08/08/2007 - 23:18

 

Nghĩa tình của ông Tư Gạch

 
 

Ông thứ tư trong gia đình, tên Gạch nên mọi người gọi thân mật là Tư Gạch (tên đầy đủ là Phạm Gạch). Quê ông ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tản cư vào Cần Thơ từ năm 1967… Khởi đầu chỉ với 2 bàn tay trắng, bây giờ ông đã là triệu phú: thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong sự nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng này, ông Tư Gạch (ảnh) còn có những câu chuyện nghĩa tình hết sức cảm động.

Trọn nghĩa vẹn tình

Đến bây giờ, ông Tư Gạch còn nhớ như in ngày anh Hai (một người bà con trong dòng tộc) qua đời. Bởi khi ấy, anh Hai đã chết trên tay của ông và để lại lời trăn trối cuối cùng. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, ông Tư không khỏi bùi ngùi: “Anh Hai tôi ở trong vùng giải phóng. Lần đó, anh thồ muối cho một cơ sở cách mạng ở xã Phổ Quang. Không may, hôm ấy địch càn. Anh Hai tôi bị thương rất nặng. Hồi đó, tôi là du kích của xã, anh bị thương, tôi là người băng bó. Biết mình không thể qua được, ảnh nói với tôi hãy phụ ảnh dạy dỗ mấy đứa con của ảnh nên người. Nói chỉ có vậy rồi ảnh nhắm mắt…”. Vợ chồng anh Hai của ông Tư Gạch có tới 5 người con. Hồi lúc ông từ Quảng Ngãi vào Nam theo đoàn tản cư cũng có họ. Trên đường đi, họ quyết định ghé Cam Ranh – Nha Trang để tá túc ở nhà một người bà con xa. Sau 3 năm lưu lạc, ông Tư Gạch hay đời sống của gia đình họ rất nghèo. Thế là, ông đón 3 người con trai của anh Hai vào Cần Thơ. Một thời gian sau, cả 3 người con trai của anh Hai ông Tư đều lần lượt về Cam Ranh chăm sóc mẹ già. Nhưng, như ông kể: Thằng Cả bị bắt lính, mất tích tới giờ. Thằng anh Hai bệnh chết. Thằng Ba giờ đã có cuộc sống khá no ấm. Dù không giúp được nhiều nhưng tôi cảm thấy mình không phụ lòng người quá cố”.

Ảnh: THANH LONG

Lúc gia đình ông Tư Gạch từ Quảng Ngãi vào Cần Thơ, trong đoàn người còn có mẹ con của anh Phạm Phú (Phạm Anh Tuấn - gọi ông Tư Gạch là chú). Cha của Phú lúc bấy giờ phải đi tập kết ra Bắc, nên Phú cùng mẹ vào Đồng Tháp tản cư. Không bao lâu, mẹ Phú bị bệnh ung thư, nghèo, không tiền thuốc than nên qua đời. Mẹ chết, Phú một mình bơ vơ khi chưa đầy 16 tuổi. Thấy vậy, ông Tư Gạch đón Phú về nuôi và cho ăn học. Khoảng thời gian sống với ông Tư, cha của anh Phú có ý định đưa Phú về Hà Nội để cha con đoàn tụ. Nhưng, hồi đó đi lại rất khó khăn. Nhưng thấy gia đình ông Tư xem Phú như con ruột, nên cha của Phú mới yên tâm. Đất nước thống nhất, chuyện dựng vợ cho Phú, một tay ông Tư Gạch. Đến giờ, nhắc đến Phú, giọng ông Tư Gạch đầy hãnh diện: “Gia đình nó ở Đồng Tháp, cũng có công ăn chuyện làm ổn định, hạnh phúc lắm. Con cái của nó đều đậu đại học cả rồi…”.

Chiến tranh đi qua, trong thời bình, ông Tư Gạch còn có nhiều câu chuyện nghĩa tình được nhiều người nhắc đến. Như chuyện ông hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm mô hình V.A.C… giúp hộ ông Phùng Xuân Tuất, hộ ông Nguyễn Văn Bé, ông Bảy Thất… từ nghèo khó vươn lên khá giả. Hay chuyện ông ủng hộ 7 triệu đồng cho sổ vàng nhân đạo, 6 triệu đồng cho quỹ khuyến học ở địa phương, 7 triệu đồng xây dựng nhà tình thương, vận động làm cầu, hiến đất xây dựng giao thông nông thôn… Hay nhiều câu chuyện ông hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, thừa kế…

Vậy mà, khi có ai đó hỏi: “Sao ông làm được những chuyện vầy, hay vậy?”. Ông cười, rồi trả lời tỉnh rụi: “Chuyện hòa giải à! Quan trọng, mình phải biết lắng nghe thì mới giải quyết được, phải không?! Còn những chuyện khác, thật tình, cũng nhờ gia đình có cái ăn, cái để mới có cơ hội nghĩ cách giúp người khó hơn mình”. Ông Tư nói vậy, nhưng những người biết về ông đều thống nhất: “Vợ chồng ổng siêng năng, chịu thương, chịu khó lắm mới có được thành quả như ngày hôm nay”.

Chuyện làm giàu

Năm 1967, từ Phổ Quang, Đức Phổ tản cư vào Cần Thơ, gia đình ông Tư Gạch (vợ chồng ông và một mẹ già sức yếu) tá túc tại nhà một người cùng quê ở thị trấn Cái Răng. Cuộc sống hàng ngày chủ yếu nhờ vào những đồng tiền ít ỏi do “ai kêu gì làm đó” và nghề đan thúng, rổ. Tá túc được vài tháng sau, gia đình ông dành dụm thuê miếng đất nhỏ, cất cái chòi lá trú mưa, trú nắng. Cuộc sống của gia đình ông đã khó trở nên khó khăn hơn khi lần lượt 6 người con ra đời. Thấy không kham nổi, bỏ nghề bán thúng, rổ vợ chồng ông Tư mua xe nước mía, hằng ngày sớm - chiều bán ở chợ Cái Răng… Lúc bấy giờ, vì “ăn nhờ, ở đậu” nên gia đình ông chịu rất nhiều áp lực từ phía chủ đất. “Đỉnh điểm” nhất là chuyện hồi trước chủ đất có trồng cây mận điều trước sân. Khi cây mận có chùm trái chiếng, chỉ mới đo đỏ thì bị mất. Chả biết thế nào, chủ đất đinh ninh là đám con ông phá phách, nên họ chửi bới rất dữ. Từ chuyện cây mận, chủ đất bắt qua chuyện mất gà, mất vịt… và nói rằng các con ông là “đồ ăn cắp, quân ăn trộm”. Lúc đó, biết con mình bị oan, lại không thanh minh được, vợ chồng ông Tư Gạch ruột gan đau như cắt. Mỗi lần oan ức như thế, quyết tâm làm giàu trở nên mạnh mẽ hơn đối với gia đình ông.

Năm 1976, nhờ chịu khó làm ăn, chi xài tiết kiệm, vợ chồng ông Tư Gạch mua được 5,7 công ruộng tại khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng và chuyển hẳn về đây sinh sống. Nhà lợp toàn bằng lá mía, vậy mà ai cũng thấy vui vì đây là thành quả lao động, có cả mồ hôi, nước mắt của cả gia đình.

Có đất, gia đình ông Tư Gạch tính chuyện “lấy ngắn, nuôi dài” - sản xuất theo mô hình V.A.C, V.A.C.B: Xung quanh bờ ông trồng tre, trúc và cây lấy gỗ để che chắn gió, giữa thì đào ao nuôi cá, bờ chính trồng cây ăn quả và làm chuồng nuôi heo, biogas. Năm 1992, lúc ở trọ để đi học tại TP Hồ Chí Minh, con trai cả của ông Tư học được nghề làm bún, rồi động viên gia đình thành lập cơ sở sản xuất bún. Chuyện làm ăn của gia đình ông Tư Gạch từ đây mà “thăng tiến”.

Năm 1984, gia đình ông Tư thay được ngôi nhà lá mía bằng ngôi nhà tường cấp 4, trị giá 45 triệu đồng. Đến năm 2002, ông xây thêm ngôi nhà tường cấp 2 trị giá 520 triệu đồng… Và kể từ năm 2003, từ việc sản xuất bún, nuôi heo, nuôi cá, trồng tre, trúc, cây ăn trái… gia đình ông Tư Gạch thu lãi trên 100 triệu đồng. Cá biệt năm 2005, mức lãi lên đến 175 triệu đồng...

* * *

Ông Tư Gạch năm nay đã 65 tuổi. Mới đó mà đã gần 40 năm ông sinh sống ở đất Cần Thơ. Như ông nói: “Hồi đó nghèo, nhờ vợ chồng sớm chiều động viên, không ngừng học hỏi, cố gắng mới vượt qua được”. Trong lúc khó khăn, hay khá giả ông đều khuyến khích các con học hành. Như đã nói, vợ chồng ông Tư có đến 6 người con, họ đều là “cô tú, cậu tú”, người là cử nhân và có người giờ đây đã có địa vị trong xã hội. Mỗi lần nhắc đến các con, ông Tư Gạch cười rất tươi: “Chỉ còn thằng Út chưa có gia đình, nhưng đã có nghề nghiệp ổn định rồi. Vợ chồng tôi bây giờ có đến 9 đứa cháu nội – ngoại, chúng đều rất ngoan. Nên ở cái tuổi này, vợ chồng tôi thấy rất vui”.

Tôi đến nhà ông Tư Gạch, sau 1 tuần từ khi ông vinh dự được đi dự điển hình cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc ở Hà Nội. Ngoài việc được vào viếng lăng Bác, ông bảo: “Trong chuyến đi Hà Nội, tôi tâm đắc nhất là câu nói của đồng chí Chủ tịch nước (Chủ tịch Trần Đức Lương – PV): cán bộ Nhà nước là phải quan hệ với dân, gần dân và sát thực với dân”. Thì ra, ở địa phương, từ năm 1978 đến nay, ông Tư Gạch là đại biểu hội đồng nhân dân xã, phường. Vậy mà, khi tôi hỏi: “Làm sao ông thu sếp được việc nước, việc nhà?”- Ông cười, trả lời tỉnh bơ: “Làm công tác địa phương là động lực cho tôi không ngừng nâng cao trình độ, chủ động học tập, bổ sung kiến thức làm kinh tế. Nhờ vậy mới vừa lo việc nước, đảm bảo việc nhà được”.

ĐÔNG TRIỀU

Chia sẻ bài viết