17/08/2008 - 21:06

Một cuộc đời đầy nước mắt

Trong một năm, chồng mất, 3 người con lần lượt phát bệnh tâm thần, nỗi đau quá lớn đã làm cho người phụ nữ 50 tuổi này gần như kiệt sức. Nước mắt của bà đã cạn vì khóc chồng, thương con. Có lúc bà muốn quyên sinh vì không chịu nổi cảnh ngày ngày chứng kiến những đứa con của mình sống dở chết dở trong điên loạn.

Bi kịch gia đình

Người đàn bà bất hạnh đó là bà Trần Thị Thu Hồng ở khu vực 6, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần thơ. Năm 20 tuổi, cô gái đẹp nhất nhì của xóm Long Tuyền kết duyên cùng Tô Văn Hiệp, một thanh niên hiền lành, chất phát cùng xóm. Sau đám cưới nghèo, vợ chồng bà Hồng dọn ra ở nhờ trên đất của một người bà con. Gia đình hai bên đều nghèo khó, nên đôi vợ chồng trẻ ra riêng với hai bàn tay trắng. Hạnh phúc của gia đình nhỏ được nhân lên khi 4 đứa con lần lượt ra đời. 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào việc làm mướn của hai vợ chồng. Hai cô con gái lớn của vợ chồng bà Hồng là Tô Thị Tín và Tô Thị Hiếu cũng ra đồng mò cua, bắt ốc bán kiếm tiền phụ giúp ba mẹ.

Năm 1999, ông Hiệp đột ngột qua đời. Chưa đầy một tháng sau, Tô Thị Tín và Tô Thị Hiếu phát bệnh. Hai cô gái trẻ có gương mặt ưa nhìn, tính tình hiền lành bỗng trở nên lầm lì, ít nói. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, bà Hồng lại gánh thêm nỗi đau con gái bệnh tật, kinh tế gia đình sa sút trầm trọng. Xót thương cảnh nhà bà Hồng, bà con lối xóm gom góp ít tiền để bà đưa hai con gái đi khám bệnh. Bác sĩ cho biết, Tín và Hiếu bị bệnh tâm thần, phải điều trị, nếu không bệnh sẽ ngày càng nặng. Bà Hồng tâm sự: “Tôi làm mướn cả ngày ở chợ cũng chỉ lo được 2 bữa ăn cho cả nhà. Tôi cũng đã hỏi vay mượn những người bà con, nhưng họ đều nghèo khổ”.

Bà Hồng và con trai út bị bệnh tâm thần. 

Bà Hồng mang hai con gái về nhà. Hôm nào bán hết vé số, bà nhận làm cỏ mướn, hái rau đồng ra chợ bán, kiếm thêm ít tiền mua gạo ăn cho cả nhà. Năm 2004, vào một buổi chiều, Tô Thị Hiếu bỏ nhà ra đi. Trong mấy tháng liền, bà Hồng ròng rã đi tìm Hiếu nhưng đến nay vẫn biệt tin. “Đã gần 4 năm nay, tôi không có tin tức về con gái. Nghe ai nói nhìn thấy cô gái bệnh tâm thần là tôi tìm đến để hỏi thăm. Không biết nó còn sống hay đã chết rồi” - Nói đến đây, bà Hồng ôm mặt khóc nức nở.

... Không lối thoát

Mỗi buổi sáng, người dân ở khu vực chợ Bình Thủy, phường Bình Thủy lại thấy cô gái trẻ với dáng người gầy gò, quần áo xốc xếch, vẻ mặt bơ phờ, đi lang thang trên đường. Trên tay cô lúc nào cũng có bịch trà đá và điếu thuốc lá. Năm 2002, Tín bỏ nhà đi lên tận tỉnh Long An, bị bọn xấu lợi dụng làm nhục phải mang thai. Sau 4 tháng lặn lội hỏi thăm tin tức, bà Hồng tìm gặp được Tín bụng mang dạ chửa ngồi bệt trên vỉa hè. Hai mẹ con dắt díu trở về nhà. Mấy người hàng xóm khuyên bà Hồng nên dẫn Tín đến bác sĩ để bỏ đứa bé, nhưng cái thai đã lớn quá nên không bỏ được.

Sau khi sinh con, Tín được bác sĩ ở bệnh viện mổ đình sản, đứa bé được người dì ruột của Tín mang về nuôi dưỡng. Số phận bất hạnh lại không buông tha bà Hồng khi đứa con trai út có tên là Đức Nhân, 8 tuổi cũng có biểu hiện bệnh tâm thần. Đó là năm 2007, Đức Nhân lại bỏ nhà đi lang thang ở Châu Đốc, Hậu Giang. Người dân ở chợ Bình Thủy cho tiền xe để bà Hồng đưa con trai về nhà.

Mấy tháng qua, do thiếu tiền đại lý vé số nên bà Hồng không được lãnh được vé số đi bán. Mỗi ngày, bà Hồng nhận làm cỏ mướn, hái rau vườn bán ở chợ Bình Thủy. Còn Tín và Nhân thì đi lang thang ngoài đường từ sáng sớm đến trời tối mới về nhà. Ông Năm, một người cùng xóm với bà Hồng, cho biết: “Gia đình cô Hồng bi đát lắm. Ba đứa con của cô ấy lúc nhỏ khỏe mạnh, ngoan hiền, đến khi bị bệnh cũng không quậy phá xóm giềng. Cô Hồng rất muốn đưa con đi trị bệnh nhưng lại không có tiền”. Hiện nay, căn nhà nhỏ của mẹ con bà Hồng đang ở là căn nhà tình thương do địa phương cất tặng. Con gái thứ ba và thứ tư của bà Hồng là Tô Thị Hiếu và Tô Hiếu Nghĩa được nhận trợ cấp bảo trợ xã hội một tháng 120.000/người. Số tiền này được bà Hồng dùng để mua gạo ăn cho cả nhà.

Rời khỏi căn nhà ẩm ướt, bừa bộn của bà Hồng, chúng tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh Tín mang rổ rau, bó lá dừa khô và chai nước tương ngồi bó gối cạnh lò củi với đôi mắt vô hồn. Bà Hồng cho biết: Tín đang chuẩn bị nấu cơm chiều, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Chiều nào cũng vậy, sau một ngày lang thang ngoài đường, Tín về nhà và mang các thứ để cạnh bếp rồi ngồi nhìn một lát thì bỏ vào mùng nằm. Chắc hẳn, trong tiềm thức của cô gái đảm đang, ngoan hiền ngày nào vẫn còn muốn tiếp giúp việc nội trợ với mẹ, nhưng bất hạnh thay...

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết