08/01/2008 - 22:01

Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, thời gian qua, công tác giải quyết việc làm (GQVL) ở TP Cần Thơ đã từng bước khởi sắc và mang lại những hiệu quả lạc quan, với hàng chục ngàn lao động có việc làm. Trong đó, giải pháp hỗ trợ vốn từ Quỹ cho vay GQVL là một trong nhiều cách làm hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động các địa phương...

* Những mô hình hiệu quả

Đãi chúng tôi dĩa ổi không hạt giòn tan, nước dừa xiêm ngọt lịm, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy vui vẻ kể về quá trình lao động cật lực và hiệu quả từ 5 công vườn mang lại. Trước đây, ông Tuấn trồng cam mật, chanh, chôm chôm... nhưng huê lợi hàng năm không cao. Một lần, ông tham quan nhà vườn ở Vĩnh Long và thử nghiệm trồng giống mít nghệ cao sản. Sau đó đến ổi không hạt và dừa thơm dứa... Sau vài năm chăm sóc, đến nay, vườn nhà ông Tuấn có gần 260 gốc cây giống đặc sản các loại, mang lại cho ông nguồn thu nhập khá hàng năm. Hiện nay, hàng ngày, ông Tuấn hợp đồng cung ứng ổi không hạt cho siêu thị Metro với giá 10.000 đồng/kg. Ông Tuấn cho biết: “Năm 2006, tôi được vay 15 triệu đồng vốn Quỹ cho vay GQVL, tôi đầu tư cải tạo đất, bón phân. Tuy vốn vay không nhiều nhưng với lãi suất ưu đãi cũng đỡ lắm. Tôi cố gắng trả lãi đủ theo từng quí cho ngân hàng”.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Thích, ở ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Cờ Đỏ đang lúc anh Thích chuẩn bị thức ăn cho trên 30 con heo. Gần bên, lò rượu nếp to đang bốc hơi. Suốt 20 năm qua, nghề nấu rượu, nuôi heo đã giúp anh Thích tích lũy nhiều kinh nghiệm, phát triển kinh tế gia đình. Anh Thích cho biết: “Chăn nuôi là nguồn thu chính của gia đình. Nhờ có kinh nghiệm lấy ngắn nuôi dài, xoay đồng vốn, cân đối chi tiêu mà đời sống gia đình tôi khá ổn định”. Năm 2007, được vay 20 triệu đồng vốn GQVL, anh Thích đầu tư mua con giống, thức ăn, thuốc thú y. Nhờ có nguồn vốn này đã giúp anh chủ động hơn trong việc chăn nuôi.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Ngọc Xuân (gọi tắt là cơ sở Ngọc Xuân), ở khu vực Thạnh Hưng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Chị Thanh Trúc, công nhân của cơ sở, cho biết: “Tôi vào làm ở đây gần 2 tháng. Mỗi ngày, tôi bắt đầu làm việc từ 1 giờ rưỡi khuya đến 10 giờ trưa. Mỗi tháng, thu nhập từ 1,2 triệu - 1,5 triệu đồng”. Trước đây, chị Trúc buôn bán ở chợ, nhưng thiếu vốn, thu nhập bấp bênh, nên chị nghỉ bán và xin đi làm.

  Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Ngọc Xuân tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.
 Từ nguồn vốn cho vay GQVL, ông Nguyễn Văn Huệ, khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy đầu tư cho việc nuôi bò.  
Hoạt động gần 2 năm, cơ sở Ngọc Xuân thu hút trên 150 lao động với điều kiện có sức khỏe, chịu khó, không cần học vấn, tay nghề. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ cơ sở Ngọc Xuân, cho biết: “Việc hưởng lương theo sản phẩm đã khuyến khích chị em hăng say lao động. Chúng tôi cố gắng ổn định nguồn tiêu thụ sản phẩm để chị em có việc làm thường xuyên”. Năm 2007, ông Dũng lập dự án vay 300 triệu đồng vốn Quỹ cho vay GQVL. Qua thẩm định, được vay 200 triệu đồng để thu mua nguyên liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý vệ sinh môi trường. Sắp tới, ông tiếp tục vay 100 triệu đồng để mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất.

* Người dân rất cần vốn

Theo thống kê của Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình việc làm TP Cần Thơ: Năm 2007, thành phố đã giải ngân 340 dự án, với số vốn 14 tỉ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho 5.300 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ quá hạn đến thời điểm cuối năm 2007 là 5%.

Qua thực tế của đoàn khảo sát BCĐ Chương trình việc làm TP Cần Thơ vào cuối tháng 12-2007, hầu hết các quận, huyện đều làm tốt khâu thẩm định, phê duyệt, phát vay, quản lý, kiểm tra tình hình sử dụng vốn, mô hình làm ăn... Trong đó, quận Bình Thủy phát vay trên 1,8 tỉ đồng vốn cho 77 dự án, với 187 lao động có việc làm tại chỗ, tỷ lệ nợ quá hạn 0,28%; quận Cái Răng phát vay 64 dự án, với số vốn gần 1,2 tỉ đồng, GQVL cho 189 lao động, tỷ lệ nợ quá hạn 2,9%. Đây là 2 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn so với các quận, huyện khác. Ông Trần Văn Ngọt, Phó Phòng Nội vụ LĐ-TB&XH quận Bình Thủy, cho biết: “Quận rất chú trọng nâng cao hiệu quả Quỹ cho vay GQVL, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng, thu hồi vốn, lãi của các hộ, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ quá hạn”. Khi nguồn vốn vay còn ít thì việc thu hồi vốn nhanh, đúng hạn là cần thiết để có vốn phát vay cho các dự án khác.

Lãnh đạo Phòng Nội vụ LĐ-TB&XH các quận, huyện đều thừa nhận tác động thiết thực của Quỹ cho vay GQVL thành phố vào hiệu quả công tác GQVL và giảm nghèo ở địa phương. Các dự án vay vốn rất đa dạng, phát huy thế mạnh kinh tế của địa phương, như: cải tạo vườn, trồng cây đặc sản, nuôi thủy sản, nuôi heo, nuôi bò, kinh doanh xăng dầu, lò bánh mì, buôn bán nhỏ... Không chỉ tạo điều kiện vay vốn, các quận, huyện còn chú trọng việc trang bị kiến thức kỹ thuật chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản cho các hộ.

Hầu hết các hộ vay vốn làm ăn đạt hiệu quả đều bày tỏ sự phấn khởi khi được vay nguồn vốn lãi suất thấp (0,65%/tháng), thời gian vay dài nên dễ xoay đồng vốn. Từ hiệu quả sử dụng và phát huy nguồn vốn vay, các quận, huyện đều kiến nghị được tăng thêm nguồn vốn, tạo điều kiện cho nhiều hộ được vay vốn để phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Bà Võ Kim Thoa, Trưởng Phòng Nội vụ LĐ-TB&XH quận Cái Răng, nói: Thời gian qua, quận rất tích cực trong công tác quản lý, thu hồi vốn để có thể đảm bảo nguồn vốn vay hàng năm. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của người dân rất nhiều nhưng nguồn vốn quá ít. Hiện nay, đa số các dự án là sản xuất nông nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, thương mại của quận.

Theo Phòng Quản lý Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, hàng năm, các quận, huyện cũng kiến nghị được tăng thêm vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Ngành LĐ-TB&XH đã nhiều lần đề xuất thành phố bổ sung nguồn vốn địa phương vào Quỹ cho vay GQVL hàng năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhiều năm qua, nguồn vốn vay chủ yếu là của Trung ương phân bổ và nguồn vốn các địa phương thu hồi hàng năm. Để đảm bảo có nguồn vốn vay, các địa phương đã rất tích cực đôn đốc, nhắc nhở người vay hoàn vốn, lãi đúng hạn. Đồng thời, nguồn vốn phải cho vay đúng người, đúng việc, phục vụ mục tiêu GQVL cho nhiều lao động.

Đầu năm 2008, thành phố được Trung ương bổ sung 4 tỉ đồng vốn Quỹ cho vay GQVL, trong đó 500 triệu đồng dành cho người dân ở các khu vực quy hoạch mất đất sản xuất. Số vốn này đã được thành phố bố trí ngay cho các quận, huyện, đồng thời đôn đốc việc giám sát sử dụng và thu hồi vốn để sớm giải ngân cho các dự án mới, từng bước đáp ứng yêu cầu vốn vay cho người dân.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết