10/12/2007 - 11:05

Khởi nghiệp từ đáy hàng khơi

Ông là người đầu tiên trong vùng mạnh dạn “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Doanh nghiệp của ông đã giúp hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Để thành đạt như hôm nay, ông đã trải qua nhiều năm tháng cơ hàn, có lúc tưởng chừng không thể tồn tại ở vùng đất nghèo khổ này. Ông là Hồng Văn Hoàng (Bảy Hoàng), hiện là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lâm, một doanh nghiệp lớn nhất huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) về lĩnh vực hàng thủy hải sản được khai thác từ đáy hàng khơi…

THOÁT NGHÈO TỪ HAI MIỆNG ĐÁY CŨ

 Ông Hồng Văn Hoàng (Bảy Hoàng) Giám đốc Doanh nghiệp Hoàng Lâm.

Chúng tôi về cửa biển Rạch Gốc (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vào đúng ngày con nước đáy hàng khơi. Tàu của ngư dân ra vào tấp nập, đầy ắp cá, tôm. Nổi bật trong số này, được nhiều người dân đề cập đến là “Ghe Hoàng Lâm” của nhà ông Bảy Hoàng ở khu Vàm Lũng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Rạch Gốc, chuyên làm nghề đóng đáy cửa sông, tuổi thơ của ông Bảy Hoàng gắn liền với những dòng kinh len lỏi trong rừng đước Tân Ân. Lớn lên cưới vợ, ra ở riêng, của “hồi môn” của cha mẹ cho vợ chồng ông là hai miệng đáy cũ, đan bằng sợi đay và căn chòi lá rộng khoảng 4 mét vuông.

Cuộc sống của đôi vợ chồng son với hai miệng đáy cũ cứ thế trôi qua. Hồi đó, đêm ông đi đóng đáy, ngày đi cắt rau về nuôi heo, làm quần quật cả ngày mà vẫn không đủ ăn. Nhà bên cạnh gạo chất trong nhà cả chục bao, mà trong nhà ông không có một hột. Ông nhớ lại: “Nhiều hôm con cái đói bụng khóc, lẽo đẽo theo mẹ đòi cơm, vợ tôi sang hàng xóm vay về nấu cháo mà họ không cho, vì sợ vợ chồng tôi không có khả năng trả. Mấy mẹ con nó ngồi khóc rưng rức. Bây giờ, nghĩ lại còn thấy tủi”.

“Bụng đói, đầu gối phải bò”. Vợ chồng ông chạy đến nhờ vả anh em họ hàng vay vốn và sắm được một miệng đáy ni lông mới. Từ đó, hàng ngày hai vợ chồng chèo xuồng ra bám biển làm ăn. Cuộc mưu sinh của đôi vợ chồng nghèo này đã không ít lần bị sóng to, gió lớn hành hạ, có lúc tưởng như không thể vượt qua. Rồi bao năm vất vả cũng được đền đáp, từ một miệng đáy, lên hai miệng, cho đến hiện nay trong tay ông đã có 70 miệng đáy hàng khơi vào loại “tóp ten” của Cà Mau.

Do đặc điểm của con nước, nên mỗi tháng đáy hàng khơi chỉ làm được 14 ngày có nước chảy mạnh. Dù vậy, dàn đáy của ông mỗi ngày cũng thu được sản lượng bình quân 4 đến 5 tấn. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng ông bỏ túi 150 đến 200 triệu đồng.

Cuộc sống gia đình ổn định dần, có của ăn của để. Ông Bảy Hoàng quyết định mở cơ sở thu mua và sơ chế thủy hải sản tại nhà mình. Ông tính, làm như vậy vừa có thêm thu nhập, vừa tạo được việc làm cho những người nghèo nhàn rỗi ở địa phương. Đồng thời, ông sẽ thu mua được sản lượng của các bạn đáy trong vùng với giá cao hơn bằng tiền mặt. Nếu cần, ông có thể đầu tư cho bạn đáy ứng tiền trước để mua sắm dụng cụ, khi có hàng thì bán và trả vốn cho ông.

HỌC ĐI BUÔN

Tài sản của ông Bảy Hoàng hiện trị giá cỡ vài tỉ đồng. Nhưng ông không quên những tháng ngày cơ cực đã qua. Ông kể: “Trước đây làm ra được con tôm, con cá gian nan vất vả lắm, mà khi bán cho các chủ vựa thu mua thì toàn bị ép giá hoặc họ nợ lâu. Trong khi ai cũng cần có tiền liền để trả công cho bạn đáy và mua sắm thêm ngư cụ. Từ đó, tôi nảy ra ý định “đi buôn” vì nghĩ rằng buôn bán có khó gì đâu, mình mua ngay tại nhà mình đem bán cho các công ty lớn ở thành phố”.

Nghĩ là làm, công việc ở nhà ông giao lại cho vợ con quán xuyến. Ngày đầu đem hàng đi bán tại TP Hồ Chí Minh, ông bị các thương gia khác ép giá lỗ hơn 20 triệu đồng. Thế là, về nhà bị vợ con cằn nhằn. Chỉ trong vòng một năm “học việc” đi buôn ông đã lỗ vài trăm triệu đồng. Lúc này, nhiều người trong gia đình và anh em bạn bè nghĩ ông bị “khùng”, có tiền xài không hết nên đem cho thiên hạ. “Cũng phải thôi. Việc buôn bán cạnh tranh trên thị trường ngày nay đâu có dễ như việc của mình hàng ngày cứ cho người hạ đáy xuống rồi kéo lên là có tôm, có cá”. Nghĩ vậy, ông Bảy Hoàng quyết định: “Lỗ nhưng vẫn không bỏ, thua keo này, bày keo khác”.

“Trong cái khó ló cái may”. Đang lúc lo lắng, suy tính cách tháo gỡ, tình cờ ông gặp lại người bạn “nối khố” năm xưa. Lâu ngày gặp lại, hai người nhâm nhi vài ly đế và Bảy Hoàng trút bầu tâm sự về việc mình đi buôn. Tưởng rằng được bạn thông cảm an ủi, nào ngờ bị bạn cho một mớ “bài học” về lĩnh vực kinh doanh. Chưa hết cơn giận thì người bạn cầm tay kéo đi vào một số công ty, doanh nghiệp ở Cà Mau để nhờ tư vấn. Được tận mắt chứng kiến dây chuyền chế biến, cách điều hành công nhân, giao dịch, tổng hợp sổ sách và những hợp đồng kinh tế… Lúc này, Bảy Hoàng mới thở phào và vỡ lẽ ra rằng: Buôn bán không phải như đi làm đáy.

Được bạn bè tư vấn giúp đỡ về kỹ thuật, giao dịch và được sự hậu thuẫn của một số công ty, doanh nghiệp lớn ở Cà Mau, ông Bảy Hoàng dần dần đã lấy lại được những gì đã mất.

LÀM GIÁM ĐỐC

Học đi buôn có hiệu quả, ông Bảy Hoàng tiếp tục lần mò, nhờ cậy người chỉ dẫn làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Ông nói: “Cầm bộ hồ sơ đi hết cơ quan này đến cơ quan nọ mất cả năm trời, tốn kém vài chục triệu đồng mới có được miếng giấy phép”. Và Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lâm do ông làm giám đốc ra đời.

Từ đây, chuyện “mua tận gốc, bán tận ngọn” đã được ông Bảy Hoàng phát huy hiệu quả. Tất cả sản lượng của ngư dân trong làng đáy Rạch Gốc được ông thu mua hết với giá cả cao hơn so với trước đây người khác mua vài giá. Các chủ phương tiện nào cần tiền mua thêm ngư cụ, ông sẵn sàng đầu tư, hoặc cho ứng trước. Còn cây cột đáy được cũng được ông Bảy Hoàng đi mua từ miền Đông chở về. Trong nhà ông, lúc nào cũng có hàng trăm cây, mỗi cây trị giá từ 8 đến 10 triệu đồng. Khi các bạn đáy làm ra sản lượng thì bán và trừ dần cho ông. Cũng từ đó, nguồn thủy sản ông thu mua ngày càng nhiều hơn, thậm chí từ Kiên Giang, Bạc Liêu, nhiều người đã đem hàng đến bán cho ông.

Để giữ cho nguyên liệu tươi và đảm bảo chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Bảy Hoàng đã xây dựng một cơ sở sơ chế tại nhà với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, như một nhà máy chế biến thủy sản thu nhỏ. Những lúc cao điểm, cơ sở của ông thu hút hàng trăm lao động đến làm việc, thu nhập của công nhân mỗi tháng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Nhờ giữ được uy tín, chất lượng nên những hợp đồng kinh tế của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lâm với các công ty, xí nghiệp ở Cà Mau đến TP Hồ Chí Minh ngày một nhiều hơn.

Ông Bảy Hoàng khoe với chúng tôi, ông đang nuôi thí điểm một đầm ốc hương ngoài Nha Trang. Tới đây thu hoạch ông sẽ bán thẳng sang Trung Quốc. Còn tại nhà, ông đang hoàn tất khu nhà máy xay gạo. Ông kết hợp chở hàng thủy sản đi bán khi về mua lúa chở về xay xát bán cho dân trong vùng. Ông phấn khởi nói: “Tới đây, tôi sẽ ký kết trực tiếp làm ăn với các đối tác nước ngoài để con tôm, con mực mình làm được chuyển ra thị trường nước ngoài không phải qua một khâu trung gian nào, giá trị sẽ cao hơn”.

BÌNH NGUYÊN - LÊ KHOA

Chia sẻ bài viết