15/01/2010 - 21:24

"Nhà Thông tin của chúng tôi"

Nhà Thông tin khu vực 1 phường Trà Nóc khang trang và thoáng đãng.

Tại quận Bình Thủy, nhiều Nhà Thông tin khu vực rộng rãi, khang trang vừa được xây mới từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đây là yếu tố góp phần tạo điều kiện cho chính quyền địa phương làm việc thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
Nhân dân và cán bộ các khu vực này thường giới thiệu một cách tự hào: “Nhà Thông tin của chúng tôi”.

* Những Nhà Thông tin mới...

Một buổi chiều cuối năm ở Nhà Thông tin (NTT) khu vực 5, phường Bùi Hữu Nghĩa. Không khí khá oi bức, nhưng khi bước vào NTT, người ta cảm thấy dễ chịu bởi mái nhà được đóng trần ngăn nhiệt và những chiếc quạt máy quay đều. Trong NTT, cán bộ khu vực đang tiếp dân, người chuẩn bị cho chương trình họp tổng kết cuối năm, người lên kế hoạch vận động hỗ trợ người nghèo ăn Tết... Những cán bộ địa phương hồ hởi cho biết: từ ngày có NTT riêng, mọi công việc được giải quyết thuận tiện, dễ dàng và hiệu quả, khác hẳn so với thời gian “ở nhờ” trước đây.

Khu vực 5 được tách ra từ khu vực 4, phường An Thới vào giữa năm 2007. Đầu năm 2008, phường An Thới tách thêm một phường nữa là Bùi Hữu Nghĩa. Khu vực 5 thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa. Lúc mới chia tách, Ban nhân dân khu vực phải làm việc “ké” ở NTT của khu vực 4. Được Nhà nước cấp đất, khu vực đã tổ chức vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và nhân dân quyên góp kinh phí xây dựng NTT. Chẳng bao lâu sau, NTT khu vực 5 được cất lên khang trang, rộng rãi với chi phí gần 80 triệu đồng. Tháng 4-2008, NTT được khánh thành và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả đến nay.

NTT khu vực 1, phường Trà Nóc trước đây cất tạm trên phần đất mượn của dân, chủ yếu bằng tôn và cây tạp. Diện tích NTT chỉ hơn 20m2 nên mỗi lần tổ chức những cuộc họp có đông người tham gia, nhiều người dự họp phải ngồi ra cả ngoài sân, có lúc phải mượn nhà dân họp. Năm 2009 khu vực xin đất Nhà nước rồi vận động nhân dân đóng góp để xây dựng NTT mới. Cũng có hoàn cảnh tương tự khu vực 1, phường Trà Nóc, NTT của khu vực 3, phường Bùi Hữu Nghĩa tạm bợ với vách ván, mái tôn, nền xi măng, cất trên phần đất mượn của Nhà máy Nước 2 Cần Thơ. Khi Nhà máy nước lấy lại đất để phục vụ cho việc đặt đường ống nước, khu vực di dời NTT và cũng được các mạnh thường quân hỗ trợ làm NTT khác.

Có Nhà Thông tin riêng, Cán bộ khu vực 5, phường Bùi Hữu Nghĩa làm việc thuận lợi.

* Hợp tình, hợp lý và công khai

Có thể nói đất đai là vấn đề nan giải nhất trong việc xây dựng NTT. Có những khu vực may mắn được Nhà nước cấp đất nhưng có những nơi phải mượn đất của dân hoặc doanh nghiệp. Có đất rồi lại phải lo kinh phí xây dựng. Ngân sách nhà nước có hạn, thường chỉ có thể hỗ trợ một phần. Tuy nhiên, những NTT được xây mới trong thời gian gần đây đều được thực hiện theo phương thức xã hội hóa.

Sau khi được UBND quận Bình Thủy cấp đất ở đường Nguyễn Chí Thanh, Ban nhân dân khu vực 1, phường Trà Nóc vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTT. Được Đảng ủy phường đồng ý và ra nghị quyết thực hiện, khu vực tổ chức triển khai trong chi bộ, chính quyền, các đoàn thể trước khi tuyên truyền, vận động rộng rãi trong dân. Khu vực đã tổ chức tuyên truyền vận động đến dân theo từng tổ tự quản. Mỗi buổi họp đều có đại diện chi bộ và Ban nhân dân khu vực tham gia tuyên truyền cùng với tổ trưởng, tổ phó của tổ. Từ những buổi họp này, mọi thắc mắc của người dân được giải đáp và địa phương cũng ghi nhận được nhiều ý kiến hay do bà con đề xuất. Sau đó, khu vực thành lập đoàn vận động gồm đại diện chi bộ, chính quyền và các đoàn thể đến từng hộ (trừ hộ nghèo và cận nghèo). Do làm công tác tuyên truyền, vận động tốt, đoàn được bà con nhân dân và các cơ sở kinh doanh buôn bán ủng hộ rất nhiệt tình. Mức đóng góp hoàn toàn tự nguyện, có người dăm ba chục ngàn đồng, có người ủng hộ vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng. Ông Võ Văn Huống là một nông dân nhưng đã ủng hộ 1 triệu đồng. Ông Huống nói: “Tôi thấy xây dựng NTT là rất cần thiết, có lợi cho địa phương và nhân dân nên gia đình nhất trí ủng hộ. Được khu vực tuyên truyền cụ thể, rõ ràng, hợp tình, hợp lý thì người dân nhất trí ủng hộ thôi”.

Trưởng khu vực Trần Quang Đức cho biết: “Vận động được kha khá, khu vực tổ chức khởi công xây dựng ngay để dân thấy là tiền mình đóng góp đã được sử dụng hợp lý, nhanh chóng. Sau đó, khu vực tiếp tục vận động những hộ còn lại. Vừa vận động, vừa thi công chỉ trong vòng 2 tháng là NTT được xây dựng hoàn tất, đưa vào hoạt động từ tháng 11-2009. Tổng kinh phí xây dựng gần 75 triệu đồng”. Ngày khánh thành NTT khu vực là một ngày hội đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Khu vực mời nhân dân đến họp mặt để công khai mức đóng góp của từng hộ dân và các khoản thu chi cho công trình này. Nhìn NTT có diện tích 60 m2 khang trang với đầy đủ các thiết chế văn hóa, người dân cho đến cán bộ ai cũng phấn khởi.

Khu vực 5, phường Bùi Hữu Nghĩa cũng được Nhà nước cấp đất, UBND phường ra thư ngỏ để khu vực đi vận động. Việc vận động được tiến hành theo tuần tự: đảng viên, cán bộ khu vực, hội viên các đoàn thể và đảng viên giữ mối liên hệ với địa phương đóng trước. Sau đó là các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các mạnh thường quân và cuối cùng là những hộ dân có điều kiện kinh tế tương đối khá. Thời gian vận động kéo dài 4 tháng, thu được bao nhiêu, khu vực gửi ngân hàng đợi hoàn tất việc vận động là khởi công xây dựng NTT. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng khu vực, cho biết: “Khu vực vận động được gần 60 triệu đồng. Trong đó, có những doanh nghiệp ủng hộ tích cực như Doanh nghiệp Cơ khí Sông Hậu và Công ty Cầu đường 675 mỗi đơn vị ủng hộ 10 triệu đồng. UBND phường vận động thêm bên ngoài hỗ trợ cho khu vực hơn 20 triệu đồng nữa. NTT xây dựng xong, các mạnh thường quân và một số người dân tiếp tục hỗ trợ thêm bàn ghế, hệ thống âm thanh, quạt máy, ti-vi... để trang bị cho NTT”.

Khu vực 3 phường Bùi Hữu Nghĩa được Công ty Bao bì 2 cho mượn đất ở hẻm Bê tông Phan Vũ, đường Cách Mạng Tháng 8 để cất NTT. Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ buôn bán nên khu vực 3 chủ trương chỉ vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và các mạnh thường quân. Việc quyên góp vận động diễn ra khá thuận lợi: chỉ hơn một tháng, khu vực đã vận động và xây dựng xong NTT mới với kinh phí gần 50 triệu đồng. Các thiết chế văn hóa nào còn sử dụng được, khu vực tận dụng lại, rồi các mạnh thường quân hỗ trợ thêm tủ bàn ghế, pa- nô tuyên truyền...

Còn NTT khu vực Thới Bình, phường Thới An Đông được nâng cấp lại trên nền NTT cũ nhưng mở rộng diện tích gấp đôi. NTT mới rộng 70 m2, mái tôn, tường gạch, nền lót gạch men và có cổng rào chắc chắn. Ông Đoàn Văn Cường, Trưởng khu vực Thới Bình, khoe: “Ngoài tiền mặt, một số doanh nghiệp và hộ dân còn ủng hộ bằng vật liệu xây dựng. Cán bộ khu vực trực tiếp ra công xây dựng nên không phải mướn thợ, tiết kiệm được rất nhiều chi phí”.

Để có được NTT đẹp, khang trang, mỗi địa phương làm một kiểu, nhưng nhìn chung đều giống nhau ở chỗ: Ban nhân dân khu vực tổ chức triển khai kế hoạch chặt chẽ, tích cực tuyên truyền vận động; tài chính được công khai minh bạch, được ủng hộ của các cấp và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện như vậy, địa phương không những thành công trong việc vận động xã hội hóa để xây dựng NTT, mà còn cả những công trình công ích khác.

* Kết quả tốt đẹp

Có nơi ổn định, hệ thống chính trị của địa phương làm việc hiệu quả hơn. Khu vực có chỗ tiếp dân rộng rãi, những dịp hội họp, liên hoan hay tiếp xúc cử tri đều tổ chức được đông người dự. Đó là tiền đề góp phần giúp khu vực đạt được kết quả cao trong các mặt phong trào, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong Liên hoan các mô hình văn hóa tiêu biểu quận Bình Thủy năm 2009, các khu vực đã nêu đều đạt được những giải thưởng tiêu biểu cho các mô hình văn hóa. Ông Trần Quang Đức, Trưởng khu vực 1, phường Trà Nóc, phấn khởi khoe: “Năm nay, chúng tôi đón nhận 2 niềm vui lớn. Đó là khu vực đạt giải B mô hình “Khu vực văn hóa tiêu biểu” và NTT đạt giải A mô hình “NTT tiêu biểu”. Đó là niềm tự hào của nhân dân khu vực”. Khu vực 5, phường Bùi Hữu Nghĩa bội thu các giải thưởng bởi mô hình Khu vực văn hóa, NTT và Câu lạc bộ hoạt động tiêu biểu đều đạt giải B, đồng thời nhận thêm giải C cho mô hình “Đường hẻm xanh, sạch, đẹp”. Khu vực Thới Bình, phường Thới An Đông thì đạt giải A mô hình “Đường hẻm xanh, sạch đẹp” và giải C “Khu vực văn hóa tiêu biểu”. Riêng khu vực 3, phường Bùi Hữu Nghĩa luôn ổn định tình hình an ninh trật tự và dẫn đầu các khu vực về các nguồn thu: thuế nhà đất, quỹ an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo và đền ơn đáp nghĩa.

***

Bà Hồ Lâm Bạch Vân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: “Quận Bình Thủy có 43/ 46 khu vực có NTT. Hầu hết các NTT được xây dựng nhờ sự đóng góp của nhân dân và một phần kinh phí nhà nước. Ba khu vực chưa có NTT là ba khu vực mới được chia tách trong thời gian gần đây ở phường Thới An Đông và phường Long Hòa. Phát huy kinh nghiệm của các khu vực khác, ba khu vực này đang tiến hành vận động nhân dân cho mượn đất và đóng góp kinh phí để xây dựng NTT. Dự kiến, khoảng cuối quý I/2010, 46/46 khu vực của quận sẽ có NTT”.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết