho các cháu hoàn thành ước nguyện của mình suốt thời gian ở giảng đường đại học”. Ngoài ra, ông Kiệt được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ Trưởng tổ Mặt trận ấp Phụng Quới B, thị trấn Thạnh An, ông rất nhiệt tình trong các hoạt động phong trào của mặt trận và công tác từ thiện xã hội ở địa phương....

Ông Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh nhận xét: “Thời gian qua, vợ chồng ông Kiệt đã giáo dục các con chăm chỉ học tập, giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa và gia đình hiếu học nhiều năm liền. Gia đình ông Kiệt còn là mạnh thường quân thường xuyên của Hội Khuyến học của huyện. Với vai trò là cán bộ mặt trận ấp, ông Kiệt tích cực vận động nhà hảo tâm, đồng bào trong họ đạo hỗ trợ tiền, quà để địa phương xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo vào các dịp lễ, Tết và bắc cầu, làm đường giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy cơ sở hạ tầng địa phương phát triển... Đây là gia đình điển hình về tinh thần vượt khó, để nuôi dạy con cái học tốt, sống tốt cần được nhân rộng”.

Bài, ảnh: Kim Xuân

Chia sẻ bài viết