16/01/2016 - 16:44

Nhịp cầu dân cử

Hoàn thiện thể chế mô hình cánh đồng lớn

Thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố về hoàn thiện thể chế mô hình cánh đồng lớn, tăng cường mối liên kết "bốn nhà", đặc biệt là trách nhiệm của các bên trong liên kết, hợp tác. Nội dung trả lời của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

Từ vụ hè thu 2011, ngành nông nghiệp đã đề xuất triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, với quy mô 400 ha và có 206 nông dân tham gia. Mục tiêu là hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn gắn kết với tiêu thụ; đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng năng suất, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, giảm giá thành sản xuất thông qua tổ chức liên kết sản xuất. Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển toàn diện theo hướng bền vững và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu. Từ kết quả thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, TP Cần Thơ đã không ngừng mở rộng diện tích cánh đồng lớn. Đến nay đã đạt 20% diện tích sản xuất lúa.

Để thúc đẩy hơn nữa việc nâng cao hiệu quả và hoàn thiện mô hình cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp đã từng bước hoàn thiện thể chế thực hiện mô hình cánh đồng lớn với những nội dung, như sau:

- Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới tiêu nước tiết kiệm, công nghệ sinh thái, ứng dụng chế phẩm sinh học.

- Ban hành Sổ tay ghi chép sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 15-7-2015 về việc ban hành tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn thành phố.

- Triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

- Tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý phối hợp chặt chẽ với nhau. Thông qua sự liên kết này nhằm giúp nông dân thấy được doanh nghiệp có hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, liên kết cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Từ đó, giúp nông dân tuân thủ theo hợp đồng với doanh nghiệp là tiền đề giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu tạo sản phẩm đồng nhất. Ngoài ra, Nhà nước có vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ nông dân thực hiện cánh đồng lớn; doanh nghiệp thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất...

- Xây dựng lộ trình thực hiện mô hình cánh đồng lớn: phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40.000 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.

Chia sẻ bài viết