29/06/2009 - 10:11

Cô gái bị tật đa tài

Người ta thường nói “có tât có tài” quả không sai. Ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) nhiều người trong xóm tấm tắc ngợi khen Nguyễn Thị Bé Ngọc 26 tuổi, ngụ ấp Chánh Hưng, bị tật 2 chân và tay phải nhưng không đầu hàng số phận. Điều đặc biệt là Bé Ngọc làm lụng không ngơi tay từ chuyện thêu, may đến kết vải làm mền, rồi kết chuỗi hạt... kiếm tiền phụ giúp ba mẹ lo cho gia đình...

Trong lớp học kết xâu chuỗi hạt do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Long tổ chức, tôi bất ngờ thấy cô gái bị liệt 2 chân và tay phải bị tật, nhưng rất miệt mài kết từng hạt chuỗi. Chị Thắm, một thành viên trong lớp học này, cho biết: “Bé Ngọc tội lắm. Nhìn vào gia cảnh bề ngoài tưởng đâu là em sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng đó là phủ thờ của ông bà nội để lại. Nhà cặp quốc lộ 91 nhưng vì lo cho Bé Ngọc và ông bà nội bệnh thường xuyên, nợ nần chồng chất, ba mẹ em đành bán hết 10 công đất ruộng và nền nhà phía trước, lùi nhà ở ra sau để trả nợ và tu sửa lại ngôi nhà sắp sập. Ba mẹ hết ruộng, quanh năm thuê đất làm nấm rơm để nuôi 4 chị em Ngọc. Nhà chỉ có một mình Bé Ngọc là gái, phải tự lo cho mình. Sáng sớm, cả nhà đi đồng, một mình Bé Ngọc lếch vô, lếch ra lau nhà, giặt đồ, may đồ, việc gì cũng làm. Khi Hội Phụ nữ mở lớp này, tôi bàn với gia đình cho Bé Ngọc đi học. Hằng ngày, tôi và cô chủ nhiệm thay phiên chở Bé Ngọc tới lớp”.

Hai chân bị teo, 1 tay phải cũng bị tật vì sốt bại liệt từ nhỏ nhưng Nguyễn Thị Bé Ngọc không đầu hàng số phận. (Trong ảnh: Ngọc đang kết mền, kế bên là áo gối và các móc khóa do chính tay Ngọc làm). 

Mẹ Bé Ngọc, chị Bùi Thị Cựu, kể: “Sinh Bé Ngọc ra lành lặn, tôi rất vui, nhưng chẳng may, khi cháu được 20 tháng tuổi thì bị bệnh sốt bại liệt, để lại di tật suốt đời là 2 chân bị teo, tay phải lật ngược lên, các ngón tay không thể cầm vật gì được. Vợ chồng vay mượn tiền khắp nơi lo trị bệnh cho con nhưng Bé Ngọc chỉ ngồi và tập dần mới lếch được. Nhìn bàn tay cháu bị chai sần do phải chống chỏi đưa mình về trước, tôi xót lòng lắm nhưng biết sao bây giờ”.

Không có điều kiện đến trường từ khi lên 8 tuổi, Bé Ngọc thấy mấy đứa em ngồi học, cũng kêu ba dạy đọc. Mẫu chữ nào dạy qua 1 hoặc 2 lần là cô nhớ ngay và đọc lưu loát. Học hết quyển sách lớp 1 và tính toán tạm được nhưng vì phải lo cái ăn, lo bệnh cho hai người già và lo cho con nên ba Bé Ngọc không còn thời gian dạy chữ cho con. Ở nhà, mỗi lần thấy bà nội ngồi thêu là Bé Ngọc ngồi cạnh và nhờ bà chỉ giúp. Đầu tiên, Bé Ngọc thêu gối nằm. Lúc đầu cầm kim cứ bị ghim vào tay, máu chảy, sưng và rất đau nhức nhưng Bé Ngọc vẫn ráng tập. Suốt hơn một tuần, em mới làm quen được với cây kim, sợi chỉ. Rồi sử dụng bàn căng để thêu còn vất vả hơn. Tay phải em kẹp bàn căng vào cổ, tay trái điều khiển từng mũi chỉ đường kim nhưng chẳng được như ý. Khâu xỏ chỉ cũng không kém phần vất vả. Mắt của nội kém, mỗi lần xỏ chỉ rất khó khăn nên em phải tập xỏ chỉ. Do tay run nhiều nên thật lâu Bé Ngọc mới xỏ được kim, nhưng rồi làm riết rồi quen.

Thích làm việc, thấy cái mền người ta kết lại từ những mảnh vải vụn, Bé Ngọc lấy những tấm áo rách, cắt giấy và may vào vải thử, cùng kích cỡ và 5 cạnh đều nhau, kết lại. Nhiều người ở xóm thấy Bé Ngọc ham học hỏi, mang vải vụn sang cho. Bé Ngọc kết gối hình trái tim, hình chữ nhật và làm tấm đậy điện thoại. Thấy Bé Ngọc làm sắc sảo, có hoa tay, nhiều người đến chơi mua hộ Bé Ngọc 1 cặp gối 60.000 đồng. Để có được một cặp áo gối hoàn chỉnh, Bé Ngọc phải ngồi thêu nửa tháng mới xong.

Lần đầu cầm số tiền bán được cặp gối, Bé Ngọc mua 6 kg vải vụn. Vải lớn may quần đùi cho ba và em trai, vải nhỏ hơn may quần lót nữ và vải vụn thì em tận dụng để kết mền, áo gối. Mặc dù không được học may nhưng Bé Ngọc rất năng động, lấy những đồ của ba, mẹ và em mình bị hư tháo ra và ủi lại thẳng thớm, mua giấy về đặt lên lược chỉ lại và cắt theo kích cỡ đó, rồi may tay lại thành từng bộ quần áo cho ba mẹ và em trai. Để chia sẻ phần nào với con, chị Cựu dành dụm tiền sửa lại bàn máy may và thiết kế kệ đựng dàn máy ngang tầm với Bé Ngọc. Từ khi có máy may, Bé Ngọc đỡ vất vả hơn. Một ngày em tự cắt và may 5 quần lót nữ, bán cho tiểu thương được 3.000 đồng/cái. Hết vải lớn, em bắt đầu kết mền, kết gối. Hiện nay, một cái mền ngang 1,6m, dài 2m, Bé Ngọc làm xuyên suốt hơn 2 tháng mới xong, bán được 200.000 đồng. Tính ra, mỗi ngày em chỉ kiếm được hơn 3.000 đồng. Bởi vì, trừ tiền vốn mua vải vụn 10.000 đồng, kết một cái mền kiếm lời được 190.000 đồng, Bé Ngọc đã phải vất vả vật lộn với từng đường kim mũi chỉ ròng rã 60 ngày. Với Bé Ngọc, đó lại là niềm vui sướng: “Số tiền này, em đã phụ giúp ba mẹ một phần chi phí tiêu dùng hằng ngày, nhưng đổi lại có việc làm, em cảm thấy vui và sống lạc quan hơn”, Bé Ngọc thố lộ.

Hơn 1 tháng nay, Bé Ngọc được đi học lớp kết xâu chuỗi hạt. Ngày đầu tiên tiếp xúc với đông người, Bé Ngọc mặc cảm với các bạn cùng lớp nhưng rồi nhờ sự chia sẻ, cảm thông của cô giáo và bạn bè, Bé Ngọc sớm hòa nhập với lớp học. Một lần, cô giáo Dung và học viên Thắm chở Bé Ngọc lên chợ Cái Dầu xa hơn 1 km chơi. Đến nơi, Bé Ngọc thốt lên: “Từ lâu, con nghe nói chợ Cái Dầu đẹp và bán nhiều đồ, được tận mắt chứng kiến con rất ngỡ ngàng, cái gì cũng có bán ở chợ, khác như con tưởng tượng. Lần sau, có dịp đi đâu, các cô cứ hỏi mẹ cho con đi với...! Ở nhà một mình không bạn bè, chỉ có hai cô chơi với con!...”. Chị Thắm nghẹn ngào kể lại lời tâm sự của Bé Ngọc.

Bây giờ được học thêm việc kết xâu chuỗi hạt Bé Ngọc rất phấn khởi, mỗi ngày làm được 2 móc khóa, kiếm được 4.000 đồng, so với kết mền, may đồ thì có nhiều tiền hơn. Gần đây, có người đặt Bé Ngọc làm bình bông bằng xâu chuỗi hạt. Bé Ngọc đến hỏi cô giáo mẫu mã về làm thử nên người ta đã đồng ý đặt mua với giá 200.000 đồng/bình cỡ nhỏ, nhưng Bé Ngọc không có tiền mua nguyên liệu chuỗi và dây. Bé Ngọc nói nhỏ với tôi: “Phải chi có được 3 hoặc 4 triệu đồng làm vốn thì Ngọc sẽ đầu tư mua dây chuỗi hạt, sẽ làm được nhiều đồ, bán kiếm tiền để giúp đỡ ba mẹ”. Đó là ước mơ đơn giản của cô gái tật nguyền không đầu hàng số phận. Mong bạn đọc gần xa, các mạnh thường quân giúp đỡ để Bé Ngọc có thể tự lao động nuôi thân, giúp đỡ gia đình.

Bài, ảnh: PHỤNG TIÊN

Chia sẻ bài viết