14/02/2008 - 10:19

"Cô Nguyệt Quới"

Nguyệt quới là tiếng gọi cây nguyệt quế của đồng bào miền Tây Nam bộ. Khi nở bông, nó cho mùi thơm rất dễ chịu, lan tỏa khắp xung quanh. Và người được tặng biệt danh “Cô Nguyệt Quới” này – bà Nguyễn Thu Hà – cũng rất xứng đáng, vì bà đã làm khá nhiều việc công đức để tiếng thơm cho đời.

Bà Nguyễn Thu Hà bên cây nguyệt quế mà bà đã bán và hiện được trưng bày trong khuôn viên Dinh Thống Nhất (TPHCM). (Ảnh chụp lại)

Bà Nguyễn Thu Hà năm nay 55 tuổi, sống trong căn nhà yên tĩnh giữa vườn cây xanh um bao bọc xung quanh. Khu đất rộng đó tuy treo bảng “Khu du lịch sinh thái Thiền Định” nhưng thật ra từ 2 năm nay đây là nơi dành cho các em học sinh đến vừa nghỉ ngơi vừa học bài, làm bài. Mỗi ngày, có hàng chục học sinh tìm đến khu vườn yên tĩnh này để học bài, thư giãn. Khu đất này rộng 21 công, tại ấp Thạnh Phú (xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp), cách thị xã Sa Đéc chừng 2km, nằm bên Quốc lộ 80. Trong khu vườn này, không chỉ cảnh quan xinh đẹp mà thiên nhiên còn ưu đãi với không khí trong lành, tiếng gió lùa qua tàn cây, tiếng chim hót véo von (nhiều loại chim tụ hội nơi đây).

Khi bà Nguyễn Thu Hà mua mảnh đất này vào năm 1977, nó là nơi “đồng không mông quạnh”. Đầu tiên, bà trồng thanh long cho phù hợp với nơi đất khô hạn. Rồi bà trồng chôm chôm, ra công tu bổ, tạo nguồn nước sạch để tăng độ màu mỡ cho đất đai. Trái cây đem lại chút ít lợi lộc cho bà. Nhưng bà nghĩ chỉ có cây kiểng mới phù hợp với khu vườn đem lại kinh tế cao hơn. Vậy là bà chuyển sang trồng cây kiểng. Nửa mảnh vườn phía trước hàng trăm gốc kiểng lớn, kiểng trung, kiểng mini, có vô số gốc mai vàng, kim quýt, cần thăng, nguyệt quế, hàm tiếu... được bố trí rất ngoạn mục. Sau vườn bà trồng cây ăn trái, như: sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt, dâu Hạ Châu, mít... để “lấy ngắn nuôi dài”.

Tú Quang và Tú Hảo được bà Nguyễn Thu Hà cho học đàn ghi ta, đàn organ để phát huy năng khiếu âm nhạc của các cháu.

Kiểng của bà Hà được chăm sóc chu đáo, cắt tỉa mỹ thuật, được nhiều người ưa thích. Tiếng lành đồn xa, người tìm tới vườn bà Hà mua kiểng ngày càng đông. Đặc biệt, bà đã bán những cây nguyệt quế đẹp cho Dinh Thống Nhất (tháng 7-2003), Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội (2004), Khu lưu niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng ở Vĩnh Long (2004), để trưng bày trong khuôn viên. Những cây nguyệt quế này được bán từ hàng chục triệu tới hàng trăm triệu đồng. Người mua tự vận chuyển. Bà Hà hãnh diện “khoe”: “Tui có vài cây nguyệt quế được nhiều người đánh giá là đẹp nhất cả nước, có bộ (3 cây) giá tới cả tỉ đồng, chưa bán, dù đã có người đánh tiếng. Bà khẳng định “ở nước ta không có cây thứ hai”.

Bán kiểng có tiền nhiều, bà “đổ” vào việc làm từ thiện. Bà nói: “Tích đức là điều tốt nhất trong cuộc đời một con người”. Vậy là bà ra công cứu giúp những trẻ em bất hạnh đem về nuôi dưỡng, cho ăn học đàng hoàng.

Bà Hà bắt đầu nuôi Nguyễn Thị Bé. Đến nay, sau gần 30 năm, cô Bé (32 tuổi) mồ côi năm xưa vẫn tá túc trong ngôi nhà đầy kỷ niệm đẹp với bà Hà, sống bằng nghề thợ may. Sau đó bà nuôi Bé Hai. Theo bà Hà, Bé Hai có cha là một người quốc tịch Đức, thường xuyên đánh đập bé. “Thấy tội, tui đưa mấy triệu đồng cho cha mẹ bé xin bé đem về nuôi”, bà tâm sự. Bà vừa dạy chữ vừa dạy “nghề” cho Bé Hai, và đặt cho bé cái tên dễ thương là Trương Tú Hảo. Giờ Tú Hảo đã 16 tuổi, là một “nghệ nhân” làm bánh xuất sắc, cắt tỉa kiểng rất mỹ thuật. Bà Hà còn muốn cho Tú Hảo học vẽ để phát huy năng khiếu mỹ thuật của cô.

Còn với đứa trẻ cơ nhỡ Bé Ba, bà đặt tên là Tú Quang. Cha mẹ Tú Quang bỏ nhau, Tú Quang phải lang thang khắp nơi tự nuôi thân bằng cách làm bất cứ việc gì miễn có cái ăn. Sau cùng, cậu bé xin được một chân bán gõ mì. Dù làm việc chăm chỉ nhưng còn nhỏ (lúc đó mới 5 tuổi) nên bé Ba không làm hài lòng chủ và bị đánh đập tàn tệ. Bà con thấy vậy động lòng trắc ẩn, đưa về cho bà Hà nuôi. Vì quen sống cảnh “đầu đường xó chợ” nên Tú Quang lầm lì, ít nói, khó gần bà Hà phải ân cần chăm sóc, an ủi, kịp thời động viên Tú Quang mới dần trở thành đứa bé ngoan. Là một đứa thông minh, học Tây ban cầm trong 6 tháng là cậu bé có thể đàn rất điêu luyện. Tú Quang năm nay 16 tuổi, đang làm ở hãng đồ nhựa trên TP Hồ Chí Minh. Rồi còn Chim Non nữa, năm nay 16 tuổi, đang được theo học nghề uốn tóc. “Tôi giúp cháu có một nghề kiếm sống, dù cháu vẫn còn đầy đủ cha mẹ nhưng phải sống trong cảnh bần hàn. Tội nghiệp!”, bà chắc lưỡi.

Đâu chỉ có vậy, bà Nguyễn Thu Hà còn tích cực tham gia lao động từ thiện bằng cách tặng cho Công ty cây xanh thị xã Sa Đéc gần 1.000 cây trồng - loại cây viết để trồng theo một số con đường chưa được che phủ bóng mát. Bà lý giải: “Hồi xưa tui “đội” nắng đi học nên rất thương mấy cháu học trò phải chịu cực trong cái cảnh nắng như đổ lửa”.

Bà Nguyễn Thu Hà quê gốc ở Tân Lược (Bình Minh, Vĩnh Long) từng là học sinh Trường Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ), là hoa khôi nổi tiếng khắp miền Tây này. Biệt danh “Cô Nguyệt Quới” mà bà con địa phương quen gọi bà Hà thiệt là ý nghĩa.

PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết